Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã và đang tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Trong lĩnh vực truyền thông – tiếp thị, Marketing số được coi là công cụ tiềm năng để nâng cao hiệu quả hoạt động marketing trong bối cảnh 4.0.
- Trường THPT Sóc Sơn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
- Ocean Edu tổ chức chuỗi hội thảo “Cùng con hạnh phúc – Thấu hiểu và đồng hành”
- HUFLIT thông báo xét học bạ bổ sung đến hết ngày 31/8
- Chi tiết những con số về quy mô đào tạo các trình độ đại học của nước ta
- Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Nhu cầu cao nhưng chất lượng nhân lực chưa đáp ứng
Bạn đang xem: Đào tạo nhân lực Marketing số ra sao để đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vân Hà – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng cho biết: Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã thay đổi cách tiếp cận và mở ra những tiềm năng phát triển mới trong lĩnh vực truyền thông – tiếp thị.
Trên cơ sở đó, Marketing số có vai trò giải quyết các bài toán thực tiễn, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng, phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp qua những chiến dịch truyền thông sáng tạo và thu hút sự chú ý của khách hàng.
Với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu lớn trên nền tảng số, Marketing số sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi, sở thích của từng khách hàng. Từ đó dễ dàng cá nhân hóa nội dung, trải nghiệm và nâng cao hiệu quả truyền thông.
Mặt khác, so với các phương pháp tiếp thị truyền thống, Marketing số thường có chi phí thấp hơn nhưng lại mang về hiệu quả cao hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách và tối ưu hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên, cô Vân Hà cho hay, ghi nhận từ thực tế cho thấy, số lượng và chất lượng nhân lực Marketing số hiện nay chưa thể đáp ứng cả yêu cầu và nhu cầu trong công việc. Hơn nữa, còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của Marketing số do thiếu kiến thức và kinh nghiệm nên chưa thể phát huy tối đa hiệu quả hoạt động marketing.
Vậy nên, việc đào tạo bài bản nhân lực Marketing số sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong xã hội hiện nay, cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ nhân sự Marketing số có kiến thức, kỹ năng và tư duy sáng tạo.
Trong tương lai, đội ngũ này sẽ góp phần áp dụng các công cụ và kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả hoạt động marketing và tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vân Hà – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng. Ảnh: NVCC
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Sáng tạo, Công ty cổ phần Clever Group đã có sự đánh giá khách quan về chất lượng nhân sự Marketing số hiện nay qua quá trình ghi nhận từ thực tế.
Theo đó, hiện nay, nguồn nhân lực chuyên ngành Marketing số khá đa dạng từ nhiều đơn vị đào tạo khác nhau, bao gồm cả đại học trong và ngoài nước, cao đẳng cùng các trung tâm đào tạo chứng chỉ liên quan, đảm bảo số lượng nhân lực dồi dào cho thị trường lao động.
Tuy nhiên, thực tế cũng ghi nhận chất lượng nhân lực chưa thực sự đồng đều giữa các nguồn cung và có sự khác biệt, chênh lệch lớn giữa nhân lực có kinh nghiệm thực chiến và chưa có kinh nghiệm, kỹ năng hoạch định chiến lược cho công việc còn hạn chế.
“Nhìn chung, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn không nhiều. Vậy nên phải đối sánh lại quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục khi kiến thức ngành học cung cấp đủ nền tảng cho sinh viên nhưng người học lại chưa biết cách ứng dụng vào thực tiễn.
Trên thực tế, còn nhiều sinh viên không để ý đến các hoạt động trong đời sống và chưa có tư duy đánh giá yếu tố marketing trong các hoạt động đó. Phần lớn sinh viên sau khi ra trường vẫn phải đào tạo lại trước khi tham gia công việc tại doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Thu Trang thông tin.
Đẩy mạnh thực hành, thực tế để trang bị kinh nghiệm thực tiễn
Với những biến động mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ thông tin, Học viện Ngân hàng chủ trương xây dựng và thiết kế chương trình đào tạo chuyên ngành Marketing số theo hướng hội nhập quốc tế để đáp ứng và thích nghi với thị trường lao động.
Theo chia sẻ từ Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vân Hà , nhà trường có sự đối sánh chương trình đào tạo với các trường đại học nổi tiếng trong và ngoài nước như Đại học Birmingham City (Birmingham City University); Đại học Coventry (Coventry University); Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Trường Đại học Thương Mại…
Theo đó, đây là những cơ sở giáo dục có nguồn nhân lực về chuyên ngành Marketing số đã được thị trường lao động chấp nhận và đánh giá cao về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Xem thêm : GVCN nhắn tin kêu HS đi học thêm, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Văn Linh nói gì?
Đối với các môn học cơ sở ngành và chuyên ngành trong chương trình được thiết kế với tỷ lệ 57.3% và đều là những môn học được lựa chọn kỹ lưỡng, phù hợp với yêu cầu về kiến thức, kĩ năng của thị trường lao động.
Các môn học đảm bảo chuẩn đầu ra có tiêu chuẩn gồm kiến thức, thái độ và kỹ năng. Trong đó tập trung phát triển các kỹ năng lập kế hoạch, triển khai và đánh giá chiến dịch Marketing số, sử dụng thành thạo các công cụ, phân tích dữ liệu và làm việc nhóm hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, nhà trường định hướng tăng cường trải nghiệm thực tế cho sinh viên qua việc mời các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực Marketing số đến chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn và xu hướng mới nhất trong lĩnh vực. Điều này giúp sinh viên có cái nhìn chân thực hơn và cập nhật nhiều thông tin về công việc thực tế.
Bên cạnh đó đẩy mạnh việc kết hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, giao bài tập, thực hiện dự án. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cùng tham gia vào quá trình đánh giá kết quả thực hiện của sinh viên, đưa ra những phản hồi và góp ý để sinh viên hoàn thiện hơn.
Về phía sinh viên sẽ được áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đồng thời rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, quản lý dự án và giao tiếp chuyên nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên, em Đỗ Thị Quỳnh Anh – sinh viên lớp K25QTKDD, chuyên ngành Marketing số, Học viện Ngân hàng cho hay, điều thú vị nhất trong quá trình học tập chính là những buổi thực hành và trải nghiệm ở các dự án thực tế.
Theo Quỳnh Anh chia sẻ, sinh viên chuyên ngành Marketing số sẽ được thực hành trên các công cụ, nền tảng marketing số, được tự tay xây dựng và chạy các chiến dịch quảng cáo nhỏ.
Nhà trường rất tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế ngành nghề như được tham gia các buổi chia sẻ, workshop của các chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực.
Ngoài ra, nhiều sinh viên đã được trường hỗ trợ và tạo cơ hội thực tập tại các công ty, tập đoàn lớn như Unilever, Viettel, FPT, các ngân hàng thương mại và cả các agency Marketing số nổi tiếng trong nước.
Đây là những cơ hội rất tốt để sinh viên được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế và xây dựng những mối quan hệ nghề nghiệp quý báu.
Sinh viên chuyên ngành Marketing số, Học viện Ngân hàng trong buổi chia sẻ cùng chuyên gia Nguyễn Hải Nam. Ảnh: NTCC
Marketing số là bộ phận nghiệp vụ riêng và cần thiết phải có tại các doanh nghiệp nói chung trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, hầu hết doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự Marketing số đều yêu cầu nhân sự có kiến thức cơ bản về marketing và nắm bắt các xu hướng mới trên thị trường, chủ động tìm hiểu cách các doanh nghiệp ứng dụng xu hướng đó để nắm bắt được các case, chiến dịch marketing nổi bật.
Bên cạnh đó, đòi hỏi kỹ năng thuyết trình tốt, phong thái tự tin và có tư duy logic, nhạy bén, dễ dàng nắm bắt những xu hướng trên mạng xã hội.
Ngoài ra, phải có sự hiểu biết về từng nhóm khách hàng, có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế.
Do đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, để đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Marketing số có đủ năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các đơn vị đào tạo cần có các hoạt động giúp sinh viên được tiếp xúc và thực thi công việc sát với thực tế.
Bên cạnh công tác giảng dạy tại trường, cần tổ chức các buổi thảo luận, bài tập nhóm sử dụng các case, các tình huống có thật trên thị trường để người học phân tích, đánh giá.
Giảng viên cần lồng ghép các buổi tham luận theo từng ngành nghề để sinh viên hiểu hành vi và tâm lý khách hàng mục tiêu. Qua đó rèn luyện khả năng hoạch định chiến lược gắn với bối cảnh thị trường biến đổi không ngừng nghỉ cùng nhiều kỹ năng tư duy logic cho sinh viên.
Xem thêm : Thấy gì từ mạng lưới hợp tác NCKH của Trưởng khoa Kế toán, ĐH Tôn Đức Thắng?
“Để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc trong thực tiễn và có mức thu nhập cao, sinh viên cần trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, kiến thức về ngành nghề kinh doanh mục tiêu theo đuổi.
Bên cạnh đó rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, ngoại ngữ, kỹ năng lập kế hoạch triển khai cũng như tạo thói quen đọc báo và cập nhật xu hướng, phong trào marketing của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
“Marketing số là bộ phận nghiệp vụ cần thiết phải có tại các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” – bà Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng phòng Sáng tạo, Công ty cổ phần Clever Group. Ảnh: NVCC
Khó khăn và thách thức trong quá trình đào tạo
Trong bối cảnh chuyển đổi số, Marketing số được coi là một ngành học triển vọng với nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vân Hà, dù có nhiều thuận lợi phát triển, việc đào tạo chuyên ngành Marketing số vẫn phải đối mặt với những thách thức và khó khăn nhất định.
Đầu tiên là khó khăn trong quá trình cập nhật kiến thức. Theo đó, vì Marketing số là một lĩnh vực phát triển với tốc độ chóng mặt nên các công cụ, nền tảng, thuật toán và xu hướng thay đổi liên tục. Điều này đòi hỏi giảng viên và chương trình đào tạo phải luôn cập nhật kiến thức, kỹ năng mới để truyền đạt cho sinh viên những kiến thức phù hợp với thực tiễn.
Thứ hai là thách thức trong việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Bên cạnh kiến thức lý thuyết, những phương pháp đánh giá khả năng thực hành, tư duy sáng tạo và kỹ năng mềm của sinh viên đòi hỏi giảng viên ngoài việc phải cập nhật kiến thức, sáng tạo trong việc thiết kế chuẩn đầu ra và phương pháp đánh giá thì còn phải nỗ lực trong việc tìm kiếm hỗ trợ của các đối tác doanh nghiệp để kết hợp đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Từ đó nâng cao tính thực tế của chương trình đào tạo.
Mặt khác, việc duy trì mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và các đơn vị doanh nghiệp cũng là một thách thức lớn. Cô Vân Hà cho hay, vì tính kinh tế và mức độ lan tỏa trong thời gian ngắn của mối quan hệ này là không cao nên nhiều doanh nghiệp chưa có chủ trương và chính sách cụ thể trong việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác là cơ sở giáo dục.
Thế nên, nhà trường còn hạn chế trong công tác tìm kiếm và kết nối doanh nghiệp để cùng đào tạo và đảm bảo đầu ra cho sinh viên.
Học viện Ngân hàng tổ chức nhiều cuộc thi để sinh viên ngành Marketing số có thể thử sức và rèn luyện các kỹ năng. Ảnh: NTCC
Để khắc phục và giải quyết những khó khăn, thách thức đó, khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng đã có những giải pháp, định hướng mới trong quá trình đào tạo.
“Chúng tôi thường xuyên rà soát và cập nhật nội dung các môn học, bổ sung những kiến thức mới nhất về công nghệ, xu hướng và công cụ marketing số, đồng thời áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích sinh viên chủ động nghiên cứu, thực hành và sáng tạo.
Ở một số học phần, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia đầu ngành qua các buổi hội thảo, tọa đàm…Nhà trường cũng rất tích cực tổ chức các cuộc thi học thuật, workshop, câu lạc bộ chuyên môn để sinh viên có cơ hội giao lưu, học hỏi và phát triển kỹ năng mềm.
Bên cạnh đó phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo liên kết, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, agency marketing số để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người học trong quá trình học tập và ngay sau khi ra trường.
Để chất lượng đào tạo ngày một nâng cao và hiệu quả hơn, trường chủ trương nâng cấp các phòng học và phòng lab, tiến tới trang bị thêm các thiết bị, phần mềm và công cụ marketing số hiện đại để sinh viên có điều kiện thực hành và trải nghiệm.
Phát triển hệ thống học liệu trực tuyến qua việc xây dựng và cập nhật thường xuyên các tài liệu học tập, video bài giảng, khóa học trực tuyến để sinh viên có thể tự học và nghiên cứu mọi lúc mọi nơi.
Ngoài ra là phát triển đội ngũ giảng viên thông qua các dự án tổ chức khóa đào tạo nâng cao và nghiên cứu khoa học nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao trình độ, có đủ khả năng ứng dụng công nghệ mới vào giảng dạy và học tập”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vân Hà chia sẻ.
Đào Hiền
https://giaoduc.net.vn/dao-tao-nhan-luc-marketing-so-ra-sao-de-dap-ung-yeu-cau-cua-thoi-dai-40-post244676.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục