Chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 3, tiếp tục cho học sinh nghỉ học
- Một số điểm mới của dự thảo quy chế tuyển sinh THPT
- Sư phạm và Ngôn ngữ là 2 nhóm ngành có điểm chuẩn cao ở Trường ĐH Thủ đô Hà Nội
- Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
- 100% học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế năm 2024 đều đạt giải
- 11 giảng viên tại Indonesia bị thu hồi chức danh GS do gian lận học thuật
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Mạnh Trường – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 09/9/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 1720/SGD&ĐT-GDĐH&GDTX về việc đảm bảo an toàn các trường học do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.
Bạn đang xem: Lào Cai: Nhiều trường bị ảnh hưởng bão, an toàn cho GV, học sinh được ưu tiên
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh ở các cơ sở giáo dục; nhất là các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và trường có học sinh ở nội trú, bán trú; Sở yêu cầu trưởng phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc; giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thị, thành phố:
Một là, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã chỉ đạo tại Công văn số 1704/SGD&ĐT-VP ngày 06/9/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 3.
Hai là, đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và các trường có học sinh hiện đang ở nội trú, bán trú, kiểm soát số lượng đảm bảo an toàn cho từng học sinh, không để học sinh di chuyển đi, về khi chưa đảm bảo an toàn. Thông tin đến cha mẹ học sinh quản lý tốt học sinh đang ở nhà.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình lớp học, khu nhà ở, bếp ăn,..của học sinh và cán bộ, giáo viên sẵn sàng ứng phó khẩn cấp đối với các tình huống nguy cơ cao bị ngập lụt hoặc sạt lở đất để báo cáo chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để triển khai các phương án di dời kịp thời học sinh và cán bộ,giáo viên đến nơi an toàn hơn.
Bốn là, theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, tình hình mưa lũ, ngập lụt từ cơ quan chức năng để cập nhật kịp thời cho học sinh và phụ huynh. Đảm bảo các nhu yếu phẩm cần thiết (thực phẩm, nước uống, thuốc men…) cho học sinh; liên tục cập nhật tình hình, báo cáo các cơ quan chức năng, đảm bảo liên lạc thông suốt để xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp.
Theo Báo cáo số 382/BC-SGD&ĐT ngày 09/9/2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai báo cáo nhanh về tình hình ảnh hưởng của báo số 3, tình hình thực hiện của các cơ sở giáo dục như sau:
Các trường chịu thiệt hại do ngập úng, sạt lở, khi đảm bảo điều kiện sẽ tiến hành dạy bù
Những ngày qua, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (bão Yagi), trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa to trên diện rộng, gây ra hiện tượng sạt lở đất và ngập úng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trường Chinh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho biết, hiện tại, 58/58 trường học trên địa bàn đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 09/9. Bên cạnh đó, các trường học đã thực hiện nghiêm túc triển khai các nội dung phòng chống cơn bão số 3 và luôn túc trực để kịp thời giải quyết các việc bất thường xảy ra.
Nhà công vụ giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tả Giàng Phình sập đổ khiến một số giáo viên bị thương. Ảnh: NVCC.
Tuy nhiên, trên địa bàn thị xã vẫn khó tránh khỏi những con số đau thương do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Theo đó, tính đến 16 giờ ngày 9/9/2024, tại xã Mường Hoa, có 03 trẻ em tử vong, mất tích 02 trẻ; số người bị thương gồm 02 trẻ 1 tuổi, 01 học sinh lớp 1 (xã Mường Hoa); 01 học sinh lớp 2 (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thanh Kim); và 02 giáo viên bị thương (Trường Mầm non Tả Giàng Phìn và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tả Giàng Phình).
Ông Nguyễn Trường Chinh cho biết thêm về thống kê ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 tại các trường trên địa bàn thị xã Sa Pa, cụ thể như sau:
Đối với cấp mầm non: Trường Mầm non Nậm Sài (sạt kè tại điểm trường chính); Trường Mầm non Trung Chải (điểm trường Móng Sến 2 bị sạt kè xuống tường phía sau lớp học); Trường Mầm non Bản Phùng (điểm trường Toòng Mông và điểm Bản Pho bị sạt taluy sau trường, tất cả các đường đi vào trường, vào các điểm thôn đều bị sạt, cô lập); Trường Mầm non Hầu Thào (sạt bờ kè sân, lún sân điểm trường Bản Pho); Trường Mầm non Tả Van (sạt đường lên điểm trường Tả Chải Dao).
Đối với cấp tiểu học: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải (sạt đường lên tất cả các điểm trường, sạt bếp nhà công vụ Đội 6). Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Sài (sạt lở taluy dương phía sau trường, gây sập nhà xe và bờ kè, bùn đất tràn vào tắc cống và tràn qua sân trường với khối lượng đất ước tính hàng trăm mét khối, sập đổ nhà để xe).
Đối với cấp trung học cơ sở: Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tả Giàng Phình (sạt lở đất làm sập, hư hỏng 03 phòng ở công vụ).
Thầy Nguyễn Vĩnh Nam – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tả Giàng Phình (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Rạng sáng ngày 09/9, khi giáo viên vẫn còn đang ngủ tại nhà công vụ, bất ngờ, nơi đây xảy ra sạt lở đất làm sập nhà công vụ khiến một số giáo viên bị thương. Ngay khi xảy ra tình trạng đó, địa phương đã huy động lực lượng dân quân, an ninh, phụ huynh học sinh ở các thôn bản đến hỗ trợ”.
Thầy Nam cho biết thêm, trước diễn biến hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất nguy hiểm đến tính mạng; để đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian này, nhà trường thông báo cho học sinh tiếp tục ở nhà cho đến khi có thông tin mới.
Xem thêm : Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là 1 trong 3 ứng viên GS ngành Hóa học
“Khi nhà trường đảm bảo được các điều kiện học tập an toàn sẽ yêu cầu học sinh trở lại trường; đồng thời tiến hành dạy học bù để đảm bảo tiến độ chương trình; đặc biệt với các thầy cô ở xa trường đi lại nguy hiểm, nhà trường không yêu cầu các thầy cô đến trường, tạo điều kiện làm việc tại nhà” – thầy Nam nói.
Đường đến các điểm trường trên địa bàn thị xã Sa Pa (Lào Cai) khi chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, tiềm ẩn nguy hiểm. Ảnh: NVCC.
Thầy Nguyễn Viết Thuyết – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sử Pán (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Hiện tại, trước diễn biến thời tiết phức tạp, nhà trường cùng các lực lượng huy động bà con nhân dân ở vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở đến lánh nạn tại trường. Cùng với đó, các nhà hảo tâm và thầy cô trong trường tổ chức nấu cơm cho bà con nhân dân và các cháu học sinh trong quãng thời gian này.
Thầy Thuyết nhấn mạnh, chỉ khi thời tiết đảm bảo an toàn, mới cho học sinh quay trở lại lại học tập. Khi đó, nhà trường sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học, sắp xếp thời gian giảng dạy để không ảnh hưởng đến tiến độ năm học.
Ông Đỗ Đăng Hảo – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) cũng cho biết, hiện tại, vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học vì trên địa bàn vẫn có mưa to trên diện rộng, diễn biến rất phức tạp.
Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn đã chỉ đạo các đơn vị trên chuyển toàn bộ, thiết bị dạy học lên trên cao, tránh thiệt hại tài sản” – ông Hảo thông tin thêm.
Một số thiệt hại tại các trường học trên địa bàn huyện Văn Bàn.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cũng nhấn mạnh, “đặt tính mạng con người lên hàng đầu”, chỉ đạo cho các trường với mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, rồi mới tính đến đảm bảo an toàn về tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học,…
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cùng chính quyền địa phương xuống trực tiếp các điểm trường, xem xét tình hình. Ảnh: NVCC.
Cụ thể, ông cho biết: “Hiện nay, do nhiều điểm thôn bản của huyện Văn Bàn địa hình chia cắt (tại xã Khánh Yên Hạ, xã Nậm Tha,…), nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn vẫn cho học sinh tạm thời nghỉ học. Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh học sinh, đặc biệt là các học sinh ở vùng đồng bào, vùng cao, tư vấn cho cha mẹ cách chăm sóc cho con em khi ở nhà phòng tránh xảy ra tình trạng tai nạn thương tích”.
Điểm trường Ta Khuấn của Trường mầm non Sơn Thủy (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) bị sạt lở nguy hiểm. Ảnh: NVCC.
Ông Đào Văn Vinh – chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cũng thông tin thêm, từ trước khi cơn bão số 3 đổ bộ, Phòng đã triển khai, chỉ đạo tới tất cả các nhà trường sẵn sàng ứng phó với cơn bão và ảnh hưởng của cơn bão. Đặc biệt tại các trường trọng yếu, trọng điểm có nguy cơ cao, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng với Ủy ban nhân dân huyện Văn Bàn và các ban, ngành, đoàn thể đã phối hợp, di chuyển toàn bộ đồ dùng, thiết bị dạy học lên tầng 2, khu khô ráo để bảo quản, tránh ảnh hưởng đến cơ sở vật chất trước thiên tai.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường do hệ thống thoát nước kém, nước mưa ứ đọng, khiến nước dâng tràn vào lớp học.
Sau khi xem xét, đánh giá tình hình và thực hiện chỉ đạo chung từ các cấp, Phòng đã chủ động soạn thảo riêng một văn bản triển khai các biện pháp cấp bách để gửi cho các nhà trường, chỉ đạo cho học sinh nghỉ học, đồng thời đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất trước thiên tai.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn đã chỉ đạo các đơn vị trường qua các nhóm zalo có đại diện cán bộ quản lý của các nhà trường. Các hiệu trưởng sẽ báo cáo tình hình, cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Phòng cũng phân công từng bộ phận phụ trách, đến các điểm trường để nắm bắt tình hình thực tế và chỉ đạo không qua văn bản các giải pháp trực tiếp, nhất là với các trường có nguy cơ sạt lở, ngập úng nước nguy hiểm.
Với các trường có nguy cơ sụt lún, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn tham mưu cho ủy ban nhân dân huyện có phương án để khắc phục và đầu tư kiên cố lại cho các trường, phục vụ cho quá trình học tập khi học sinh đi học trở lại.
Xem thêm : Hà Nội giao bổ sung thêm 3.200 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025
Chính quyền địa phương hỗ trợ Trường mầm non Tân An (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) lắp thêm ống thoát nước. Ảnh: NVCC.
Thầy Nguyễn Đức Cường – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân An (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai), cho biết, do mưa lũ lớn khiến trường đang xảy ra tình trạng nước ứ đọng. Đến thời điểm hiện tại, nước ở trên sân trường ngập cao khoảng 40cm, riêng khu bán trú (8 phòng) và nhà công vụ ngập toàn bộ, đặc biệt khu bán trú mực nước đang lên tới gần 2m.
Hiện tại, do sạt lở đất trên tuyến đường đến trường, chỉ có 3 thôn có thể di chuyển được đến trường, còn lại 8 thôn không thể di chuyển được. Theo đó, phía nhà trường không thể mạo hiểm để học sinh đến trường.
Trường Trung học cơ sở Tân An (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) bị ngập nước. Ảnh: NVCC.
“Chúng tôi đã di chuyển từ chiều ngày 06/9, nước dâng đến đâu, chuyển đến đó, toàn bộ tài sản nhà trường cũng đã được chuyển lên tầng 2; chính quyền địa phương cũng đã cử các lực lượng phòng chống bão lụt của xã đến hỗ trợ nhà trường, đào thông các cổng rãnh, lắp thêm ống thoát nước.
Sau khi nước rút, chúng tôi sẽ huy động phụ huynh học sinh, dân quân tự vệ của xã hỗ trợ giải phóng bùn lầy, dọn dẹp vệ sinh nhanh chóng rồi sau đó sẽ cho học sinh quay trở lại trường và dạy bù vào các ngày sau”, thầy Cường chia sẻ thêm.
Mới liên lạc được 46/56 trường học trên địa bàn huyện Bát Xát
Trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, theo bà Bùi Quỳnh Liên – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, tổng số trường trực thuộc trong huyện là 56 trường, nhưng tính đến chiều ngày 09/9/2024, mới liên lạc được với 46 trường, còn 10 trường không liên lạc được (bao gồm: Trường Mầm non Y Tý, Trường Tiểu học Y Tý, Trường Trung học cơ sở Y Tý, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Lù, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Ngải Thầu, Trường Mầm non A Lù, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Mú Sung, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Chạc, Trường Mầm non Trịnh Tường, Trường Trung học cơ sở Trịnh Tường).
Hiện tại, có 2.273 học sinh bán trú đang ở tại trường, được các nhà trường quản lý đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong đó có: 402 học sinh trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Tính đến 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/9, có 17 trường và điểm trường bị ảnh hưởng nhiều do bão số 3, có một số nhà trường bị sạt lở đất, vùi lấp một phần cơ sở vật chất, một số trường bị ngập nước…
Cô Hoàng Thị Thu Hường – Hiệu trưởng Trường mầm non Bản Vược (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), cho biết, sáng ngày 09/9, vạt đồi ở cạnh trường sạt xuống làm đổ tường rào tại trường, sau đó, vẫn có hiện tượng sạt tiếp. Mặc dù trước đó, nhà trường đã di dời tất cả đồ đạc đến điểm an toàn, nhưng khi đất sạt xuống, lượng nước từ phía đồi tràn về nhiều không thoát kịp, khiến ngập một phòng làm việc của nhà trường (phòng y tế).
Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát đã cắt cử, phân công trực 24/24 để nắm bắt tình hình và hướng dẫn các đơn vị trường học ứng phó với cơn bão số 3; đảm bảo 100% các đơn vị trường học cử cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trực trường để kịp thời xử lý các tình huống do diễn biến của bão số 3 gây ra và quản lý học sinh đã đến trường đảm bảo an toàn.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường học có phương án quản lý học sinh đang ở tại trường đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho học sinh trở về nhà nếu không có bố hoặc mẹ đến đón; thường xuyên cập nhật, theo dõi bản tin dự báo thời tiết đối với cơn bão số 3 do các cơ quan cung cấp trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra lại cơ sở vật chất của nhà trường; có phương án đảm bảo an toàn tài sản của đơn vị; cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, mất an toàn; có phương án đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên tại trường và trên đường đến trường, về nhà.
Chiều ngày 09/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đến các điểm trường trong thị xã động viên và cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm. Ảnh: NVCC.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát nhấn mạnh, sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên học sinh trong các trường không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống bão. Yêu cầu các đơn vị trường học thường xuyên cập nhật thông tin phòng chống bão về phòng giáo dục và đào tạo để báo cáo các cấp theo quy định.
Bà Bùi Quỳnh Liên cũng cho biết thêm, địa phương sẽ khẩn trương khắc phục các thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh trường, lớp ngay sau khi mưa bão đi qua đảm bảo an toàn, sạch sẽ, phòng chống dịch bệnh. Căn cứ vào diễn biến của thời tiết, điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục nếu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên thì tổ chức dạy học trở lại.
Thầy Nguyễn Thành Thi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 09/9, phát hiện phía sau khu nhà ở học sinh đang có hiện tượng sạt lở đất nguy hiểm, nhà trường đã chỉ đạo khẩn trương di dời toàn bộ 221 học sinh học sinh bán trú và 23 thầy cô xuống nhà đa năng của Ủy ban nhân dân xã và nhà dân xung quanh để đảm bảo an toàn.
Xác định tình hình thời tiết diễn biến thất thường, tiềm ẩn nguy hiểm, nhà trường đã thông tin đến toàn bộ phụ huynh học sinh, không cho học sinh đi ra các khu vực sông suối. Với những học sinh đã đến trường, yêu cầu học sinh ở lại trong phòng, không di chuyển ra bên ngoài. Với khu vực có nguy cơ sạt lở, nhà trường di dời học sinh xuống khu an toàn nhất”.
Thái Vân
https://giaoduc.net.vn/lao-cai-nhieu-truong-bi-anh-huong-bao-an-toan-cho-gv-hoc-sinh-duoc-uu-tien-post245425.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục