Cứ mỗi dịp đầu năm học, câu chuyện quá tải trường, lớp lại trở thành chủ đề nóng trong dư luận. Năm nào cũng bàn, cũng đưa ra các giải pháp, nhưng vấn đề quá tải trường lớp vẫn là một bài toán nan giải, đặc biệt ở các khu vực thành thị đông dân cư.
- Trường trung học cơ sở An Châu tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt hè ý nghĩa
- Bộ GDĐT công bố danh mục các phương thức xét tuyển năm 2024
- Hà Nội: Ổ n định nền nếp, giúp học sinh bắt nhịp trở lại với việc học
- Bộ GDĐT công bố 5 nội dung thanh tra, kiểm tra ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- Thành phố Hà Nội yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn cho học sinh trở lại trường
Vì mưu sinh, phụ huynh buộc phải chấp nhận để con “chen chúc” trong những lớp học mà bàn ghế được kê sát tận bục giảng để có đủ chỗ cho học sinh ngồi. Các em học sinh thì chỉ loay quanh trong lớp học mỗi giờ ra chơi vì học ở tầng cao nên “ngại” xuống sân trường chơi. Thầy cô giáo cũng rơi vào tình trạng quá tải vì học sinh đông, không quản lý hết được các em học sinh.
Bạn đang xem: Ưu tiên đất cho GD, thu hút xã hội hóa mở trường tư san sẻ sĩ số với trường công
Quá tải trường, lớp: Trách nhiệm của địa phương
Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3898/ BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025; trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp. Được đánh giá là cần thiết, nhưng quy định này vẫn chỉ là “một giấc mơ” với nhiều học sinh và giáo viên ở những thành phố lớn, đông dân cư như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,…
Chị Phan Thị Hoài (35 tuổi, Thành phố Hà Nội) lắc đầu cười trừ khi nghe tới quy định đảm bảo không quá 35 em học sinh/lớp ở bậc tiểu học. Con gái chị Hoài năm ngoái học lớp 1 ở một trường công lập thuộc quận Hà Đông (Thành phố Hà Nội), sĩ số 48 học sinh/lớp.
“Lớp nào cũng gần 50 học sinh. Con cái của bạn bè tôi ở các khu vực nội thành Hà Nội cũng chung tình cảnh này. Nhiều trường bố trí cho các con học lệch ca, nghỉ học luân phiên vì quá tải trường lớp, điều này cũng gây ra rất nhiều bất tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón các con.
Năm nay con gái tôi lên lớp 2, và chắc tình trạng lớp học đông đúc cũng chưa thể giải tỏa ngay. Chỉ mong sao các cấp chính quyền sớm có giải pháp khắc phục, xây thêm trường học để đảm bảo chất lượng dạy và học cho các con”, vị phụ huynh chia sẻ.
Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về ban hành Điều lệ Trường tiểu học quy định “mỗi lớp học có không quá 35 học sinh”. Ảnh minh họa: Ngân Chi
Thực tế, từ năm 2020, quy định đảm bảo sĩ số 35 học sinh/lớp ở bậc tiểu học đã được đưa vào Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT về ban hành Điều lệ Trường tiểu học tuy nhiên để thực hiện được lại không hề dễ.
Với quy mô khoảng 2,3 triệu học sinh, Thủ đô Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông nhất cả nước. Theo thống kê, bình quân mỗi năm Thủ đô lại tăng thêm khoảng 40-50 nghìn học sinh, tức là cần phải xây thêm 30-40 trường học (cả công lập và ngoài công) mới đảm bảo được nhu cầu.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, dự kiến năm học 2024-2025, số lượng học sinh vào lớp 1 tăng 7.000; học sinh vào lớp 6 tăng 58.000; học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 so với năm học 2023-2024. Đến nay, toàn thành phố có 2.913 trường mầm non, phổ thông, tăng 39 trường so với năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo sĩ số lớp theo quy định vẫn là bài toán nan giải với nhiều trường học tại Hà Nội. [1]
Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, trao với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam bày tỏ, quy định đảm bảo “mỗi lớp học có không quá 35 học sinh” đã được đưa vào Thông tư ban hành Điều lệ Trường tiểu học. Điều này có ý nghĩa bắt buộc các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm chỉnh.
“Sĩ số không quá 35 học sinh giúp đảm bảo hiệu quả trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Trước đây, đa số việc dạy và học còn theo kiểu truyền thụ lý thuyết một chiều, đọc – chép thụ động thì nay, với chương trình mới thầy cô giáo không chỉ giảng bài đơn thuần mà quá trình học phải lồng ghép các hoạt động thực hành, trải nghiệm cho học sinh.
Nếu lớp có quá đông học sinh, giáo viên sẽ rất khó để quan tâm và hướng dẫn thực hành, đánh giá kết quả từng em học sinh được. Do đó, vai trò sĩ số gắn chặt chẽ với chất lượng giáo dục”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nguyên Phương
Để chuẩn hóa sĩ số học sinh, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc bố trí cho học sinh học lệch ca, đi học vào ngày thứ bảy,… chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chính quyền địa phương cần phải có trách nhiệm cùng tham gia giải quyết vấn đề đảm bảo đủ trường, lớp cho học sinh.
Xem thêm : Tập trung nâng cao chất lượng dạy học với học sinh lớp 9
“Hàng năm, những trường học ở địa phương nào còn để tình trạng quá tải học sinh thì phải thông báo tên, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.
Theo đó, chuyên gia kiến nghị giải pháp bền vững, có tính lâu dài là các địa phương phải ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường công lập để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhất là ở những địa bàn đông dân cư, tốc độ đô thị hóa nhanh.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục có chính sách mạnh mẽ để phối hợp giữa công – tư trong vấn đề phát triển giáo dục, đảm bảo quyền lợi được học tập của học sinh.
San sẻ với áp lực hệ thống công: Đẩy mạnh xã hội hóa ra sao?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: giaoduc.net.vn
Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận định, việc để quá tải trường, lớp, không đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các địa phương.
“Giải pháp căn cơ là phải xây dựng thêm trường, lớp và thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để phát triển trường”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất.
Việc tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển là giải pháp giúp giảm áp lực cho hệ thống công lập, nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của người học, chất lượng giáo dục và nhu cầu được học tập của người dân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kiến nghị nhà nước cần có nhiều chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong việc hỗ trợ hệ thống giáo dục ngoài công lập nhằm giảm gánh nặng học phí cho người học.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, xã hội hóa giáo dục là việc làm cần thiết để thúc đẩy phát triển giáo dục.
Trong đó, Giáo sư Nguyễn Mậu Bành nhấn mạnh đến sứ mệnh của trường công lập và trường ngoài công lập. Hệ thống các trường công lập vẫn phải giữ vai trò chủ đạo và cần được đầu tư đầy đủ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả người dân.
Song song với đó, nhà nước cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để đồng thời phát triển hệ thống các trường ngoài công lập để thu hút những học sinh gia đình có điều kiện hơn, đảm bảo nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
“Quá tải trường lớp, sĩ số học sinh/lớp quá đông, thiếu giáo viên là bài toán nan giải của ngành giáo dục hiện nay. Để khắc phục khó khăn, đòi hỏi toàn ngành giáo dục phải có quyết tâm về chính trị, phải đưa Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đi vào thực tiễn. Đảm bảo tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu đạt 20% như tinh thần Nghị quyết đã nêu , Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trước đó, Thành phố Hà Nội từng đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng; xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả, khắc phục hạn chế về quỹ đất ở khu vực các quận nội thành.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đánh giá đây là biện pháp tích cực góp phần giải bài toán sĩ số hiện nay. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nếu được triển khai, thành phố cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố về ánh sáng ở tầng hầm, cũng như vấn đề phòng cháy nổ, đảm bảo an toàn cho học sinh ở khu vực tầng cao.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng thêm trường, lớp
Xem thêm : Bài báo khoa học là sản phẩm đề tài Quỹ NAFOSTED tài trợ bị gỡ: Quỹ nói gì?
Nói về tình trạng quá tải trường lớp trên địa bàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng khẳng định thực tế, chỗ học vẫn dư, nhưng lại thừa thiếu cục bộ; ở một số quận nội đô, học sinh rất đông, trong khi ở một số huyện, sĩ số học sinh không đủ trong 1 lớp.
Xây dựng thêm trường học mới được xác định là giải pháp lâu dài để giảm quá tải học sinh. Hiện nay, trên toàn Thành phố Hà Nội, việc xây mới các trường học đang được gấp rút triển khai. Từ bậc mầm non cho đến trung học phổ thông, các trường công lập được sửa chữa, nâng cấp để đáp ứng nhiều hơn chỗ học cho học sinh.
Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, giai đoạn từ 2023 đến 2025, Hà Nội phấn đấu xây dựng mới 135 trường học với kinh phí khoảng 10.800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học.
Cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương đang phải “đau đầu” để giải quyết bài toán quá tải trường công lập.
Trong năm học 2024 – 2025, dự kiến số học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng 24.097 học sinh, bao gồm 17.288 học sinh hệ công lập và 6.809 học sinh hệ ngoài công lập. Quy mô học sinh toàn thành phố dự kiến khoảng hơn 1,7 triệu học sinh.
Được biết, hồi tháng 3/2024, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thành phố sẽ bố trí vốn, kêu gọi đầu tư để xây dựng thêm 4.500 phòng học mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, hướng đến mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
Cùng với đầu tư công, Thành phố dự kiến có 110 dự án trường học với quy mô 2.638 phòng học thực hiện xã hội hóa thông qua hình thức đối tác công-tư (PPP), vay kích cầu, kêu gọi đầu tư xã hội hóa.
Bên cạnh giải pháp về vốn đầu tư, Thành phố cũng đẩy mạnh nhóm giải pháp về quỹ đất để xây dựng trường, lớp từ ưu tiên quỹ đất công hiện có đến tăng thêm quỹ đất cho giáo dục bằng nhiều biện pháp. [2]
Để giải quyết tình trạng “quá tải” trường, lớp như hiện nay, hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học. Trong đó Bộ đề xuất cho phép tăng số lớp học tối đa ở mỗi trường.
Chẳng hạn, với các trường mầm non, dự thảo quy định các trường được tổ chức tối đa 30 nhóm, lớp, tăng 10 nhóm, lớp so với quy định hiện hành. Ở cấp tiểu học, mỗi trường có thể tổ chức tối đa 40 lớp, thay vì 30 lớp như hiện nay. Đối với bậc trung học phổ thông, số lớp tối đa là 50, tăng 5 lớp so với quy định hiện hành. Với các trường phổ thông có nhiều cấp học, dự thảo đề xuất cho phép các trường có 2 cấp học được tổ chức tối đa 50 lớp, trường có 3 cấp học được tổ chức tối đa 75 lớp, trong khi quy định hiện hành chỉ cho phép các trường phổ thông có nhiều cấp học tổ chức tối đa 45 lớp.
Trong Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định: “Việc huy động các nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc quy hoạch quỹ đất cho giáo dục chưa được quan tâm đúng mức; các cơ sở giáo dục ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất để phát triển trường học; các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chính sách thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giáo dục, chính sách miễn, giảm thuế, ưu đãi về tín dụng, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Còn thiếu các quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa và trách nhiệm triển khai chính sách xã hội hóa giáo dục chưa thực sự thống nhất, đồng thuận”.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://vtv.vn/giao-duc/ha-noi-tang-khoang-70000-hoc-sinh-dau-cap-nam-hoc-2024-2025-20240104065705482.htm
[2]: https://www.vietnamplus.vn/tp-ho-chi-minh-dua-vao-su-dung-gan-500-phong-hoc-moi-trong-nam-hoc-2024-2025-post965222.vnp
Doãn Nhàn
https://giaoduc.net.vn/uu-tien-dat-cho-gd-thu-hut-xa-hoi-hoa-mo-truong-tu-san-se-si-so-voi-truong-cong-post244827.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục