Nghị quyết số 88/2014/QH13 đã chỉ rõ yêu cầu của ngành giáo dục là “tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng: phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, bồi dưỡng phương pháp tự học, hứng thú học tập, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập của học sinh: đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, tăng cường hiệu quả sử dụng các phương tiện dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông; giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội”.
- Thúc đẩy sâu sắc hơn nữa hoạt động hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Pháp
- Nhiều trường đại học tại Hà Nội cho sinh viên tạm nghỉ hoặc học trực tuyến
- Dự thảo chuẩn năng lực của GV dạy học bằng ngoại ngữ: Nhiều thầy cô khó đạt
- Quận Bắc Từ Liêm tuyên dương nhà giáo tiêu biểu
- Giáo viên Hải Phòng ứng dụng thiết bị số trong giảng dạy môn Khoa học tự nhiên
Một trong những phương pháp giáo dục tích cực, hiệu quả được các trường mầm non, phổ thông vận dụng chính là tổ chức các hoạt động giáo dục thông qua các trò chơi, hoạt động trải nghiệm.
Bạn đang xem: Dạy học thông qua trò chơi là cách giáo dục thiết thực “lấy trẻ làm trung tâm”
Giáo dục thông qua trò chơi, hoạt động trải nghiệm là một trong những phương pháp tích cực tại các trường mầm non, tiểu học. Ảnh: Mộc Trà.
Phương tiện để giáo dục trẻ một cách toàn diện, hiệu quả
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Chu Thị Lan Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đánh giá, hoạt động chủ đạo của trẻ độ tuổi mầm non là hoạt động vui chơi, các hoạt động vui chơi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ.
“Các trò chơi sẽ có sức hút hấp dẫn với trẻ mầm non bởi tính tò mò, ham khám phá, muốn thi đua, thích được cô khen và thích được nhận phần thưởng… Đó là lý do khiến các trò chơi luôn thu hút trẻ tham gia. Tại các nhà trường, trẻ sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui chơi theo từng độ tuổi.
Khi tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tại trường mầm non, tùy vào mục đích giáo dục của từng hoạt động, giáo viên sẽ linh hoạt lựa chọn dạng trò chơi phù hợp đan xen tích hợp trong các hoạt động theo chế độ sinh hoạt của trẻ: trò chơi vận động, trò chơi phát triển trí tuệ, trò chơi phát triển ngôn ngữ, trò chơi phát triển tình cảm xã hội, trò chơi rèn kỹ năng…
Chính vì vậy, hoạt động trò chơi trong trường mầm non vừa là hình thức vui chơi, nghỉ ngơi tích cực, vừa là phương tiện để giáo dục trẻ một cách toàn diện, hiệu quả” – nữ hiệu trưởng phân tích.
Theo cô Chu Thị Lan Anh, trẻ học thông qua chơi chính là cách giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Trò chơi là phương tiện trong giáo dục mầm non. Nội dung, cách chơi của trò chơi cũng chính là nội dung giáo dục trẻ. Trò chơi phong phú phản ánh những hiện tượng đơn giản, tự nhiên, hoạt động xã hội… sẽ dễ dàng giúp trẻ tiếp thu kiến thức.
Khi tham gia các trò chơi, trẻ được chơi nhiều trong môi trường tập thể, cùng bạn khám phá, tìm hiểu vấn đề, tìm cách giải quyết vấn đề theo mục tiêu, định hướng giáo dục của giáo viên. Việc lồng ghép nội dung giáo dục, lồng ghép cung cấp kiến thức, kỹ năng mới thông qua trò chơi sẽ giúp trẻ dễ tiếp thu, hứng thú với việc “học”.
Là giáo viên trực tiếp gắn bó và chăm sóc trẻ trong suốt gần 20 năm, cô giáo Hoàng Thanh Sâm – Trường Mầm non Ánh Dương (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) chia sẻ: “Thông qua các trò chơi, trẻ có thể học các kỹ năng quan trọng và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên mà hiệu quả nhất. Trò chơi tạo ra cơ hội học tập mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Trong khi chơi, trẻ có thể bày tỏ ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc, học cách kiểm soát cảm xúc, tương tác với người khác, giải quyết xung đột và đạt được ý thức về năng lực.
Các trò chơi cũng giúp đặt nền tảng cho sự phát triển kiến thức xã hội và cảm xúc quan trọng; đồng thời, dạy trẻ kỹ năng lãnh đạo cũng như các kỹ năng làm việc nhóm. Hơn nữa, chơi là một công cụ tự nhiên mà trẻ em có thể sử dụng để xây dựng khả năng phục hồi và kỹ năng đối phó, cũng như chinh phục nỗi sợ hãi…
Nắm bắt được đặc điểm tâm lý trên, trong trong quá trình dạy học, không riêng tôi, mà mỗi giáo viên phải luôn khơi gợi sự hứng thú, kích thích sự tò mò của trẻ qua các hoạt động trải nghiệm. Có như, vậy kiến thức của các em mới được khơi dậy một cách gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành nhất”.
Phòng Giáo dục và Đào tạo xây dựng “kho” video clip giới thiệu về các hoạt động trò chơi cho trẻ
Chia sẻ về một số hoạt động tiêu biểu của nhà trường Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Đô cho biết: “Xác định được vai trò và ý nghĩa của hoạt động trò chơi trong giáo dục trẻ mầm non, năm học 2023-2024, Trường Mầm non Nghĩa Đô luôn quan tâm, chỉ đạo các nhóm lớp tăng cường tổ chức các hoạt động trò chơi trải nghiệm, các trò chơi vận động, trò chơi dân gian, tăng cường hoạt động trò chơi giao lưu của trẻ trong cùng lớp, trẻ trong cùng khối, trẻ giữa khối này với khối khác…
Các trò chơi được giáo viên tổ chức tích hợp trong hoạt động theo chế độ trong ngày của trẻ: Giờ điểm danh, giờ hoạt động học có chủ đích, hoạt động vui chơi, hoạt động ngoài trời… tích hợp tổ chức trong các hoạt động lễ hội của trẻ như: Bé vui đón Trung thu; Ngày hội trò chơi dân gian; Ngày hội văn hóa dân gian Việt Nam; Ngày hội thể dục thể thao…
Ngoài ra, nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh cùng tổ chức trò chơi trong các hoạt động giao lưu, trong các ngày hội của trẻ để tăng sự kết nối, giao lưu, tăng sự hứng thú của trẻ”.
Xem thêm : Trường đại học đầu tiên công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025
Cô Phan Thị Tuyết Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 4 (thành phố Thuận An, Bình Dương) cũng cho rằng: “Phương pháp dạy học thông qua các hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ có môi trường học tập thoải mái, năng động, thiết thực và rất hiệu quả. Chỉ có điều, khả năng tiếp nhận, nhận thức của mỗi trẻ là không giống nhau, nên các cô giáo khi xây dựng kế hoạch bài giảng, sẽ phải tính toán, đưa ra hoạt động vui chơi ở những mức độ phù hợp với nhiều trẻ khác nhau”.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của nhà trường, cô Phan Thị Tuyết Anh chia sẻ: “Hằng năm, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn sẽ tư duy, nghiên cứu những trò chơi mới, những hoạt động mới thật bổ ích để trao đổi với các cô.
Song song với đó, các cô giáo trong trường thường xuyên chủ động tìm tòi, học hỏi những hoạt động bổ ích từ đồng nghiệp giữa các trường, cập nhật thông tin hữu ích trên Google, cũng như giao lưu, chia sẻ từ những video clip của chính các trường trên địa bàn thành phố, thông qua một nhóm của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thuận An xây dựng.
Cũng chính các cô giáo sẽ là người ghi lại những hoạt động bổ ích, đăng tải và đóng góp và “kho” cơ sở dữ liệu chung đó, để chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp khác”.
Cô Phan Thị Tuyết Anh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 4 (thành phố Thuận An, Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.
Trong học 2023-2024, Trường Mầm non Hoa Mai 4 đã tổ chức cho trẻ nhiều hoạt động trải nghiệm, nổi bật nhất là hoạt động “Một ngày làm chiến sĩ” và “Lễ hội mùa Xuân”.
“Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, nhà trường tổ chức cho trẻ trải nghiệm làm chiến sĩ và phân bố như sau: Các trẻ lớp mầm sẽ tham gia trồng rau cải thiện đời sống cho các chiến sĩ; các trẻ lớp chồi sẽ làm các chiến sĩ hành quân; các trẻ lớp lá sẽ tập trận chiến đấu. Qua các hoạt động, giúp trẻ biết được các công việc và nỗi vất vả của các chiến sĩ trong quân đội, từ đó giáo dục trẻ biết yêu thương, quý trọng các chiến sĩ đã gìn giữ đất nước hòa bình, hạnh phúc, ấm no…
Tết Nguyên đán là ngày Tết của dân tộc Việt Nam, nhà trường tổ chức Lễ hội mùa Xuân với các hoạt động như: tô tượng, trang trí tiểu cảnh, phiên chợ ẩm thực mùa Xuân và biểu diễn văn nghệ Xuân yêu thương… Qua Lễ hội mùa Xuân, trẻ biết được nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam như trang trí nhà cửa đón Tết, mua sắm tại phiên chợ, phát quà cho trẻ em nghèo, Tết đến là dịp để gia đình sum họp, con cháu quây quần bên bố mẹ, ông bà…
Đó là hai trong số những hoạt động tiêu biểu nhất được Trường Mầm non Hoa Mai 4 tổ chức trong năm học vừa qua. Các con đều rất hào hứng tham gia trải nghiệm. Thông qua các hoạt động, các con được thỏa mãn tính tò mò, ưa khám phá, đưa ra những câu hỏi để các cô giải đáp những thắc mắc của mình, từ đó, các con đều ghi nhớ rất nhanh” – nữ hiệu trưởng chia sẻ thêm.
Hiệu quả giáo dục tích cực, giáo viên chủ động tìm tòi, sáng tạo
Để có những hoạt động giáo dục thông qua các trò chơi bổ ích, ý nghĩa, hằng năm, ngay từ đầu năm học, các cô giáo Trường Mầm non Nghĩa Đô đều xây dựng kế hoạch giáo dục, xác định mục tiêu, nội dung giáo dục theo từng độ tuổi. Qua đó, xác định các loại trò chơi phù hợp với tâm sinh lý, đặc điểm lứa tuổi trẻ để phát triển toàn diện cho trẻ ở các lĩnh vực phát triển khác nhau như về thể chất, ngôn ngữ, nhận thức, thẩm mỹ, tình cảm – quan hệ xã hội.
“Với những hoạt động giáo dục tích hợp hoạt động trò chơi, giáo án được Tổ chuyên môn đề xuất, được Ban giám hiệu phê duyệt. Cùng với việc chuẩn bị giáo án các cô giáo cũng luôn chu đáo, tỉ mỉ chuẩn bị các phương tiện, đồ dùng, thiết bị tổ chức trò chơi (máy tính, đồ dùng đồ chơi…), để mang đến các hoạt động thú vị, hấp dẫn nhất đối với trẻ” – cô Lan Anh cho biết.
Cô giáo Hoàng Thanh Sâm cũng tâm sự: “Vào nghề được gần 20 năm, bản thân tôi cũng được trải nghiệm nhiều “nấc thang” cảm xúc của người giáo viên mầm non, cũng như cảm nhận rõ nét về sự thay đổi trong quá trình chuẩn bị nội dung lên lớp.
Trước đây, giáo viên mầm non chúng tôi đều phải tự tay làm đồ chơi cho trẻ từ những vật liệu tái chế xung quanh mình. Các trò chơi cũng chủ yếu được học hỏi trực tiếp từ chính những người đồng nghiệp đi trước, chủ yếu là các trò chơi dân gian và một số trò chơi dễ dàng chuẩn bị. Hiện nay, nhờ ứng dụng công nghệ, chúng tôi dễ dàng truy cập tài liệu và học hỏi những trò chơi mới, cả từ kho tàng trong nước lẫn trên thế giới. Nhất là khi cho trẻ làm quen với tiếng Anh, các trò chơi kết hợp cũng làm rất tốt vai trò giới thiệu cho trẻ.
Nhờ thế, công tác chuẩn bị kế hoạch hoạt động của chúng tôi cũng phần nào bớt vất vả, chỉ cần các cô sáng tạo thêm để đưa những trò chơi được tham khảo trở nên gần gũi nhất với học sinh của mình”.
Ngoài các trò chơi thường xuyên được các cô tổ chức trong không gian trường học, cô giáo Sâm cho biết, Trường Mầm non Ánh Dương còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giúp trẻ có thêm những chuyến đi thú vị, học thêm nhiều điều bổ ích một cách sinh động.
Không chỉ với học sinh mầm non, phương pháp giáo dục thông qua các hoạt động, trò chơi cũng trở thành “bí quyết” không thể thiếu của các thầy cô dạy phổ thông, đặc biệt là đối với học sinh tiểu học.
Chia sẻ với phóng viên, cô Teo Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đánh giá tầm quan trọng của các hoạt động này: “Đối với các trường tiểu học, lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 5, đặc điểm tâm sinh lý của các con cơ bản là muốn thoải mái, vui chơi, vừa chơi vừa học, không phải chịu nhiều áp lực học tập.
Bởi vậy, thầy và trò nhà trường đã phối hợp làm tốt công tác tích hợp với nhiều trò chơi dân gian, kết hợp các trò chơi hiện đại, ứng dụng công nghệ để các con có những giờ học hiệu quả hơn.
Xem thêm : Ông Vương Tấn Việt sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp
Đặc biệt, theo từng chủ điểm, chủ đề mỗi tháng, nhà trường sẽ xây dựng các hoạt động, trò chơi phù hợp, trong đó, chú trọng phục hồi lại những giá trị truyền thống như các trò chơi dân gian như chơi chuyền, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố, nhảy dây, cướp cờ,… đó là những trò chơi đang dần vắng bóng do các con được tiếp xúc nhiều với điện thoại, tivi. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các trò chơi như đuổi hình bắt chữ, giải câu đố, các trò chơi liên quan đến sự phong phú và giàu đẹp của tiếng Việt. Không chỉ vậy, nhà trường cũng rất chú trọng các hoạt động phát triển giáo dục thể chất, như tích hợp môn võ cổ truyền với aerobic…
Thông qua các giờ hoạt động trải nghiệm, thông qua những trò chơi, học sinh rất hào hứng, vui vẻ, học tập tích cực hơn, qua đó, phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh”.
Cô Teo Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Mộc Trà.
Trong năm học, sẽ có những dịp nhất định, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn sẽ mời đại diện một số phụ huynh tham gia các trải nghiệm cùng học sinh, để tạo sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường, chẳng hạn vào các lễ hội đầu Xuân, ngày hội gói bánh chưng, tặng quà từ thiện…
Theo cô Mai, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một bước đột phá trong giáo dục, khi áp dụng, học sinh học tập và tiếp thu nhanh hơn, có nhiều ứng dụng mới, giáo viên cũng chủ động hơn trong ứng dụng công nghệ thông tin và bớt vất vả hơn.
Trường Tiểu học Lê Quý Đôn luôn hướng đến nhiều hoạt động mang giá trị truyền thống cho học sinh trải nghiệm. Ảnh: NTCC.
“Học sinh được học thông qua các hoạt động, trò chơi, có nhiều hứng thú hơn với bài giảng, đồng thời các con cũng có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn, ghi nhớ nhanh hơn, hiệu quả giáo dục cũng được nâng lên. Chính vì vậy, các thầy cô trong trường đều chủ động tìm tòi, sáng tạo để lồng ghép ngày càng nhiều trò chơi vào các hoạt động giảng dạy.
Hiện nay, khi các thầy cô chuẩn bị bài giảng, sẽ có sự đầu tư hơn, tâm huyết hơn nhiều so với trước đây. Môi trường công nghệ hiện đại giúp các thầy cô có thêm kênh thông tin và kho tàng tài nguyên để khai thác. Chẳng hạn, khi cần tham khảo trò chơi đuổi hình bắt chữ, thầy cô có máy tính, có Internet, có cả tài nguyên hỗ trợ, như vậy sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, có thể nâng cao chất lượng” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết thêm.
Học sinh tham gia cuộc thi Rung Chuông Vàng. Ảnh: NTCC.
Không gian còn hạn chế nên việc tổ chức các hoạt động tập thể gặp khó khăn
Theo cô Lan Anh, hoạt động giáo dục thông qua các hoạt động vui chơi của nhà trường luôn được sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo; sự nhiệt tình, yêu nghề, có nhiều kinh nghiệm của Ban giám hiệu và giáo viên trong công tác quản lý và giảng dạy. Cùng với đó là sự quan tâm, ủng hộ của cha mẹ học sinh trong các hoạt động của nhà trường.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của cô Lan Anh, Trường Mầm non Nghĩa Đô đang trong quá trình xây dựng cơ sở mới trong khuôn viên trên 5.000m2 (dự kiến hoàn thành trong năm 2024); nên hiện tại, trường đang ở cơ sở nhỏ, sân chơi nhỏ, dẫn đến có những hạn chế trong việc tổ chức các hoạt động trò chơi tập thể chung của toàn trường, hoạt động trò chơi giao lưu giữa các khối lớp.
Chia sẻ trên của cô Lan Anh có lẽ cũng là nỗi lòng của không ít hiệu trưởng các trường công lập, đặc biệt là đối với những trường đã được xây dựng lâu năm.
Theo cô Phan Thị Tuyết Anh, bên cạnh những thuận lợi, Trường Mầm non Hoa Mai 4 cũng gặp phải nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động cho trẻ “học mà chơi – chơi mà học”.
Theo đó, Trường Mầm non Hoa Mai 4 được xây dựng từ năm 1987, tính đến nay đã gần 40 năm, nên có nhiều hạng mục công trình bị xuống cấp.
“Hằng năm, nhà trường vẫn tiến hành cải tạo cơ sở vật chất, nhưng do vẫn đề về kinh phí, vẫn còn nhiều chỗ chưa được cải thiện. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ cũng phần nào gặp những khó khăn, do khuôn viên, phòng chức năng không được tận dụng tối đa.
Chúng tôi rất hy vọng, nhà trường ngày càng được quan tâm, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, để tối ưu hóa không gian, thiết bị cho các hoạt động của trẻ, nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục thông qua các hoạt động, trò chơi” – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai 4 bày tỏ.
Mộc Trà
https://giaoduc.net.vn/day-hoc-thong-qua-tro-choi-la-cach-giao-duc-thiet-thuc-lay-tre-lam-trung-tam-post243057.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục