Trong bối cảnh ngành giáo dục đang đối mặt với nhiều thách thức về phân bổ giáo viên, đặc biệt là tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ, biệt phái giáo viên đã trở thành một trong những giải pháp được nhiều địa phương triển khai.
- Ocean Edu tổ chức chuỗi hội thảo “Cùng con hạnh phúc – Thấu hiểu và đồng hành”
- Trường Đại học Thủ Dầu Một tuyển sinh đào tạo 8 ngành thạc sĩ
- Mở rộng hợp tác khoa học giữa các cơ sở đào tạo đại học của châu Âu và Việt Nam
- Ứng viên GS duy nhất ngành Thủy lợi: Đã công bố 133 bài báo khoa học
- BKACAD kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và đi tìm quán quân tài năng SV năm 2024
Đồng thời, đối với vùng sâu, vùng xa, biệt phái giáo viên được xem cách giúp cân bằng nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai đã bộc lộ nhiều khó khăn trong việc đảm bảo điều kiện sinh hoạt và làm việc cho thầy cô.
Bạn đang xem: Ngổn ngang khó khăn khi giáo viên đi biệt phái
Giáo viên biệt phái mong có thêm chính sách đảm bảo đời sống sinh hoạt và điều kiện làm việc
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Thanh Huyền, giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Ninh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cho biết bản thân đã xung phong thực hiện nhiệm vụ biệt phái trong 3 năm học tại 2 ngôi trường vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Trong đó, năm học 2022-2023 và 2023-2024, cô Huyền xung phong biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Đến năm học 2024-2025, cô Huyền tiếp tục tình nguyện biệt phái tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái).
Cô Lê Thị Thanh Huyền đang dạy Tiếng Anh cho học sinh tại trường biệt phái. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ về lý do xung phong đi biệt phái, cô Huyền bày tỏ mong muốn đóng góp cho giáo dục vùng cao, giúp học trò không chỉ được tiếp nhận kiến thức mà còn phần nào thay đổi được nhận thức về việc học.
“Chúng ta đều biết, tỷ lệ học sinh vùng sâu, vùng xa kết hôn ở độ tuổi rất sớm, thậm chí 15, 16 tuổi đã lập gia đình và vẫn còn tình trạng tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống. Do đó, những đứa trẻ được sinh ra từ hệ luỵ này thường khá chậm, thậm chí, nếu không được giáo dục đúng cách, các em sẽ không thoát khỏi vòng lặp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Với vai trò là giáo viên, tôi mong muốn truyền tải thông tin giúp các em thay đổi phần nào tư duy để có cơ hội tiếp tục học tập”, cô Huyền tâm sự.
Về mức thu nhập khi đi biệt phái, cô Huyền cho hay: “Ngoài khoản lương được giữ nguyên tại đơn vị cũ, tôi được nhận thêm phụ cấp đối với giáo viên dạy ở vùng 3. Tuy nhiên, thu nhập không phải là yếu tố kiên quyết thôi thúc tôi xung phong đi biệt phái 3 đợt liên tiếp. Bởi nếu như không thực sự yêu nghề, khát khao tận tuỵ với học sinh, mức thu nhập ấy không thể bù đắp những khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà các thầy cô phải trải qua khi đi biệt phái”.
Cô Huyền cho biết thêm, cơ chế chính sách hiện nay về cơ bản đã tạo điều kiện cho giáo viên biệt phái vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có thể dễ dàng thích nghi với cuộc sống tại vùng khó khăn, đặc biệt là những thầy cô đã quen với cuộc sống ở thành phố hay những khu vực có điều kiện tốt hơn.
“Do vậy, tôi mong muốn Nhà nước xem xét, bổ sung một số chính sách khuyến khích, tạo động lực để thu hút giáo viên dạy giỏi, đảm bảo đời sống sinh hoạt và điều kiện làm việc an toàn giúp các thầy cô hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, chất lượng giáo dục cho học sinh vùng sâu, vùng xa dần được cải thiện”, nữ giáo viên bày tỏ.
Giáo viên biệt phái gặp muôn vàn khó khăn
Cô Phan Thị Lệ Hường, giáo viên Tiếng Anh Trường Tiểu học Yên Thịnh (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) được biệt phái đến công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).
Vào năm học 2022-2023, cô Hường được sự phân công thực hiện nhiệm vụ biệt phái theo chủ trương của tỉnh Yên Bái để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh tại vùng sâu, vùng xa.
Xem thêm : Trường THPT Kim Liên đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Cô Hường chia sẻ, một trong những khó khăn ban đầu khiến cô trăn trở là việc con trai đang học lớp 12, chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Do đó, cô muốn dành nhiều thời gian để tập trung, sát sao vào việc học của con cái. Tuy nhiên, cô Hường sẵn sàng biệt phái với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công.
Tại thời điểm cô Hường lên tiếp nhận ở đơn vị mới, cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn. Đây cũng là vấn đề khiến cô gặp khó khăn trong công tác giảng dạy và sinh hoạt hằng ngày.
“Ở thành phố, đối với bộ môn Tiếng Anh, tôi dạy học sinh đủ 4 kỹ năng để bảo đảm yêu cầu của chương trình, do đó, phương pháp trình chiếu bài giảng trên màn hình lớn là cách truyền tải hữu ích mà tôi thường xuyên áp dụng. Tuy nhiên, khi biệt phái lên vùng sâu, vùng xa, nhà trường có đường mạng yếu, chập chờn và chỉ có 2 chiếc máy chiếu cũ chủ yếu dùng cho hội giảng. Vì vậy, tôi phải chuyển hướng sang xây dựng tranh ảnh, in vẽ các nhân vật, hình ảnh phục vụ cho tiết dạy.
Hơn nữa, đa số học sinh ở đây đều là người dân tộc Mông, có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Bởi vậy, khi nhận nhiệm vụ tại nhà trường, tôi luôn ấp ủ mong muốn làm điều gì đó để giúp đỡ học trò. May mắn thay, khi chia sẻ với gia đình, người thân của tôi đã hỗ trợ 150 chăn ấm, trị giá 40 triệu đồng.
Trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy nhiều em học sinh không có sách giáo khoa gây ảnh hưởng tới hiệu quả học tập. Tôi có chia sẻ khó khăn này với các bạn bè ở Hà Nội và được mọi người ủng hộ 100 bộ sách cho học sinh lớp 3 và còn hứa sẽ ủng hộ thêm những thiếu bị thiết yếu khi lên thăm trường”, cô Hường cho hay.
Cô giáo Phan Thị Lệ Hường (đứng bên trái) kêu gọi bạn bè, người quen giúp học sinh có thêm những bộ sách mới. (Ảnh: NVCC)
Về sinh hoạt, cô Hường thường xuyên gặp tình trạng thiếu nước sạch. Thậm chí, những ngày mưa, nguồn nước dẫn về nhà trường bị ô nhiễm nghiêm trọng và dễ mắc các bệnh lý ngoài da. Trong khi đó, một tuần cô Hường mới về thăm nhà một lần do khoảng cách địa lý xa xôi nên cô phải tự cân đối, sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm nhất có thể.
Cũng theo cô Hường, thời gian đầu, cô khá chật vật với việc thích nghi và làm quen cuộc sống ở vùng cao. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của ban giám hiệu và đồng nghiệp, cô dần cảm nhận phần nào nỗi vất vả của những thầy cô cống hiến thầm lặng cho nghề giáo. Bởi không chỉ thực hiện tốt vai trò dạy học, nhiều người còn không ngại tự tay sửa đường ống nước, sửa đèn điện… để tiết kiệm chi phí ngân sách chung cho nhà trường.
Về chế độ đãi ngộ, cô Hường cho biết thêm, bản thân vẫn được hưởng mức lương giữ nguyên từ trường cũ, cùng với phụ cấp khu vực 70% lương cơ bản đối với nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Cô Hường cũng dùng tiền phụ cấp hàng tháng để mua sắm đồ dùng còn thiếu cho các em học sinh.
“Trong điều kiện thiếu thốn, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Họ không chỉ cần kỹ năng giảng dạy mà còn cần lòng nhiệt huyết và sự sẻ chia để thấu hiểu và cùng giúp đỡ học trò của mình. Những nỗ lực của các thầy cô biệt phái không chỉ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần làm cho cuộc sống của các em học sinh vùng khó khăn trở nên tốt đẹp hơn”, nữ giáo viên bày tỏ.
Trong khi đó, cô Lê Thị Thanh Huyền đã có 25 năm gắn bó với nghề giáo chia sẻ, cơ sở vật chất tại vùng cao không thể so sánh với những nơi khác, đặc biệt là khu vực thành phố. Hiện, nữ giáo viên đang thực hiện nhiệm vụ biệt phái tại một trường nằm giáp biên giới và điều kiện sinh hoạt ở đây vô cùng khó khăn, từ việc cung cấp nước sạch đến việc ăn uống hàng ngày. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, nước uống và nước sinh hoạt đục ngầu do có chứa bùn đất, thậm chí có khi các thầy cô phải sống trong tình trạng thiếu nước kéo dài suốt nhiều ngày liền.
Tuy nhiên, sự gắn bó với học sinh và đồng nghiệp đã giúp cô Huyền vượt qua những thiếu thốn về vật chất và nhanh chóng thích nghi để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thầy Lành Văn Tướng – Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tri Lễ (xã Tri Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) nhận quyết định biệt phái tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Quan (Thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) từ tháng 1/2024 đến hết tháng 5/2024.
Thầy Tướng cho biết, chưa hết thời gian biệt phái thì thầy được điều động chính thức công tác tại Trường Trung học cơ sở Thị trấn Văn Quan từ ngày 1/5/2024. Sang đơn vị mới, thầy giữ vị trí giáo viên dạy môn Toán các lớp 6A1, 6A2, 6A3, 8A2 và môn Khoa học tự nhiên phân môn Vật lí lớp 8A1.
“Khi nhận quyết định biệt phái, một trong những khó khăn mà tôi và nhiều giáo viên khác phải đối mặt là thời điểm biệt phái thường được thực hiện vào giữa năm hoặc gần cuối năm học. Lúc này, chương trình giảng dạy đã triển khai gần hết, khiến cho việc tiếp nhận chương trình, phương pháp giảng dạy trở nên phức tạp. Đặc biệt, học sinh phải điều chỉnh cách học sao cho phù hợp với phương pháp giảng dạy mới, gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và tiếp thu của các em.
Xem thêm : Ngành sư phạm nào có cơ hội việc làm cao nhất trong những năm tới đây?
Không chỉ vậy, tôi còn phải tham gia sinh hoạt chuyên môn ở cả hai đơn vị: Ở đơn vị mới thì tham gia sinh hoạt chuyên môn, nhưng vẫn phải duy trì sinh hoạt đoàn thể tại đơn vị cũ. Do đó, tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian để cân bằng giữa 2 nơi, tuy nhiên, đôi lúc không thể tránh khỏi những áp lực”, thầy Tướng chia sẻ.
Cần có những chính sách bền vững để không phụ thuộc vào giáo viên biệt phái
Ông Bùi Thanh Tùng – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nhận định, trong hệ thống giáo dục, biệt phái giáo viên là một giải pháp tạm thời nhằm phân phối nguồn nhân lực sư phạm để đáp ứng nhu cầu dạy học, đặc biệt là ở các khu vực thiếu giáo viên.
Buổi gặp mặt, tiếp nhận giáo viên biệt phái do Uỷ ban Nhân dân huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tổ chức.
(Ảnh: Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cung cấp)
Theo ông Tùng, khi ngành giáo dục địa phương đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên ở các bộ môn như tiếng Anh, biệt phái giáo viên được áp dụng để lấp đầy các vị trí trống. Mặc dù biệt phái giúp giải quyết được nhu cầu trước mắt nhưng số lượng giáo viên được biệt phái hàng năm không đủ để giải quyết triệt để vấn đề này. Mỗi năm, địa bàn huyện chỉ có thể nhận được 5-6 giáo viên và trên thực tế, nhiều khi số lượng này không đáp ứng nhu cầu.
“Một trong những khó khăn lớn của biệt phái giáo viên là đảm bảo quyền lợi cho các thầy cô. Trong đó việc sắp xếp chỗ ăn ở, điều kiện làm việc vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu đã giao nhiệm vụ cho các trường học trên địa bàn huyện phải đảm bảo chỗ ăn, nghỉ cho giáo viên biệt phái và điều chỉnh thời khoá biểu phù hợp để tạo điều kiện cho họ có thể trở về nhà vào cuối tuần.
Ngoài ra, việc biệt phái giáo viên cũng không tạo ra sự gắn bó lâu dài giữa giáo viên và trường học. Đa số giáo viên chỉ làm việc trong thời gian ngắn, khoảng 9 tháng mỗi năm học. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về trường cũ và trường nơi họ được biệt phái lại tiếp tục thiếu hụt giáo viên. Điều này khiến cho quá trình giảng dạy không ổn định, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tại những khu vực đang thiếu giáo viên”, ông Tùng nêu quan điểm.
Ông Tùng cho rằng, biệt phái giáo viên không phải là giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề thiếu hụt giáo viên và để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có những chính sách bền vững hơn.
Thứ nhất, các địa phương tăng cường đào tạo giáo viên sẽ giúp đảm bảo nguồn nhân lực ổn định cho các trường học trong khu vực. Ví dụ, hiện tại, một số tỉnh đã triển khai các chương trình đào tạo giáo viên tại chỗ và dự kiến trong vòng 1-2 năm tới sẽ có thêm nhiều giáo viên ra trường và quay trở lại công tác tại địa phương. Đây là một giải pháp cần được nhân rộng để giảm bớt sự phụ thuộc vào đội ngũ biệt phái, đồng thời đảm bảo được chất lượng giáo dục đồng đều trên cả nước.
Thứ hai, Nhà nước cần bổ sung thêm một số chính sách hỗ trợ để thu hút giáo viên đến làm việc tại những khu vực khó khăn. Các chính sách này có thể bao gồm việc tăng lương, hỗ trợ chỗ ở để khuyến khích giáo viên gắn bó lâu dài với các khu vực đang thiếu nguồn nhân lực. Khi có đủ điều kiện để ổn định cuộc sống và công việc, giáo viên sẽ có động lực làm việc tốt hơn và cam kết gắn bó với trường học.
Thứ ba, địa phương cần có quy trình rõ ràng và minh bạch hơn về việc chuyển công tác, trở lại đơn vị cũ sau khi hết thời gian biệt phái. Điều này không chỉ đảm bảo sự công bằng cho giáo viên mà còn giúp họ có được cơ hội thăng tiến trong công việc, chẳng hạn như được khen thưởng hoặc đảm nhiệm các vị trí quản lý, đào tạo khi trở về đơn vị cũ. Hơn nữa, các cấp quản lý giáo dục cần cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm thực hiện biệt phái để giảm thiểu sự xáo trộn trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là khi thời điểm biệt phái trùng với thời gian giữa hoặc cuối năm học.
“Việc tổ chức thực hiện biệt phái giáo viên là một giải pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại các khu vực khó khăn. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả và bền vững, cần có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên biệt phái, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sự quan tâm và hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo giáo dục cũng như các đồng nghiệp tại đơn vị mới là yếu tố quan trọng giúp giáo viên vượt qua những thách thức trong quá trình biệt phái và đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành giáo dục”, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu bày tỏ.
Thu Thuỷ
https://giaoduc.net.vn/ngon-ngang-kho-khan-khi-giao-vien-di-biet-phai-post245616.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục