Theo Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, một trong những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 là có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ.
- Sẽ cung ứng cho vùng lũ khoảng 18 triệu bản sách giáo khoa
- Hơn 39.000 thí sinh tham gia dự thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐHQG TPHCM
- Dấu ấn của ngành giáo dục và đào tạo dưới thời cố Bộ trưởng Trần Hồng Quân
- Hân hoan không khí khai giảng tại Hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ
- Xếp hạng hiệu suất công bố khoa học của một số CSGDĐH nửa đầu năm 2024
Phương thức vận chuyển đề thi theo quy định mới được các sở giáo dục và đào tạo đánh giá cao, bởi không chỉ cải tiến các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Bạn đang xem: Vận chuyển đề thi qua đường truyền mã hóa tạo đà để thi tốt nghiệp trên máy tính
Khắc phục nhiều hạn chế của phương thức vận chuyển cũ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Văn, chuyên viên chính của Phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang nhận định, áp dụng phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể:
Tăng cường bảo mật: Sử dụng hệ thống đường truyền mã hóa giúp giảm thiểu nguy cơ lộ lọt đề thi trong quá trình vận chuyển, vốn là một mối lo ngại lớn trong các kỳ thi trước đây. Công nghệ mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ hiện đại đảm bảo chỉ những người có thẩm quyền mới có thể truy cập.
Tiết kiệm thời gian và chi phí: Phương thức vận chuyển qua đường truyền mã hóa sẽ nhanh chóng hơn nhiều so với vận chuyển bằng ô tô như trước đây, đồng thời giảm bớt chi phí liên quan đến in ấn tại Hội đồng ra đề thi và vận chuyển đề thi đến các tỉnh.
Tính đồng bộ và chính xác: Việc sử dụng đường truyền mã hóa giúp đảm bảo đề thi được phân phối đồng bộ đến các địa phương, tránh tình trạng sai sót trong quá trình in đề thi gốc.
Thích ứng với xu hướng chuyển đổi số: Phương thức vận chuyển mới thể hiện sự hiện đại hóa trong quản lý và tổ chức kỳ thi, phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong giáo dục và quản lý hành chính.
“Việc áp dụng phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa là một bước tiến đáng ghi nhận trong nỗ lực hiện đại hóa và bảo mật. Điều này không chỉ giúp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra an toàn, mà còn tăng cường niềm tin của phụ huynh, giáo viên, và học sinh vào hệ thống giáo dục”, ông Nguyễn Đức Văn nhấn mạnh.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang cho biết: “Phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 63 sở giáo dục và đào tạo thực hành chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2024 – 2025 được tổ chức thi vào ngày 25 và ngày 26/12/2024.
Việc vận chuyển đã được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả và thành công tốt đẹp. Do đó, tôi tin rằng khi áp dụng phương thức vận chuyển đề thi thông qua hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng sẽ đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng và thành công như mong đợi”.
Ông Huỳnh Văn Hóa so sánh 2 phương thức vận chuyển đề thi theo quy định mới và cũ. (Ảnh: Phương Thảo)
Mặt khác, theo ông Nguyễn Đức Văn, chuyên viên chính của Phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang, phương thức vận chuyển đề thi theo quy định mới có thể khắc phục nhiều khó khăn và bất tiện của phương thức vận chuyển truyền thống bằng xe ô tô, đặc biệt là ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, giảm đáng kể chi phí vận chuyển vật lý, chỉ cần đầu tư ban đầu vào hệ thống đường truyền mã hóa và bảo mật, giảm chi phí nhân sự và các chi phí vận hành liên quan đến phương tiện. Trong khi chi phí vận chuyển đề thi bằng xe ô tô bao gồm xăng dầu, bảo trì xe, lương nhân viên tham gia vận chuyển, và các chi phí phụ khác (ăn, ở trong trường hợp cần thiết), các tỉnh phải tổ chức nhiều chuyến vận chuyển để đưa đề thi từ các cụm trung tâm đến Ban In sao đề thi, làm tăng chi phí tổng thể.
Thứ hai, giảm số lượng nhân sự cần thiết trong quá trình vận chuyển, chỉ cần đội ngũ quản lý và vận hành hệ thống mã hóa. Nhân sự tại địa phương chỉ cần thực hiện việc giải mã và in sao, giảm áp lực quản lý.
Xem thêm : Hà Nội dẫn đầu toàn quốc về kết quả thí điểm học bạ số cấp tiểu học
Thứ ba, giảm thời gian giao nhận đề thi. Đề thi được truyền tải qua hệ thống internet, rút ngắn thời gian từ vài giờ hoặc vài ngày xuống chỉ còn vài phút, đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp phải thay đề thi ngay trước ngày thi diễn ra. Đồng thời tăng tính đồng bộ, đảm bảo tất cả các địa phương nhận được đề thi đúng thời gian quy định.
Thứ tư, độ an toàn và bảo mật cao. Hệ thống mã hóa hiện đại giảm nguy cơ rò rỉ thông tin, chỉ những người có thẩm quyền mới có thể truy cập. Không vận chuyển đề thi bằng xe ô tô đến các địa phương sẽ loại bỏ các rủi ro liên quan đến phương tiện giao thông hoặc các yếu tố môi trường.
Là bước đi quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số
Theo ông Huỳnh Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, việc áp dụng phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa không chỉ đơn thuần là một cải tiến trong tổ chức thi cử, mà còn là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính, ứng dụng chuyển đổi số.
“Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã thống nhất chủ trương và quyết tâm phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo thực hiện thành công, đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Huỳnh Văn Hóa chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Văn khẳng định: “Đây là một bước đi quan trọng và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành giáo dục Việt Nam.
Việc sử dụng đường truyền mã hóa để vận chuyển đề thi là một phần trong hệ thống công nghệ số hóa toàn diện. Nó tạo tiền đề để thiết lập các hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc tổ chức kỳ thi trên máy tính, như bảo mật dữ liệu, quản lý thông tin thí sinh và phân phối đề thi trực tuyến. Điều đó giúp chúng tôi quen dần với việc sử dụng công nghệ trong tổ chức thi cử. Từ đó dễ dàng triển khai các bước tiếp theo như sử dụng phần mềm thi, cơ sở hạ tầng máy tính và quản lý kỳ thi trực tuyến.
Đồng thời, thi trên máy tính đòi hỏi mức độ bảo mật cao hơn so với thi trên giấy, kinh nghiệm từ việc vận chuyển đề thi mã hóa sẽ giúp tăng cường năng lực phòng chống rò rỉ thông tin và các rủi ro liên quan đến an ninh mạng. Ứng dụng công nghệ trong các khâu từ vận chuyển đến tổ chức thi giúp giảm thiểu các can thiệp chủ quan, đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Khi thực hiện thi trên giấy, việc vận chuyển vật lý là một thách thức lớn khi số lượng thí sinh và điểm thi tăng cao. Phương pháp vận chuyển mã hóa và thi trên máy tính có thể tối ưu hóa quy trình, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Vận chuyển đề thi theo đường truyền mã hóa là bước đầu tiên nhưng lâu dài, khi chuyển sang thi trực tuyến, đề thi có thể được chuyển trực tiếp tới từng máy tính tại các điểm thi, loại bỏ hoàn toàn các khâu in ấn và vận chuyển truyền thống”.
Chuyên viên chính Phòng Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang chia sẻ thêm, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực và giáo dục là một phần quan trọng trong chiến lược này. Thực hiện triển khai thi số hóa là minh chứng cho sự cam kết đổi mới và hiện đại hóa giáo dục. Các quốc gia phát triển đã áp dụng rộng rãi các kỳ thi trên máy tính. Việt Nam triển khai phương án này sẽ giúp chuẩn hóa giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của học sinh Việt Nam.
Qua đó cho thấy phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa không chỉ giúp cải thiện chất lượng tổ chức kỳ thi mà còn thể hiện quyết tâm ứng dụng công nghệ, đưa giáo dục Việt Nam bắt kịp xu thế hiện đại hóa và chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ trong các khâu từ vận chuyển đến tổ chức thi giúp giảm thiểu các can thiệp chủ quan, đảm bảo công bằng cho thí sinh. (Ảnh minh họa: Ngọc Mai)
Ông Nguyễn Đức Văn nhấn mạnh rằng, để phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống đường truyền mã hóa thành công, đạt hiệu quả cao, đảm bảo tuyệt đối tính an toàn và bảo mật trong suốt quá trình thực hiện, cần có sự đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân sự và xây dựng các phương án ứng phó với các thách thức về kỹ thuật, an ninh và quản lý.
“Phải đảm bảo các đường truyền sử dụng vận chuyển đề thi là băng thông cao, ổn định và có đường truyền dự phòng trong trường hợp gặp sự cố.
Xem thêm : 10 năm qua kiên cố hóa trường lớp được thay đổi lớn nhờ xã hội hóa
Song song với đó, cán bộ thực hiện giải mã của Ban Cơ yếu Chính phủ cần được đào tạo chuyên sâu về quản lý, vận hành và khắc phục sự cố. Tổ chức các chương trình tập huấn về an ninh mạng và quy trình xử lý dữ liệu nhạy cảm cho nhân sự tại các Ban In sao đề thi và địa phương. Nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật thông tin đối với cán bộ tham gia, giảm thiểu nguy cơ rò rỉ do yếu tố con người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng quy trình chuyển giao đề thi qua đường truyền mã hóa chi tiết, bao gồm các bước kiểm tra, mã hóa, truyền tải, giải mã, in sao và lưu trữ. Chuẩn bị kịch bản ứng phó khi hệ thống gặp sự cố, như mất kết nối mạng, lỗi phần mềm, hoặc tấn công mạng”, chuyên viên chính Phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị.
Triển khai nhiều hoạt động chuyên môn chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, sở giáo dục và đào tạo các địa phương đã có nhiều chính sách và hoạt động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Đức Văn cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang đã tham gia, tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt về phương pháp giảng dạy mới và kỹ năng kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Tổ chức tư vấn chuyên môn giữa các trường vùng sâu, vùng xa với các trường có chất lượng cao ở thành phố hoặc trung tâm huyện để trao đổi kinh nghiệm.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên để phân tích kỹ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đó xây dựng cấu trúc, ma trận đề thi bám sát với chương trình thi. Tổ chức thi thử để học sinh làm quen với cấu trúc đề thi và áp lực thời gian.
Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện phân loại đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập hiệu quả, như hướng dẫn học sinh khá giỏi tập trung vào các kỹ năng phân tích, tổng hợp để đạt điểm cao, đồng thời tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu, miễn phí hoặc giảm chi phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tăng cường dự giờ trực tuyến, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến liên trường và sử dụng các nền tảng học như Zoom, Google Classroom để kết nối giáo viên giỏi với học sinh vùng sâu, vùng xa.
Để xây dựng môi trường học tập tích cực, lãnh đạo sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý để giảm áp lực thi cử, giúp học sinh tự tin hơn. Tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, nâng cao tinh thần, ý chí học tập và tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh để các em có động lực cố gắng hơn.
Bên cạnh đó, sở còn thành lập các đoàn kiểm tra, theo dõi quá trình chuẩn bị kỳ thi của từng trường và liên tục đánh giá chất lượng giảng dạy, học tập để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Với các chính sách và hoạt động cụ thể trên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang có thể từng bước khắc phục những khó khăn và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đồng thời, đây cũng là cơ hội giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang, ông Huỳnh Văn Hóa cho hay: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành chỉ thị về kỳ thi, chủ động phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương trong quá trình thực hiện. Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện về nhân lực và vật lực. Nhất là các phương án dự phòng cho tình huống xấu có thể xảy ra, đặc biệt là những tình huống chưa có tiền lệ.
Đồng thời, tổ chức nghiên cứu đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai dạy học hiệu quả nhất. Tập huấn chương trình, sách giáo khoa và tập huấn công tác ra đề kiểm tra cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang hiện đang tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I. Tiếp nối, sở sẽ triển khai kiểm tra cuối học kỳ II và thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, hỗ trợ các em học sinh chuẩn bị vững vàng trước khi chính thức bước vào kỳ thi quan trọng này.
Cuối cùng là tập trung vào công tác ôn tập theo hướng cá nhân hóa, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Rèn luyện cho các em kỹ năng làm bài theo đúng cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp học sinh hiểu rõ yêu cầu của đề thi, tăng sự tự tin và cải thiện kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả”.
Phương Thảo
https://giaoduc.net.vn/van-chuyen-de-thi-qua-duong-truyen-ma-hoa-tao-da-de-thi-tot-nghiep-tren-may-tinh-post248402.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục