Theo Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”, một trong những điểm cần lưu ý là: Nội dung thi bám sát nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018.
- Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM: Thi học sinh giói lớp 9, 12 sẽ có thay đổi
- Thủ tướng có công điện về đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn, điện toán đám mây
- Thấy gì từ mạng lưới hợp tác NCKH của Trưởng khoa Kế toán, ĐH Tôn Đức Thắng?
- Học sinh lớp 12 đã có đề tham khảo bài thi đánh giá năng lực năm 2025
- Thông tin về đề xuất cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho con của người hoạt động cách mạng
Với môn Ngữ văn, việc đổi mới dạy học, kiểm tra và đánh giá đang được học sinh, giáo viên quan tâm, đặc biệt khi thi theo chương trình mới, ngữ liệu đề thi có thể sử dụng ngoài sách giáo khoa.
Bạn đang xem: Thi tốt nghiệp từ 2025, sẽ không còn “lạm phát” điểm giỏi môn Văn?
Với đối tượng là học sinh trường trung phổ thông chuyên theo học chuyên Văn, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá là có tác động tích cực đến việc học của các em. Dự đoán, đối tượng này sẽ thể hiện được nhiều hơn năng lực của mình.
Học sinh chuyên Văn được dạy như thế nào?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên cho biết: “Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH đến các Sở Giáo dục và Đào tạo để hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.
Nội dung công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH mang đến những điểm mới có tính đột phá cho việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn trên phạm vi toàn quốc.
Ở trường trung học phổ thông chuyên, tinh thần của công văn cũng được triển khai nghiêm túc, đầy đủ và có phần sâu hơn những trường trung học phổ thông khác.
Việc dạy học chuyển biến mạnh mẽ từ chỗ chủ yếu là thầy cô giáo giảng giải, học sinh hiểu, nhớ, thuộc sang chỗ trao quyền chủ động chiếm lĩnh tri thức cho học sinh.
Thầy cô chỉ đóng vai trò khơi gợi, hướng dẫn; còn bản thân mỗi học sinh phải chủ động, tích cực tìm cho mình phương cách để tiếp cận tri thức, vận dụng được tri thức để hình thành năng lực”.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên (ảnh: NVCC)
Cũng đề cập đến vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Hà Thu, Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Quảng Trị cho hay: “Cũng như các trường trung học phổ thông trên toàn quốc, việc đổi mới dạy học môn Ngữ văn tại trường chuyên cũng bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai dạy học theo đúng tinh thần của chương trình mới.
Nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học được thực hiện với mục đích tìm ra hướng triển khai bài học có thể phát huy hiệu quả nhất phẩm chất, năng lực của người học.
Riêng với đặc thù trường chuyên, giáo viên sẽ chú trọng nhiều hơn vào việc nghiên cứu, tìm cách áp dụng phương pháp dạy học mới cũng như cách thức kiểm tra đánh giá phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt là làm sao để phát triển tốt nhất tư chất, năng khiếu của học sinh chuyên Văn”.
Học sinh chuyên Văn có nhiều lợi thế
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa không còn là “pháp lệnh”, việc sử dụng ngữ liệu đối với môn Ngữ văn gần như được mở ra đến “vô tận”. Theo đánh giá của các thầy cô, điều này có tác động tích cực đến học sinh chuyên Văn.
Cô Đỗ Thị Thúy Dương, Tổ phó Tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa – Vũng Tàu nêu quan điểm: “Đối với học sinh chuyên Văn, do đặc thù lâu nay học rộng và sâu, thời gian học nhiều hơn so với mặt bằng chung nên về cơ bản việc dạy và học theo chương trình mới rất thuận lợi, không có nhiều thay đổi.
Khác biệt nho nhỏ nằm ở định hướng thể loại phải rõ nét hơn bên cạnh các cách tiếp cận quen thuộc như kí hiệu học (khai thác biểu tượng), tự sự học (phân tích ngôi kể…), chủ nghĩa cấu trúc (quy chiếu giữa nội dung và hình thức trong nội tại văn bản)….
Bên cạnh đó, phương pháp dạy học theo dự án cũng được áp dụng triệt để nhằm tạo điều kiện phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của học sinh”.
Cô Đỗ Thị Thúy Dương, Tổ phó Tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa – Vũng Tàu (ảnh: NVCC)
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nói: “Với chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là học liệu, thầy cô giáo và học sinh không phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa, không xem sách giáo khoa là “pháp lệnh” mà hoàn toàn có quyền mở rộng học liệu, tìm đến những cái hay, cái hấp dẫn khác.
Điều này rất có ý nghĩa trong việc phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc tự đọc, tự học, tự trải nghiệm của học sinh chuyên Văn”.
Đồng quan điểm với hai thầy, cô trên, cô Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ: “Chương trình mới khơi gợi được nhiều hơn hứng thú cho học sinh. Ngữ liệu trong sách giáo khoa có những văn bản mới, mang tính cập nhật, đa dạng về kiểu văn bản.
Chương trình chú trọng hình thành cho học sinh phương pháp để tiếp cận văn bản, phát triển toàn diện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Xem thêm : Hơn 23 triệu học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới 2024-2025
Với học sinh chuyên Văn, đây là cơ hội để các bạn rèn luyện khả năng tự học, tự cảm thụ, qua đó đi sâu hơn vào thế giới văn chương và phát huy năng lực ngôn ngữ của bản thân.
Việc ra đề kiểm tra sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa giúp nâng cao được ý thức cũng như khả năng tiếp cận văn bản thông qua việc nắm vững đặc trưng thể loại, kết hợp trải nghiệm của bản thân và sự sáng tạo hơn là việc phụ thuộc những ý tưởng đã có từ trước về văn bản ấy.
Đó cũng là những kĩ năng vô cùng cần thiết cho các bạn học sinh chuyên Văn”.
Nói thêm về cách học với các bạn học sinh chuyên Văn, cô Nguyễn Thị Thu Hà nêu: “Học sinh cần chú trọng rèn luyện kĩ năng, học “cách” hơn là học “cái gì”, nắm rõ cách thức làm bài, cách để tiếp cận từng kiểu văn bản.
Quan trọng là tự học, đọc mở rộng theo thể loại, theo chủ đề, theo tác giả, theo từng giai đoạn văn học… để tích lũy kiến thức đồng thời nâng cao năng lực ngôn ngữ.
Tích cực tự luyện viết, chữa bài thường xuyên dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, việc trao đổi thảo luận với bạn bè về vấn đề trong một văn bản bất kì cũng là cách rất hay để cảm nhận nó từ nhiều góc nhìn khác nhau.
Đồng thời, học sinh nên thường xuyên xem và cập nhật tin tức xã hội để áp dụng vào việc viết bài, điều đó sẽ đảm bảo bài làm văn không khô cứng, nhàm chán”.
Có không ít thách thức cho giáo viên
Tất nhiên, mọi sự đổi mới luôn đi cùng cơ hội và thách thức. Ở phía người dạy, các thầy cô cũng phải học cách thay đổi phương pháp. Với đặc thù trường chuyên điều này lại càng có nhiều khó khăn hơn.
Cô Nguyễn Thị Hà Thu chia sẻ, có thể nói, thay đổi hoàn toàn để dạy và học theo chương trình mới cần một lộ trình nhất định. Trước mắt, thầy cô cần dành thời gian nghiên cứu kĩ chương trình giáo dục phổ thông 2018, tìm hiểu hướng tiếp cận nội dung chương trình của các bộ sách giáo khoa để có hình dung bao quát nhất về tinh thần đổi mới.
Cùng với đó, tăng cường trao đổi chuyên môn, tập trung xây dựng các giờ dạy minh họa… trên cơ sở phát huy sức mạnh tập thể để từ đó tháo gỡ những điểm còn vướng mắc và rút kinh nghiệm.
Đặc biệt, giáo viên cần chú ý làm sao để việc dạy học Ngữ văn không biến văn bản thành công cụ minh họa đơn giản, thuần túy cho đặc trưng các thể loại mà mất đi “chất văn” của giờ học; làm sao để việc vận dụng các phương pháp dạy học mới thực sự hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng học sinh chứ không mang tính hình thức; …
Cô Hà nói thêm: “Trường trung học phổ thông chuyên thực hiện nhiệm vụ đặc thù là đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Học sinh trường chuyên có khả năng tiếp thu nhanh, chủ động, sáng tạo trong học tập.
Đó là thuận lợi nhưng cũng đặt ra đòi hỏi cao cho giáo viên khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 để làm sao phát huy hơn nữa khả năng của học sinh, khơi gợi năng lực cá nhân của các em, đặc biệt giúp các em hứng thú hơn với môn Ngữ văn.
Bên cạnh đó, đối với học sinh chuyên Văn và việc giảng dạy môn chuyên, giáo viên gặp phải vấn đề là chưa có là bộ tài liệu mang tính chính thống cho việc bồi dưỡng chuyên sâu.
Hiện tại, giáo viên chỉ mới dựa trên các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi được Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng để tự tìm tòi, xây dựng nội dung cụ thể cho mỗi chuyên đề. Điều này gây một số khó khăn trong quá trình bồi dưỡng, ôn luyện cho học sinh.”
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nêu quan điểm: “Dĩ nhiên trước bất cứ một sự thay đổi nào, thời gian đầu chắc chắn phải có những bỡ ngỡ nhất định nhưng chỉ cần nhẫn nại, chịu khó đầu tư thì có lẽ sẽ không đến nỗi quá khó khăn.
Tôi cho rằng để có thể đáp ứng được cách dạy học mới thì bản thân giáo viên phải nghiên cứu kỹ càng chương trình, hiểu rõ mục tiêu của chương trình, bám sát vào các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; tìm tòi, mở rộng học liệu từ đó thiết kế bài học một cách hợp lí theo yêu cầu cần đạt của từng bài.
Bên cạnh đó, thầy cô giáo cũng cần tích cực sáng tạo, linh hoạt vận dụng những phương pháp dạy học mới, đặc biệt là tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin để đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy học mới”.
“Với học sinh trường trung học phổ thông chuyên, đặc biệt là chuyên Văn, chúng tôi linh hoạt vận dụng phối hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau sao cho phù hợp với đặc trưng và yêu cầu cần đạt của từng bài học.
Chúng tôi vẫn kế thừa, sử dụng tinh hoa của những phương pháp truyền thống như: giảng bình, phát vấn – gợi mở…. đồng thời không ngừng nghiên cứu, vận dụng thêm nhiều phương pháp giảng dạy mới như: Làm việc nhóm, tranh biện – đối thoại…
Xem thêm : Khó tìm thấy báo cáo công khai, THCS-THPT Nguyễn Siêu nói do website còn hạn chế
Đặc biệt, với học sinh chuyên Văn, chúng tôi tích cực hướng dẫn phương pháp tự học, tự đọc, tự nghiên cứu để mỗi học sinh phải nỗ lực tự mình làm việc từ đó tự thu nhận kiến thức và tự hình thành năng lực” – thầy Minh nhấn mạnh.
Nói về một số lưu ý khi áp dụng chương trình giáo dục 2018 cho việc dạy học môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông chuyên, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh bày tỏ: “Tôi cho rằng cần phải lưu ý hai điều. Thứ nhất phải đảm đáp ứng được những yêu cầu chung của chương trình như tất cả các trường trung học phổ thông khác.
Thứ hai là trên cơ sở những yêu cầu chung ấy, phải nghiên cứu mở rộng, nâng cao tri thức và kĩ năng theo hướng chuyên sâu để phát huy năng khiếu, kích thích niềm đam mê, phát triển năng lực cho học sinh chuyên Văn.
Khi triển khai chương trình mới, thuận lợi lớn nhất dành cho giáo viên là một cơ chế khá thông thoáng để giáo viên tự do thể hiện ý tưởng, linh hoạt vận dụng phương pháp dạy và hình thức kiểm tra mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào những “rào cản quy định”.
Còn khó khăn lớn nhất có lẽ là nó đòi hỏi thầy cô giáo không được phép thụ động, cầu an mà phải vận động không ngừng, liên tục tìm tòi, sáng tạo nếu không muốn tụt hậu”.
Sẽ không còn tình trạng “lạm phát” điểm cao
Theo thống kê, điểm trung bình môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 là 7,23. Có 2 thí sinh đạt điểm 10 và phần lớn thí sinh đạt điểm 8,0.
Những con số này đều tăng so với kết quả của năm 2023 khiến một số người lo lắng về vấn đề “lạm phát” điểm cao với môn Ngữ Văn. Tuy nhiên, từ năm 2025, đề thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 tính phân hóa học sinh sẽ rõ ràng hơn.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh chia sẻ: “Điểm thi tốt nghiệp năm nay cao hơn các năm trước theo tôi cũng dễ hiểu. Vì đề thi được ra theo cấu trúc cũ, dạng câu hỏi quen thuộc, mức độ tương đối dễ; đáp án thoáng; tâm lý người chấm dường như cũng thoải mái hơn cho năm cuối cùng thi theo cách cũ… Tất nhiên, cũng có cả những cố gắng dạy, học của thầy và trò.
Còn với cách ra đề mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh, văn bản trong đề thi không dùng lại văn bản trong sách giáo khoa sẽ tránh được tình trạng học tủ, học vẹt, học thuộc lòng; chỉ những học sinh thực sự có năng lực mới làm bài được.
Điều này sẽ phân định được rõ ràng, học sinh có năng lực điểm cao, học sinh không có năng lực điểm thấp, giảm thiểu những trường hợp “ăn may”, “trúng tủ”.
Cô Đỗ Thị Thúy Dương nói: “Điểm cao là do nỗ lực thực sự từ cả phía trò và thầy, cũng như các biện pháp nâng cao chất lượng điểm thi tốt nghiệp của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông. Mặt khác, tâm lý năm cuối cùng thi chương trình cũ có lẽ cũng khiến giáo viên rộng lượng hơn trong cách cho điểm.
Tuy nhiên việc gì cũng có hai mặt. Tôi băn khoăn, khi điểm cao vượt bậc sẽ khó phân loại được học sinh, phần nào lợi cho các em trung bình, khá nhưng sẽ thiệt cho các em giỏi và xuất sắc”.
Cô Đỗ Thị Thúy Dương cùng các bạn học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa – Vũng Tàu (ảnh: NVCC)
“Với đề thi tốt nghiệp kiểu cũ chỉ khác đề thi minh họa tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 ở câu nghị luận văn học.
Trước đây Nghị luận văn học tập trung một số văn bản cố định, việc “học tủ”, đoán đề là tất yếu, còn kiểm tra đánh giá theo hướng mới sẽ triệt bỏ lối tư duy “ăn sẵn”, thuộc lòng văn mẫu; đồng thời bộc lộ năng lực thí sinh.
Như vậy, về mặt lí thuyết, phân hóa tất yếu sẽ rõ ràng; rất khó “lạm phát” điểm cao; học sinh chuyên Văn – vốn được học nhiều hơn về lượng (thời gian) và về chất (đào tạo chuyên sâu) thường sẽ có lợi thế.
Nhưng có lẽ, ba điều này còn phụ thuộc vào một yếu tố quan trọng nữa là khả năng, kinh nghiệm của người chấm – thầy, cô cũng cần có trình độ phân loại bài làm của học sinh.
Muốn vậy nhất thiết phải tập huấn sâu sát, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ giáo viên Ngữ văn” – cô Dương nói tiếp.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ ý kiến: “Theo tôi, ưu điểm lớn nhất trong việc kiểm tra, đánh giá Ngữ văn ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tính phân hoá cao.
Vì toàn bộ ngữ liệu lấy ngoài sách giáo khoa nên chắc chắn không thể xuất hiện hiện tượng “học tủ”, buộc học sinh phải rèn được kĩ năng nhiều hơn là ghi nhớ kiến thức, từ đó tránh được việc “lạm phát” điểm cao.
Muốn đạt điểm cao, ngoài việc nắm chắc mã thể loại, cách phân tích văn bản theo đặc trưng thể loại còn phụ thuộc vào năng lực cảm thụ, kĩ năng phân tích, tổng hợp, so sánh, kết nối của người học…”.
Hồng Linh
https://giaoduc.net.vn/thi-tot-nghiep-tu-2025-se-khong-con-lam-phat-diem-gioi-mon-van-post244297.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục