Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cường trả lời phỏng vấn Báo Hà Nội Mới, chia sẻ về những khó khăn, thách thức cũng như giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước năm học mới.
- TPHCM: Nhiều trường xếp môn tự chọn xen TKB chính khóa vì “tiện cho đối tác”
- Bỏ khống chế tỉ lệ chiến sĩ thi đua cơ sở, trường có “lạm phát” danh hiệu này?
- Giải pháp vượt trội tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô
- Công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
- Trường Đại học Văn Hiến khuyến khích tinh thần thể dục thể thao trong sinh viên
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cường. Ảnh: Quang Thái
Bạn đang xem: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ
Kết quả giáo dục tiếp tục được cải thiện
– Trong năm học mới, quy mô ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát triển như thế nào, thưa ông?
– Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục của thành phố tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dẫn đầu cả nước với 2.913 trường học, gần 2,3 triệu học sinh và hơn 130.000 cán bộ, giáo viên. Chuẩn bị cho năm học mới, thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới trường học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng từng bước kiện toàn, chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới.
– Ông đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong năm học vừa qua?
– Năm học 2023-2024 là năm thứ 10 ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai Nghị quyết số 29/NQ-TU của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Cùng với sự phát triển bền vững của Thủ đô, ngành giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả toàn diện ở tất cả các cấp học. Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
– Điểm nhấn của giáo dục thành phố trong năm học vừa qua là gì, thưa ông?
– Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục có những chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục đại trà. Với hơn 100.000 thí sinh – dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp của thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023, từ vị trí thứ 16 lên vị trí thứ 11/63 tỉnh, thành phố.
Xem thêm : Trường Đại học Công đoàn khai giảng năm học mới 2024-2025
Hà Nội cũng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số bài thi đạt điểm 10 cao nhất, với 915 bài. Trong số 200 thí sinh cả nước có tổng điểm thi cao nhất, Hà Nội có 33 thí sinh, trong đó có 1 thí sinh có tổng điểm thi cao nhất cả nước là 57,85 điểm. Thành phố có 194/269 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, tăng 54% so với năm 2023. Điểm trung bình nhiều môn của học sinh Hà Nội cao hơn điểm trung bình của học sinh cả nước.
Đáng chú ý, tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học ở khối giáo dục thường xuyên của Hà Nội năm nay đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp chung của khối giáo dục thường xuyên cả nước, là mức cao nhất trong 5 năm qua. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực bền bỉ của cả người học và người dạy cũng như sự đầu tư hiệu quả của ngành giáo dục và đào tạo của thành phố với mục tiêu nâng cao chất lượng dân trí, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà theo hướng bền vững và toàn diện.
Cùng với đó, trong kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025, Hà Nội đã khắc phục được hiện tượng phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ. Đây là đợt tuyển sinh đầu tiên Hà Nội yêu cầu tất cả các trường ngoài công lập nộp hồ sơ tuyển sinh trực tuyến và thống nhất. Việc tuyển sinh vào lớp 1 được thực hiện ổn định, có hệ thống; tỷ lệ đăng ký trực tuyến cao, góp phần tăng tính minh bạch, giảm bớt khó khăn cho phụ huynh.
Trường Tiểu học Tân Hội B (huyện Đan Phượng) được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đảm bảo nhu cầu dạy và học. Ảnh: Nguyễn Quang
Giải quyết kiên quyết tình trạng thiếu trường, lớp
– Ông có thể chia sẻ đâu là thách thức lớn nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiện nay?
– Khó khăn hiện nay của thành phố là việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch tại một số khu vực chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số; tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học trong quy hoạch còn chậm. Tại một số trường học trên địa bàn các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa… vẫn còn tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định của trường.
Trước sức ép từ tình trạng gia tăng dân số và số lượng học sinh tăng mạnh hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết tình trạng quá tải trường, lớp ở một số khu vực.
– Để giải quyết tình trạng quá tải trường lớp đòi hỏi sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo rất lớn. Ngành sẽ tập trung thực hiện những giải pháp nào, thưa đồng chí?
– Trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp. Trong bối cảnh dân số tăng nhanh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tham mưu với thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp hiệu quả, đáp ứng chuẩn, yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Xem thêm : Giai đoạn 2025-2030, giữ ổn định phương thức thi tốt nghiệp THPT trên giấy
Sở cũng sẽ tăng cường tham mưu cho thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; kiên trì, quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp ở một số địa phương, nhất là các quận trung tâm; quan tâm sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.
Đồng thời, Sở đã tham mưu với thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 có 80-85% trường học đạt chuẩn theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đề ra.
– Năm học 2024-2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có kế hoạch gì để triển khai nội dung này?
– Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động, tích cực tham mưu cho UBND thành phố về cơ chế, chính sách cụ thể, nổi bật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn thủ đô.
Cũng trong năm học mới, cùng với việc phát triển về quy mô, Hà Nội cũng sẽ tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Hà Nội thực sự trở thành một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
– Trong kế hoạch nhiệm vụ năm học mới ban hành ngày 26/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch triển khai nội dung này của Hà Nội?
– Thời gian qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ. Ngoài tiếng Anh, căn cứ vào điều kiện thực tế, nhiều trường đã tổ chức dạy thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Đức, Pháp, Nhật, Trung, Hàn… Ngoại ngữ cũng là thế mạnh của học sinh thủ đô, thể hiện qua số lượng học sinh đủ điều kiện miễn thi tốt nghiệp THPT môn này hằng năm ngày càng tăng. Ví dụ, năm 2024, cả nước có gần 67.000 thí sinh được miễn thi ngoại ngữ, trong đó Hà Nội có hơn 21.500 thí sinh. Năm 2023, Hà Nội có gần 16.000 thí sinh ở môn này.
Để thực hiện mục tiêu đào tạo học sinh trở thành công dân toàn cầu, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh, trong đó có việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong và ngoài nước. Mới đây (ngày 26/8/2024), Hà Nội đã khai giảng khóa đào tạo IELTS quốc tế cho 1.900 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Lực lượng này sẽ bổ sung cho đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường, qua đó lan tỏa kinh nghiệm và phương pháp dạy, học tiếng Anh hiệu quả tại các trường trên địa bàn thành phố.
– Cảm ơn đồng chí rất nhiều!
https://hanoimoi.vn/giam-doc-so-giao-duc-va-dao-tao-ha-noi-tran-the-cuong-giai-quyet-dut-diem-tinh-trang-thieu-truong-lop-cuc-bo-676472.html
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục