Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, giảng viên bộ môn Đường bộ – Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải là một trong 135 trí thức tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.
- Nữ sinh trường làng và hành trình chạm tới ước mơ đỗ chuyên Văn
- Dự thảo Luật Nhà giáo: Kiến tạo, phát triển lực lượng nhà giáo
- Kiến nghị bỏ tiêu chí về tỷ lệ thôi học vì lo trường ĐH sẽ chạy theo thành tích
- SGK Ngữ Văn theo chương trình mới tạo nhiều cảm hứng cho giáo viên và học sinh
- Nỗ lực với nhiều giải pháp thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa
Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, giảng viên bộ môn Đường bộ – Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải (đầu tiên từ trái sang). Ảnh: Trường Đại học Giao thông vận tải.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu chia sẻ: “Thật vinh dự cho tôi được có tên trong danh sách vinh danh năm 2024, đó là sự ghi nhận và đồng thời cũng là niềm tự hào vì sản phẩm khoa học đã góp phần đóng góp cho xã hội. Qua đó, cũng lan tỏa niềm tin, động viên tinh thần nghiên cứu khoa học tới đồng nghiệp cũng như các thế hệ sinh viên yêu thích khoa học”.
Hành trình đưa khoa học vào đời sống của Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở Thái Bình, có bố là bộ đội và mẹ là giáo viên, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu đã sớm được thừa hưởng niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến cho đất nước. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Bình, nam sinh Lương Xuân Chiểu đã lựa chọn thi và học tập tại Trường Đại học Giao thông vận tải.
Tại đây, nam sinh viên Lương Xuân Chiểu đã theo học đồng thời hai ngành học tưởng chừng như đối lập nhưng đã bổ trợ lẫn nhau là Điều khiển học kỹ thuật thuộc Khoa Điện – Điện tử và Xây dựng công trình giao thông thuộc Khoa Công trình. Sự kết hợp độc đáo này đã trở thành nền tảng vững chắc cho những nghiên cứu sâu rộng về giao thông vận tải sau này.
Trong suốt quá trình học tập, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu luôn tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên và các hội thi khoa học. Tinh thần ham học hỏi và sự sáng tạo đã giúp ông tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm và thành tích sinh viên.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu đã có cơ hội làm việc tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Giao thông vận tải, được trực tiếp làm việc với các nhà Khoa học thực nghiệm giỏi nhiều lĩnh vực, có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Phòng thí nghiệm của Trường Đại học Giao thông vận tải đóng vai trò như một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn. Tại đây, các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp mà các đơn vị thi công và tổ chức quản lý giao thông gặp phải. Từ việc cải tiến vật liệu xây dựng, tối ưu hóa thiết kế công trình đến việc ứng dụng công nghệ mới vào quản lý giao thông. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp này, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu đã có cơ hội kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tiễn.
Những năm đầu làm việc tại phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu được giao trọng trách tham gia dự án đường Hồ Chí Minh, ngay từ giai đoạn đầu đã có nhiều khó khăn và gian khổ.
“Đối với một tân khoa như tôi lúc bấy giờ, công việc này quả là một thử thách lớn. Trong thời gian đó, tôi đã may mắn đọc được tài liệu có viết về bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, ngày 18/05/1963.
Lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam cho hành trình nghiên cứu của tôi. Chính vì vậy, tôi luôn tìm kiếm những cơ hội để ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn. Như Bác đã nói, “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất”, những khó khăn trong công việc lại càng là động lực để tôi không ngừng sáng tạo và tìm tòi. Những việc khó của thực tiễn cần là cơ hội của người nghiên cứu”, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu chia sẻ.
Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu (thứ ba từ trái sang) đại diện nhóm nghiên cứu giới thiệu giải pháp lựa chọn vật liệu dính bám giữa lớp Bê tông nhựa và Bê tông xi măng trong công tác sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Ảnh: NVCC.
Lấy cảm hứng từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của khoa học trong việc phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu luôn hướng tới việc ứng dụng những nghiên cứu của mình vào thực tiễn. Ông và các cộng sự đã không ngừng nỗ lực để tìm ra những giải pháp hữu ích cho sản xuất.
Đến nay, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu và nhóm nghiên cứu đã sở hữu 5 giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng Giải pháp hữu ích. Trong đó, ba giải pháp liên quan đến việc sáng chế ra Thiết bị tự động cấp các loại phụ gia dạng hạt, dạng bột, dạng lỏng tại trạm trộn bê tông nhựa nóng thay thế cho công nhân không phải làm việc trong môi trường độc hại. Những thiết bị này đã được cung cấp và lắp đặt cho trên 200 trạm trộn như Thiết bị cấp phụ gia dạng bột được công ty của Nhật Bản tin cậy đặt hàng lắp đặt để cấp phụ gia của họ tại trạm trộn bê tông nhựa ở Việt Nam, Lào, Campuchia.
Hai giải pháp liên quan đến công nghệ sản xuất đó là Công nghệ sử dụng phế thải nhựa sản xuất bê tông nhựa tại trạm cho lợi ích kép tăng khả năng kháng hằn lún vệt bánh và giảm ô nhiễm môi trường; Công nghệ sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa sử dụng phụ gia trộn trực tiếp tại trạm trộn.
Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu đi thực tế tại các dự án.
Ngoài ra còn nhiều giải pháp hữu ích có khả năng ứng dụng mang lại hiệu quả cao đang được hoàn thiện thủ tục để trình Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và cấp phép.
Ông chia sẻ, mong muốn lớn nhất đối với người làm khoa học là sản phẩm nghiên cứu của mình được ứng dụng vào thực tế phục vụ cho sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.
Câu chuyện đằng sau những con đường bền vững
Mỗi công trình nghiên cứu đều là một đứa con tinh thần của các nhà khoa học. Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu đã hoàn thành nhiều công trình có giá trị. Tuy nhiên, nghiên cứu đặc biệt đã để lại trong ông và các cộng sự những dấu ấn sâu đậm nhất là “Nghiên cứu giải pháp công nghệ sản xuất hỗn hợp bê tông nhựa sử dụng phụ gia trộn trực tiếp tại trạm trộn”. Không chỉ đơn thuần là một dự án khoa học, công trình gắn liền với những kỷ niệm khó quên về những ngày tháng miệt mài nghiên cứu và cống hiến.
Xuất phát từ thực tế cuối năm 2013, hàng loạt các dự án xây dựng đường chỉ thời gian ngắn sau khi khánh thành gặp thời tiết nắng nóng, mặt đường bê tông nhựa bị hằn lún vệt bánh xe gây mất an toàn khai thác, gây hoang mang cho những người làm đường.
Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu (thứ hai từ phải sang) cùng các cộng sự tại công trường. Ảnh: NVCC.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu đã quyết tâm tìm kiếm một giải pháp hiệu quả và bền vững. Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm không ngừng, nhóm đã sáng tạo ra Giải pháp sử dụng phụ gia SBS trộn trực tiếp tại trạm trộn nhằm tăng khả năng kháng hằn lún vệt bánh xe của hỗn hợp bê tông nhựa.
“Đây là một giải pháp hoàn toàn mới, chưa từng được áp dụng tại Việt Nam và các nghiên cứu của nước ngoài cũng không đề cập. Do đó, khi áp dụng giải pháp này, chúng tôi đã gặp phải không ít khó khăn, sự phản đối và lo ngại từ nhiều phía, kể cả các chuyên gia trong ngành”, tiến sĩ nhớ lại.
Tuy nhiên, bằng niềm tin vào tính khả thi của công nghệ, nhóm đã kiên trì thực hiện các thử nghiệm và cuối cùng đã chứng minh được hiệu quả vượt trội của giải pháp này.
Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu nhấn mạnh: “Điều đáng tự hào nhất là khi chứng kiến những tuyến đường sử dụng giải pháp của chúng tôi đều cho thấy độ bền cao, khả năng chống chịu tốt trước tác động của thời tiết và tải trọng giao thông. Mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền, mang lại nhiều tiềm năng kinh tế, nhưng nhóm nghiên cứu đã quyết định tặng bản quyền công nghệ này cho Bộ Giao thông Vận tải.
Chúng tôi tin rằng, việc làm này sẽ giúp giải pháp được ứng dụng rộng rãi cho các công trình, giúp cho các công trình tránh được những hư hỏng, góp phần nâng cao chất lượng và tuổi thọ của hệ thống giao thông nước nhà”.
Nhóm nghiên cứu sẵn sàng từ bỏ quyền lợi cá nhân để giải pháp được ứng dụng rộng rãi. Từ đó giải pháp này đã được sử dụng ở 11 tuyến đường cao tốc; hơn 35 tuyến quốc lộ trên cả nước mang lại hiệu quả cao.
Năm 1999: Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông vận tải và công tác tại phòng thí nghiệm của nhà trường.
Năm 2018: Giảng viên tại Bộ môn Đường Bộ – Khoa Công trình và kiêm Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải.
Trong quá trình nghiên cứu, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu đã có rất nhiều công bố khoa học trong đó có các bài báo khoa học trong nước và quốc tế, sách; tham gia nhiều đề tài, nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ; 5 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích.
Xem thêm : Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ loạt sai phạm ở Trường Đại học Trà Vinh
Với vai trò là thành viên của Hội Khoa học công nghệ Hàng không Việt Nam ông đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến UAV phục vụ cho lĩnh vực giao thông vận tải. Ông đã chủ trì kiểm định nhiều công trình sân bay như: Sân bay Nội Bài, Sân bay Điện Biên, Sân bay Cát Bi, Sân bay Đồng Hới,…
Với vai trò là thành viên Hội Cầu đường Việt Nam, ông đã chủ trì kiểm định nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Dự án đường bộ Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, Tiên Yên – Móng Cái, Hà Nội – Lào Cai, Pháp Vân – Cầu Giẽ,…
Một số danh hiệu, giải thưởng tiêu biểu:
– Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2019
– Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2013, 2017
– Bằng khen của Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên năm 2023
– Đạt danh hiệu lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2023
– Giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17 năm 2023
– Giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ 1 năm 2023
Khó khăn và cơ hội trong nghiên cứu khoa học thực nghiệm
Không chỉ là một nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu còn là một giảng viên tận tâm, luôn mong muốn truyền đạt những kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế của mình cho thế hệ trẻ. Từ năm 2018 đến nay, ông là giảng viên tại Bộ môn Đường Bộ – Khoa Công trình và kiêm Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, góp phần đào tạo nên những kỹ sư giao thông tài năng.
Theo Tiến sĩ Lương Xuân Chiểu, các vấn đề thực tiễn đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp nghiên cứu nhanh chóng, tuy nhiên, việc hình thành đề tài nghiên cứu cấp nhà nước lại khá phức tạp và tốn thời gian. Điều này khiến nhiều nhóm nghiên cứu phải tự bỏ kinh phí để thực hiện các giải pháp tức thời, hạn chế khả năng triển khai các nghiên cứu quy mô lớn và dài hạn.
Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông vận tải, các nghiên cứu thường đòi hỏi quá trình thử nghiệm và kiểm chứng kéo dài gây không ít khó khăn cho các nhóm nghiên cứu. Để có thể tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ từ các đề tài thì nhóm nghiên cứu không dừng ở việc giải các bài toán tức thời của thực tế sản xuất đặt ra mà cần phải chủ động dự báo và định hướng nghiên cứu ngay từ sớm đáp ứng được nhu cầu của thực tế.
Mong muốn lớn nhất đối với người làm khoa học là sản phẩm nghiên cứu của mình được ứng dụng vào thực tế phục vụ cho sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.
Thầy Lương Xuân Chiểu cho biết, nhóm nghiên cứu của trường cũng đã chủ động tiếp cận và nghiên cứu chế tạo các thiết bị công nghệ cao như UAV- AI trong công tác khảo sát, kiểm tra chất lượng công trình, cứu hộ, cứu nạn. Xu hướng trong thời gian tới tăng cường ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, thiết bị thi công hiện đại nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng, giảm thời gian thi công sẽ được chú trọng.
Thầy Chiểu nhắn nhủ đến các bạn trẻ đam mê nghiên cứu: “Sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực Cơ khí, Tự động hóa và Giao thông vận tải cần chủ động tiếp xúc với thực tế sản xuất để nắm bắt sâu sắc các vấn đề cần giải quyết. Việc đặt ra những câu hỏi “tại sao” và “làm thế nào” sẽ giúp các bạn định hình rõ mục tiêu nghiên cứu, từ đó tìm kiếm các giải pháp sáng tạo và hiệu quả.
Để thành công, các bạn nên kết hợp việc nghiên cứu tài liệu, công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển với việc tận dụng tối đa các nguồn lực tại trường đại học, đặc biệt là các phòng thí nghiệm. Đây là môi trường lý tưởng để các bạn thực hành, sáng tạo và nhận được sự hỗ trợ từ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm”.
Thùy Trang
https://giaoduc.net.vn/ts-luong-xuan-chieu-nhung-viec-kho-thuc-tien-can-la-co-hoi-cua-nguoi-nckh-post245700.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục