Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài vào các trường đại học trong nước đang trở thành một xu hướng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo môi trường học tập quốc tế hóa cho sinh viên.
- Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024-2025
- Vì đâu nên nỗi ngành khoa học cơ bản mất sức hút từ bậc đại học trở lên?
- 70 năm thành lập ngành Giáo dục Hà Nội: Bứt phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế dẫn đầu
- Chung khảo giải thưởng “Nhà giáo Bắc Từ Liêm tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8
- Tây Ninh trao gần 300 suất quà cho bà con ở Thái Nguyên bị ảnh hưởng lũ lụt
Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng giảng viên nước ngoài đang đối mặt với nhiều thách thức về thủ tục hành chính. Để tháo gỡ những khó khăn này, nhiều chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đề xuất cần giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, bổ sung thêm các văn bản hướng dẫn dưới luật và tạo cơ chế “một cửa”.
Bạn đang xem: Cần sớm phân quyền xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài cho Bộ GDĐT
Cần lược bỏ những thủ tục hành chính rườm rà
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lương Đình Duy – Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Nha Trang cho biết, quy trình tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại trường gặp nhiều khó khăn do thủ tục phức tạp và yêu cầu hồ sơ chi tiết. Mỗi bộ hồ sơ mất từ 2 đến 4 tháng để hoàn thành, tính từ thời điểm bắt đầu chuẩn bị các giấy tờ cần thiết.
“Đối với tuyển dụng giảng viên nước ngoài ký hợp đồng lao động tại Việt Nam, quy trình đòi hỏi các bước như đăng thông tin tuyển dụng tại trung tâm việc làm, giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, xin cấp phép lao động và cuối cùng là xin thị thực (visa).
Ngoài ra, đối với giảng viên nước ngoài làm tình nguyện viên tại các cơ sở giáo dục, thủ tục xin xác nhận miễn giấy phép lao động cũng đầy trở ngại, bởi hồ sơ yêu cầu khác nhau theo từng trường hợp, thời gian xử lý kéo dài và dễ xảy ra tình trạng hồ sơ bị trả về, phải nộp lại nhiều lần. Đặc biệt, đối với những trường hợp phải nộp hồ sơ tại Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thủ tục xin xác nhận miễn giấy phép lao động phức tạp và tốn thời gian nhất trong toàn bộ quy trình”, thầy Duy thông tin.
Bên cạnh những quy định, thủ tục về việc chuẩn bị hồ sơ cho giảng viên người nước ngoài, Tiến sĩ Lê Việt Phương – Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, quy định phải giải trình lý do tại sao tuyển người nước ngoài mà không sử dụng lao động là người Việt Nam là phù hợp với các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ nhằm đảm bảo việc làm cho lao động Việt Nam tuy nhiên quy định này không thực sự phù hợp với lĩnh vực văn hóa, y tế và giáo dục.
Bởi lẽ, đặc thù nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đòi hỏi chuyên môn hóa cao, không phải là lao động phổ thông. Giảng viên người Việt Nam mặc dù đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm, tuy nhiên việc mời được giảng viên nước ngoài có chuyên môn cao, có các kết quả nghiên cứu tốt để giảng dạy không chỉ đáp ứng yêu cầu đào tạo mà còn hỗ trợ bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên trong nước của cơ sở giáo dục đại học, thúc đẩy môi trường làm việc tiên tiến, chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Lê Việt Phương – Trưởng phòng Tổ chức nhân sự, Trường Đại học Nha Trang. (Ảnh: NVCC)
Mặt khác, đội ngũ giảng viên tình nguyện viên nước ngoài tham gia giảng dạy mà cơ sở giáo dục đại học không phải trả lương đang là lực lượng hỗ trợ rất nhiều trong chuyên môn, giảm áp lực cho đội ngũ giảng viên cơ hữu. Theo thầy Phương, quy định giải trình lý do trong tuyển dụng giảng viên nước ngoài nên được xem xét lược bỏ nhằm giảm khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình tự chủ và hội nhập.
Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài rất cần thiết và quan trọng nhằm đẩy mạnh và phát triển chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế.
Đối với Việt Nam, rất nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai liên kết với các trường đại học ở nước ngoài để mời giảng viên thỉnh giảng cũng như tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Tuy nhiên các thủ tục hành chính như xin cấp phép lao động, visa…còn nhiều khâu phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí. Thêm vào đó, sự khác biệt về văn hóa và hệ thống pháp luật của từng quốc gia khiến quá trình này khó khăn hơn, làm chậm trễ quá trình tuyển dụng của nhiều cơ sở giáo dục.
Ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. (Ảnh: Thành An)
“Các yêu cầu về việc cấp giấy phép lao động và thủ tục hành chính bắt buộc các cơ sở giáo dục phải tuân thủ theo quy định của Bộ Luật lao động 2019 cùng các quy định pháp luật liên quan. Tuy nhiên, việc lược bỏ các thủ tục hành chính phức tạp là cần thiết. Theo tôi, việc “đơn giản hóa” thủ tục hành chính sẽ giúp các trường đại học tối ưu hóa thời gian và tiết kiệm chi phí, nguồn lực, miễn việc cắt giảm này không làm giảm đi tính nghiêm ngặt trong quản lý và vẫn đảm bảo đúng quy định, không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Xem thêm : Hơn 196.000 thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học Việt Nam. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần có những chính sách, cơ chế phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trong việc tuyển dụng và giữ chân các chuyên gia nước ngoài”, ông Lê Như Tiến nêu rõ.
Cần cơ chế linh hoạt và các văn bản hướng dẫn dưới luật
Điểm a, khoản 1, Điều 1, Nghị định số 70/2023/NĐ-CP quy định người lao động nước ngoài cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh – đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, việc yêu cầu kinh nghiệm làm việc là cần thiết để đảm bảo chất lượng giảng dạy và phù hợp với yêu cầu công việc nhưng nếu áp dụng cứng nhắc yêu cầu 3-5 năm kinh nghiệm cho mọi trường hợp có thể dẫn đến nhiều bất cập.
Đối với các ngành đào tạo mới, việc tìm kiếm giảng viên có đúng số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực là rất khó, thậm chí gần như không khả thi vì các ngành này mới mở nên giảng viên chưa có kinh nghiệm đào tạo tích lũy. Đồng thời, quy định cứng nhắc về kinh nghiệm cũng làm giảm sự linh hoạt trong tuyển dụng, hạn chế khả năng thu hút những chuyên gia có năng lực cao nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: NVCC)
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, theo bà Tú Anh, một trong những giải pháp quan trọng là phân loại các ngành đào tạo thành từng nhóm, từ đó áp dụng những quy định về kinh nghiệm một cách phù hợp.
“Đối với các ngành truyền thống, việc duy trì yêu cầu kinh nghiệm là cần thiết. Tuy nhiên, đối với các ngành mới nên được đánh giá linh hoạt hơn với tiêu chí xem xét trình độ học vấn, các công trình nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế.
Đồng thời, cần đa dạng hóa hình thức chứng minh kinh nghiệm, không chỉ giới hạn ở chứng chỉ hay bằng cấp của giảng viên mà nên xét thêm thư giới thiệu giảng viên nước ngoài từ các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực hay những công trình nghiên cứu đã được công bố. Việc tăng cường hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu nước ngoài sẽ mở ra cơ hội tìm kiếm các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong các lĩnh vực mới.
Cuối cùng, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về giảng viên với đầy đủ thông tin về trình độ, kinh nghiệm và các công trình nghiên cứu, điều đó sẽ giúp các trường đại học dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn ứng viên phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho hay.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Điều 71, Luật Giáo dục 2019 cũng khuyến khích việc mời nhà giáo, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là người nước ngoài. Hơn nữa, chưa có căn cứ hay hướng dẫn để đánh giá việc đáp ứng chuẩn nghề nghiệp đối với giảng viên nước ngoài.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, việc không có quy định cụ thể đang là một hạn chế lớn khiến mỗi trường đại học phải tự xây dựng tiêu chuẩn và quy trình riêng, gây khó khăn trong quản lý và đánh giá chất lượng.
Đồng thời, việc đánh giá năng lực chuyên môn của giảng viên nước ngoài cũng gặp trở ngại do sự khác biệt trong hệ thống giáo dục và tiêu chuẩn đánh giá giữa các quốc gia. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chất lượng đào tạo có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến việc mời giảng viên nước ngoài không đạt hiệu quả và không phù hợp với chương trình đào tạo của Việt Nam.
Nữ đại biểu cho rằng, Nhà nước cần ban hành thêm các quy định và văn bản hướng dẫn dưới luật để tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho quá trình tuyển dụng giảng viên nước ngoài. Đồng thời, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề xuất Nhà nước nên xem xét xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính, bao gồm hỗ trợ chi phí làm thủ tục, di chuyển và sinh hoạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng và duy trì đội ngũ giảng viên quốc tế.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, việc xây dựng một cơ chế đánh giá năng lực toàn diện cho giảng viên người nước ngoài rất quan trọng, bao gồm các yếu tố về kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm và khả năng giao tiếp.
Xem thêm : Hợp tác trường đại học – doanh nghiệp: Đôi bên cùng có lợi
Trước đây, giảng viên chủ yếu là người trong nước, nhưng trước tình hình hội nhập quốc tế hiện nay, nhu cầu tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu các phương án và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mời, quản lý và đánh giá giảng viên nước ngoài. Văn bản này nên bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy và khả năng thích ứng với môi trường giáo dục Việt Nam của giảng viên nước ngoài.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài
Tại khoản 14, Điều 7, Nghị định 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b, khoản 4, Điều 4, Nghị định 70/2023/NĐ-CP quy định về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu.
Mặc dù nghị định đã được ban hành từ năm 2020 (có hiệu lực từ 15/2/2021) nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện khiến nhiều trường gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài.
Theo đại biểu Bùi Thị An, việc phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài là một vấn đề hết sức quan trọng và cần được giải quyết một cách thấu đáo.
Việc phân quyền này sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trong quá trình tuyển dụng giảng viên nước ngoài.
Tuy nhiên, phân quyền cũng đối mặt với một số thách thức như làm thế nào để đảm bảo tính thống nhất trong việc đánh giá và công nhận bằng cấp trên toàn quốc. Điều này cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nâng cao năng lực để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch cùng với việc thực hiện công tác đánh giá một cách hiệu quả.
Trong khi đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng việc phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài là cần thiết. Bởi, điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích như tăng cường tính tự chủ cho các trường đại học, cho phép họ linh hoạt hơn trong việc tuyển dụng và lựa chọn giảng viên.
Đồng thời, việc phân quyền cũng giúp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính, từ đó đẩy nhanh quy trình tuyển dụng, nâng cao hiệu quả quản lý, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào việc xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá và cải thiện chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công, trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng và minh bạch về trình độ, kinh nghiệm, khả năng giảng dạy của giảng viên nước ngoài, đồng thời công khai rộng rãi để các trường có thể tham khảo và áp dụng.
Ngoài ra, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu chung về bằng cấp và chứng chỉ của các quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc đối chiếu và so sánh. Cuối cùng, việc tổ chức các đợt đánh giá định kỳ là cần thiết để xem xét hiệu quả của quá trình phân quyền, từ đó có thể thực hiện những điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thúy Hiền
https://giaoduc.net.vn/can-som-phan-quyen-xac-nhan-bang-cap-cua-giang-vien-nuoc-ngoai-cho-bo-gddt-post246610.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục