Theo lãnh đạo ngành giáo dục một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc tuyển dụng giáo viên đầu năm tương đối khó; quy mô trường lớp ngày càng tăng lên; giáo viên bỏ nghề, chuyển công tác hoặc đến tuổi nghỉ hưu là những nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên tiếp diễn.
- Hà Nội vinh danh 196 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2024
- VNEI và Hiệp hội các trường CĐ và ĐH Canada ký hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo
- Huawei Việt Nam khởi động cuộc thi công nghệ thông tin dành cho sinh viên
- Vinh danh 99 nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Trung ương
- Dạy môn tích hợp, trường vùng cao thiếu cơ sở vật chất và giáo viên
Địa phương thiếu giáo viên ở mọi cấp học
Bạn đang xem: Nhiều địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thiếu giáo viên ở mọi cấp học
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Năm học 2024-2025, Bạc Liêu được bổ sung 144 chỉ tiêu biên chế giáo viên. Trong đó, các đơn vị trực thuộc Sở được giao 16 chỉ tiêu.
Sau khi được bổ sung, ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu có 8.321 biên chế, nhưng mới sử dụng 7.077 biên chế. Số giáo viên hiện có còn thiếu so với biên chế được giao là 1.244 thầy, cô. Đây chính là số lượng giáo viên cần tuyển ở năm học 2024-2025. Trong đó, cấp tiểu học thiếu giáo viên nhất”.
Cụ thể, số lượng chỉ tiêu cần ở từng cấp học tại tỉnh Bạc Liêu là: mầm non 308 giáo viên; tiểu học 516 giáo viên; trung học cơ sở 286 giáo viên; trung học phổ thông 134 giáo viên. Các môn học cần tuyển nhiều giáo viên nhất là Ngoại ngữ và Tin học.
Tại tỉnh Cà Mau, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hoàng Dự, số biên chế chưa tuyển dụng của toàn ngành giáo dục là 777 biên chế. Cụ thể, cấp mầm non còn thiếu 187 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 295 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu 178 giáo viên, cấp trung học phổ thông thiếu 117 giáo viên.
“Các vị trí cần tuyển dụng chủ yếu là giáo viên mầm non, giáo viên các môn: Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục quốc phòng – An ninh và Giáo dục thể chất.
Năm học 2024-2025, các đơn vị, trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tuyển mới 76 giáo viên và 11 nhân viên. Số lượng tuyển này tập trung chủ yếu ở cấp trung học phổ thông. Các môn học được tuyển nhiều nhất là Giáo dục Quốc phòng – An ninh với 13 chỉ tiêu; Giáo dục thể chất 11 chỉ tiêu; Lịch sử 11 chỉ tiêu”, ông Dự chia sẻ.
Hiện nay, phòng giáo dục và đào tạo các huyện và thành phố Cà Mau chưa xây dựng kế hoạch tuyển dụng do đang thực hiện rà soát, sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên. Việc này nhằm đảm bảo hoạt động tuyển dụng sắp tới đáp ứng được số lượng và chất lượng, đúng theo đề án vị trí việc làm đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Bảo thông tin: “Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ trực tiếp quản lý các trường phổ thông có cấp trung học phổ thông, các trường phổ thông dân tộc nội trú và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Các đơn vị sự nghiệp còn lại do ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
Theo Kế hoạch số 2137/KH-SGDĐT ngày 04/07/2024 về việc tuyển dụng viên chức năm 2024 cho các đơn vị trực thuộc Sở, năm học 2024-2025 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang tuyển 167 chỉ tiêu ở 07 vị trí việc làm.
Cụ thể: 103 giáo viên trung học phổ thông hạng III của các môn học; 04 giáo viên trung học cơ sở hạng III; 11 kế toán viên trung cấp; 12 nhân viên thư viện viên hạng IV; 17 nhân viên thiết bị, thí nghiệm; 10 văn thư viên trung cấp và 10 nhân viên giáo vụ”.
Tuyển dụng và giữ chân giáo viên vẫn khó trăm bề
Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/07/2022 đồng ý bổ sung 65.980 chỉ tiêu biên chế tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục cả nước giai đoạn 2022-2026. Từ đó đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế được giao.
Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc ở các cấp học tại nhiều địa phương vẫn tiếp diễn.
Với tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Hồng Tân cho biết, thị xã Giá Rai là nơi thiếu nhiều giáo viên nhất. Trong 290 chỉ tiêu địa bàn này còn thiếu, cấp mầm non cần bổ sung 125 giáo viên, cấp trung học cơ sở cần 89 giáo viên, cấp tiểu học cần 76 giáo viên.
Trong các trường trực thuộc Sở, nơi thiếu giáo viên nhiều nhất là Trường Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Trần Văn Lắm (huyện Hòa Bình) với 21 giáo viên và trường Trung học phổ thông Tân Phong (thị xã Giá Rai) với 18 giáo viên.
Lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu nhận định, nguyên nhân thiếu giáo viên ở các địa bàn là do quy mô học sinh tại tất cả các bậc học ngày càng mở rộng, kéo theo nhu cầu giáo viên cũng tăng lên.
Trong thời gian qua ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao; thỉnh giảng giáo viên ở các trường khác hoặc phân công tăng số tiết dạy cho giáo viên trong định mức cho phép để khắc phục tình trạng này.
Còn tại tỉnh Cà Mau, khó tuyển dụng, nhà giáo xin chuyển công tác khỏi địa bàn, bỏ việc hoặc đến tuổi nghỉ hưu là những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Xem thêm : Trưởng khoa Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là ứng viên PGS trẻ nhất ngành Y năm 2024
Theo ông Lê Hoàng Dự: “Năm 2022, ngành giáo dục tỉnh có nhu cầu tuyển 772 chỉ tiêu nhưng chỉ có 214 giáo viên trúng tuyển, đạt 28% chỉ tiêu. Đến năm 2023, chỉ tính riêng 4 huyện Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân và Trần Văn Thời đã cần phải tuyển 460 chỉ tiêu. Nhưng các địa bàn này chỉ tuyển được tổng cộng 142 người, tương đương 31% chỉ tiêu”.
Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau. (Ảnh: NVCC)
Bên cạnh đó, tại một số huyện có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn như Ngọc Hiển và Năm Căn, số lượng giáo viên xin chuyển công tác khỏi địa bàn hoặc bỏ việc khá cao.
Trong hai năm học gần nhất, Cà Mau có 253 giáo viên xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Dự kiến trong năm học 2024-2025, tỉnh sẽ tiếp tục có hơn 67 giáo viên xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Ngoài ra, giáo viên đến tuổi nghỉ hưu cũng đang tăng nhanh, bình quân khoảng 140 giáo viên/năm từ năm học 2022-2023 đến nay.
Để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau vẫn đang thực hiện các giải pháp như tổ chức tuyển dụng giáo viên mới hàng năm; bố trí, sắp xếp, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Ngoài ra, tỉnh cũng phối hợp với một số trường đại học trong khu vực rà soát, tổng hợp số sinh viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau học sư phạm hoặc các chuyên ngành khác nhưng có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để động viên, khuyến khích các em về quê hương công tác.
“Tuy nhiên, những khó khăn trên rất khó để khắc phục triệt để. Trước hết là do số người đăng ký tuyển dụng quá ít so với nhu cầu ngành cần tuyển.
Ngoài ra, một số giáo viên là người ngoài tỉnh công tác lâu năm tại địa phương nay có nguyện vọng về quê vì lý do đoàn tụ gia đình hoặc để có điều kiện chăm sóc người thân. Điều này dẫn đến thực tế số giáo viên chuyển công tác ra khỏi tỉnh còn nhiều mà ít có trường hợp chuyển theo chiều ngược lại”, ông Dự lý giải.
Với Kiên Giang, đến hết tháng 05/2024, toàn tỉnh còn thừa cục bộ 131 giáo viên tại các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao và An Biên. So với nhu cầu nhân lực của năm học 2023-2024, hiện nay ngành giáo dục tỉnh thiếu 1.221 biên chế. Trong đó thiếu 1.099 biên chế cho giáo viên, còn lại là nhân viên và cán bộ quản lý.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo. (Ảnh: NVCC)
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo, Sở đã phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan, làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện đang thừa giáo viên cục bộ.
Các địa bàn cam kết sẽ khắc phục tình trạng thừa giáo viên cục bộ, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Ngoài ra, Sở cũng đã tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo 11 huyện, thành phố còn lại không để thừa cục bộ giáo viên, thực hiện nghiêm cam kết đến năm 2025 không để phát sinh tình trạng thừa cục bộ giáo viên.
Với tình trạng thiếu biên chế, thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản đề xuất, kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, bổ sung biên chế cho Kiên Giang theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị.
Số biên chế tăng thêm sẽ giúp ngành giáo dục tỉnh đảm bảo bố trí đủ vị trí việc làm cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông để nâng tỷ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp; đảm bảo tỷ lệ các lớp học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng số biên chế được Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ hàng năm theo nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.
Kỳ vọng sớm thông qua Luật Nhà giáo để nâng cao vị thế nhà giáo
Liên quan đến công tác tuyển dụng giáo viên, dự thảo Luật Nhà giáo hiện đang đề xuất một số nội dung đáng chú ý như giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục, hay đề xuất lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tính đến nay, ngành giáo dục tỉnh Cà Mau còn 777 biên chế giáo viên chưa tuyển dụng được. (Ảnh minh họa: Website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau)
Xem thêm : 150 học sinh trường chuyên biệt được nhận quà Trung thu
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Bảo cho rằng, quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo sẽ giúp các cơ sở giáo dục hoặc cơ quan quản lý giáo dục chủ động hơn trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế được giao.
Việc này khắc phục được bất cập của việc tuyển dụng hiện nay là ngành giáo dục chỉ có chức năng tham mưu, còn thẩm định, quyết định việc tuyển dụng thuộc về ngành nội vụ.
Việc xếp bậc lương của giáo viên cao nhất sẽ giúp thu hút được nguồn lực cho ngành giáo dục; giáo viên sẽ an tâm công tác, tận tâm với nghề mà không phải làm thêm hoặc làm trái ngành để mưu sinh.
Ngoài những chính sách trên, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét chế độ chính sách phụ cấp theo lương cho đội ngũ nhân viên hành chính các đơn vị sự nghiệp như thư viện; thiết bị – thí nghiệm; giáo vụ; kế toán; thủ quỹ; văn thư; y tế học đường;… Vì hiện nay chính sách tiền lương cho các đối tượng này chưa có phụ cấp như giáo viên nên mức thu nhập chưa đủ đảm bảo để nuôi sống chính mình và những người phụ thuộc.
Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu đánh giá: “Việc được phân cấp tuyển dụng giáo viên giúp các cơ sở giáo dục chủ động tuyển chọn được ứng viên phù hợp với văn hóa và mục tiêu phát triển của nhà trường; chủ động giải quyết kịp thời tình trạng thừa – thiếu nhân sự và cân đối ngân sách.
Hơn hết, các ứng viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn khi họ có thể đăng ký tuyển dụng ở nhiều đơn vị. Công tác tuyển dụng được công khai, minh bạch, có sự tham gia, giám sát chặt chẽ của tổ chức chính trị – xã hội trong nhà trường.
Về việc ưu tiên xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, tôi cho rằng đây là chính sách rất phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi muốn thu hút người giỏi vào làm nghề giáo thì phải có những chính sách đãi ngộ về vật chất, rõ nhất là bậc lương, để thể hiện sự tôn trọng với phẩm chất, tinh thần của các nhà giáo.
Nếu các quy định này được thông qua, nhà giáo sẽ được cả xã hội tôn vinh, những người tài năng có thêm động lực để trở thành nhà giáo. Từ đó, việc tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới sẽ thuận lợi hơn”.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2021 đến nay, căn cứ Điều 7 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao quyền tuyển dụng giáo viên trực tiếp cho Sở Giáo dục và Đào tạo, ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện.
Điều này không chỉ giúp các nhà trường chủ động tuyển chọn ứng viên phù hợp mà còn nâng cao vị thế của ngành giáo dục và nhà giáo. Hiện, tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/2024/QĐ-UBND quy định về vấn đề này.
Điều 7, Nghị định số 115/NĐ-CP ngày 25/09/2022 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức nêu:
1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm chi thường xuyên thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc tuyển dụng viên chức hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện.
Bên cạnh những nội dung đã nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo, để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với ngành giáo dục, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm, nghiên cứu ban hành một số chính sách như:
Thứ nhất, quan tâm đến nhà ở công vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là tại các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Thứ hai, có chính sách thu hút giáo viên, nhân viên về công tác tại các điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn để ngành giáo dục có cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết triển khai thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Thứ ba, giảm giờ làm cho giáo viên mầm non.
Thứ tư, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ như tuyển dụng sinh viên sư phạm được đặt hàng, bồi hoàn kinh phí để địa phương triển khai đặt hàng, đấu thầu hoặc giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên.
Minh Quân
https://giaoduc.net.vn/nhieu-dia-phuong-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-thieu-giao-vien-o-moi-cap-hoc-post244525.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục