Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý khai thác công trình thủy lợi ngày càng lớn, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Trái ngược với tiềm năng đó, ngành này vẫn chưa thu hút được nhiều người học.
- Bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước khai giảng
- Hơn 1.000 lượt học sinh quận Hoàn Kiếm được nhận học bổng khuyến học
- 5 năm qua, những ngành học nào luôn có điểm chuẩn cao tại Đại học Mỏ – Địa chất?
- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tuyển 4.500 chỉ tiêu năm 2024
- Trường Đại học Trà Vinh: Đào tạo 7/7 khối ngành, nguồn thu từ NCKH chưa đạt 2%
Đào tạo sinh viên có khả năng đáp ứng tốt công việc thực tế
Bạn đang xem: Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy “khát” nhân lực nhưng vẫn khó tuyển sinh
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng bộ môn Công trình Giao thông thành phố và Công trình thủy, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy là ngành học kỹ thuật công nghệ, có mục tiêu đào tạo đáp ứng sứ mệnh và tầm nhìn của Trường Đại học Giao thông vận tải, phù hợp với yêu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.
Ngành học trang bị cho sinh viên kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về quy hoạch, xây dựng, quản lý và khai thác các công trình bến cảng, công trình biển, hệ thống logistics cảng biển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng Bộ môn công trình Giao thông thành phố và Công trình thủy, Trường Đại học Giao thông vận tải (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC.
Ngoài ra, sinh viên được cung cấp và phát triển các kỹ năng tự học tập suốt đời, thích ứng với sự thay đổi khoa học công nghệ và phát triển tư duy sáng tạo.
Hiện nay, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy tại Trường Đại học Giao thông vận tải được xây dựng theo phương pháp đào tạo tích hợp CDIO, luôn đảm bảo các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Vì vậy, sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy được đào tạo khá bài bản, có khả năng đáp ứng tốt các công việc thực tế của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường, khoa cùng bộ môn phụ trách luôn có sự phối hợp mật thiết với các doanh nghiệp, xác định nhu cầu doanh nghiệp là một trong mục tiêu đào tạo ngành nghề.
Hàng năm, các doanh nghiệp thường được nhà trường, khoa mời tham dự hội thảo tư vấn nghề nghiệp, các buổi bảo vệ tốt nghiệp để trao đổi kiến thức thực tế và mang lại cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.
Nhà trường luôn căn cứ vào ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để cập nhật, cải tiến khung chương trình, môn học và chuẩn đầu ra. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo, hỗ trợ sinh viên hoàn thành các môn học thực tập kỹ thuật và tốt nghiệp tại cơ sở.
Cũng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới việc cung cấp cho người học khả năng phân tích, thiết kế, thi công và quản lý các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình thủy.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trưởng, phụ trách ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy trang bị cho sinh viên tính sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, có khả năng tự học và tự nghiên cứu.
Cụ thể, sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy được cung cấp các kiến thức cơ bản về toán học, khoa học tự nhiên, đáp ứng việc tiếp thu kiến thức chuyên ngành và khả năng học tập ở trình độ cao hơn.
Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị các kiến thức kỹ thuật cơ sở ngành và chuyên ngành. Từ đó hình thành năng lực phát hiện, giải quyết các vấn đề liên quan đến thiết kế và thi công trong các công trình xây dựng nói chung, công trình thủy nói riêng.
Về kỹ năng, sinh viên sẽ được trang bị kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp, giao tiếp, làm việc nhóm để có khả năng làm việc trong môi trường làm việc liên ngành, đa văn hóa.
Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị hiểu biết về kinh tế, chính trị; kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội, cộng đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Trưởng cho biết: “Hàng năm, nhà trường và khoa thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến báo cáo chuyên đề, tham gia giảng dạy một số học phần, hướng dẫn đồ án và phản biện đồ án…
Với mạng lưới đối tác rộng rãi của trường và khoa, sinh viên được tham gia thực tập tại các đơn vị có uy tín. Tỷ lệ sinh viên được tuyển dụng tại đơn vị thực tập khá cao”.
Xem thêm : Công bố danh sách ứng viên được đề nghị xét công nhận giáo sư, phó giáo sư
Sinh viên được giới thiệu việc làm ngay sau khi tốt nghiệp
Quyết định 442/QĐ-TTg của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ nhiệm vụ tập trung nguồn lực để phát triển năng lực xuất nhập khẩu hàng hóa, xây dựng hệ thống hạ tầng cảng biển quy mô lớn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, sự phát triển này kéo theo nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực về xây dựng, khai thác, quản lý hạ tầng cảng biển, dịch vụ logistics tăng lên.
Đây là cơ hội nghề nghiệp lớn cho sinh viên theo học và tốt nghiệp hai chuyên ngành: Cảng – Công trình biển và Hạ tầng cảng Logistics thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy tại Trường Đại học Giao thông vận tải.
Cũng theo thầy Trung, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy có vị trí công việc rất đa dạng.
Sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, viện nghiên cứu liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý và khai thác các công trình hạ tầng cảng biển – đường thủy, công trình biển, trung tâm logistics. Cụ thể là doanh nghiệp tư vấn thiết kế, xây dựng trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, các cục, ban trực thuộc các bộ…
Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy là ngành kỹ thuật công nghệ, kiến thức được cập nhật và thay đổi liên tục. Nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu công việc, ngoài kiến thức chuyên môn ngành, sinh viên cần phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu, thích ứng với sự phát triển công nghệ, và tính sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp.
“Do số lượng sinh viên ngành đào tạo ra không lớn, hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều được giảng viên tư vấn, giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp, cơ quan sau khi vừa tốt nghiệp.
Một số sinh viên có cơ hội làm việc ngay trong thời gian thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp”, Phó Trưởng Bộ môn công trình Giao thông thành phố và Công trình thủy, Trường Đại học Giao thông vận tải thông tin thêm.
Sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy tại Trường Đại học Giao thông vận tải thực tập kỹ thuật đê chắn sóng Cát Hải. Ảnh: NTCC.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung cho hay, phụ thuộc vào vị trí và tính chất công việc, mức lương của kỹ sư ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy có thể khác nhau. Mức lương dao động 8-10 triệu đồng/tháng đối với sinh viên mới ra trường và 15-20 triệu đồng/tháng đối với kỹ sư nhiều kinh nghiệm và có vị trí cao.
Anh Vũ Thanh Thái, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, hiện tại anh đang công tác tại công ty chuyên về thiết kế xây dựng công trình thủy, cụ thể là thiết kế các công trình cảng biển, cảng thủy nội địa, các công trình ngoài khơi, các công trình đê chắn sóng, và công trình kè.
Theo anh Thái, hiện nay nguồn lao động ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy đang rất khan hiếm, ít trường mở ngành đào tạo chính. Vì vậy, sinh viên ra trường sẽ có lợi thế để ứng tuyển vào các công ty đúng chuyên ngành hơn so với các ngành kỹ thuật xây dựng khác.
Với đặc điểm Việt Nam có đường bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, đây sẽ là thị trường tiềm năng và phát triển lâu dài cho các kỹ sư ngành công trình thủy.
Cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải cũng đưa ra lời khuyên, sinh viên sắp ra trường cần trang bị kiến thức chuyên môn về ngành nghề, thái độ làm việc tốt, sẵn sàng tham gia vào các dự án, các khóa đào tạo của công ty.
“Hiện tại, phần lớn các công trình thủy, công trình ngoài khơi đều có nguồn đầu tư từ nước ngoài. Do vậy, sinh viên cần đầu tư học tiếng Anh để sẵn sàng đáp ứng công việc và thăng tiến trong tương lai”, anh Vũ Thanh Thái cho biết.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trưởng chia sẻ, bên cạnh kiến thức, kỹ năng nhà trường trang bị, sinh viên cần rèn luyện tư duy ngành xây dựng công trình thuỷ. Thêm vào đó, sinh viên nên đầu tư sâu hơn vào kỹ năng thích ứng và kỹ năng học tập suốt đời.
Đồng thời, thầy Trưởng đưa ra lời khuyên, sinh viên cần sẵn sàng làm việc trong môi trường đa lĩnh vực, đa văn hoá để có thể tham gia tốt vào các dự án có tính quốc tế, có tính liên ngành, phù hợp với quá trình toàn cầu hóa như hiện nay.
Ngay khi còn học tập tại trường, thông qua các chương trình thực tập ngoài trường, chương trình kết nối doanh nghiệp, kết nối việc làm, sinh viên đã có rất nhiều lợi thế trong việc tìm kiếm vị trí việc làm phù hợp.
Xem thêm : Ngành Thương mại điện tử được đào tạo ra sao để “thực chiến” tốt?
Sinh viên ngành Kỹ thuật công trình thủy, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hành môn học. Ảnh: NTCC.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Trưởng, mức lương đối với sinh viên mới tốt nghiệp dao động từ 10-12 triệu đồng/tháng. Sau thời gian làm việc, mức lương sẽ nâng lên từ 18-25 triệu đồng/tháng tùy vào năng lực, vị trí.
“Với mức lương của chuyên gia cao cấp, nhiều cựu sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công trình thuỷ nói riêng và xây dựng nói chung”, thầy Trưởng cho hay.
Ngành học tiềm năng nhưng chưa thu hút nhiều người học
Chia sẻ về quá trình đào tạo ngành này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Trưởng cho biết, về thuận lợi, ngành được đào tạo tại Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đào tạo có bề dày truyền thống và đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao.
Hiện nay, mạng lưới cựu sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy của trường bao phủ hầu hết khu vực phía Nam và nắm giữ nhiều vị trí quan trọng về quản lý, kỹ thuật. Đây cũng là lợi thế cho nhà trường trong công tác phối hợp với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thầy Trưởng cho rằng, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ là ngành khá hẹp, mặc dù có nhiều vị trí việc làm “khát” chuyên gia, nhưng sức thu hút người học trong xã hội chưa cao nên lượng sinh viên nhập học còn khiêm tốn.
Về phía Trường Đại học Giao thông vận tải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung chia sẻ, trước đây, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy được xây dựng với một chuyên ngành Cảng – Công trình biển. Đây là chuyên ngành học khó, có tính ổn định nhưng công việc vất vả nên chưa thu hút được sự quan tâm của người học.
Tuy nhiên hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực quản lý, khai thác hạ tầng, logistics cảng biển, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy đã xây dựng, phát triển thêm chuyên ngành Hạ tầng cảng logistics. Vì vậy, việc tuyển sinh đã khởi sắc trong những năm gần đây.
Trường Đại học Giao thông vận tải luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy được phát triển toàn diện về xây dựng chương trình đào tạo, phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất và nghiên cứu khoa học.
Phó trưởng bộ môn Công trình Giao thông thành phố và Công trình thủy, Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ thêm, khó khăn lớn nhất trong công tác đào tạo là đảm bảo chất lượng chuẩn đầu ra.
“Sinh viên hiện nay chưa có tính chủ động cao trong học tập nên việc đảm bảo đạt các chuẩn đầu ra tích hợp đủ cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ là nhiệm vụ không dễ dàng đối với các giảng viên”, thầy Trung cho hay.
Sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Giao thông vận tải thực tập kỹ thuật tại cảng Hải Phòng. Ảnh: NTCC.
Để nâng cao chất lượng dạy và học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy nhằm thu hút người học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung đưa ra một số biện pháp cụ thể.
Thứ nhất, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy phải luôn cập nhật, đổi mới sao cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, yêu cầu công việc của doanh nghiệp và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Thứ hai, đa dạng hóa và đổi mới phương pháp dạy học để sinh viên tiếp nhận kiến thức, kỹ năng một cách dễ dàng nhất. Trong đó, phát huy tính tích cực, chủ động, ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo của sinh viên.
Thêm vào đó, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường xây dựng các mô hình học tập, nghiên cứu gắn với thực tiễn để khơi dậy hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm.
Thứ ba, định hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm rõ ràng tới sinh viên, đặc biệt sinh viên năm nhất. Ngoài ra, tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên tiếp cận, làm việc, nghiên cứu cùng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy động lực và đam mê nghề nghiệp.
Bích Ngọc
https://giaoduc.net.vn/nganh-ky-thuat-xay-dung-cong-trinh-thuy-khat-nhan-luc-nhung-van-kho-tuyen-sinh-post244649.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục