Categories: Giáo Dục

Trường ĐH tha thiết muốn tuyển giảng viên nước ngoài nhưng gặp nhiều vướng mắc

Published by

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng giáo dục, việc thu hút giảng viên nước ngoài đã trở thành chiến lược quan trọng của nhiều trường đại học Việt Nam. Bởi, giảng viên nước ngoài không chỉ mang những tri thức mới mẻ từ các nền giáo dục tiên tiến, khơi dậy khả năng tư duy phản biện cho sinh viên, mà còn đóng góp những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài khiến nhiều trường đại học công lập gặp khó khăn, từ các thủ tục hành chính phức tạp như xin visa, giấy phép lao động đến các chế độ đãi ngộ.

Vướng mắc trong thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài thời gian, tốn kém chi phí

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng nhận định, trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng hướng đến hội nhập quốc tế, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng giảng viên nước ngoài khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn về cả mặt thủ tục hành chính và kinh phí. Do đó, hiện nhà trường chưa mời giảng viên nước ngoài chính thức mà chỉ mới mời người nước ngoài làm tình nguyện viên giảng dạy một số ngành học trong một khoảng thời gian nhất định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo thầy Pháp, một trong những yếu tố then chốt khiến nhiều cơ sở giáo dục gặp trở ngại trong việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài là vấn đề kinh phí. Việc mời giảng viên có trình độ cao đến từ các nước phát triển thường đòi hỏi mức lương và chế độ đãi ngộ cao, chưa kể đến các khoản phụ cấp đảm bảo điều kiện làm việc cho họ. Tuy nhiên, với mức học phí hiện nay của các trường công lập tại Việt Nam, việc đảm bảo chi phí chi trả cho giảng viên nước ngoài là một bài toán khó.

Ngoài ra, đối với giảng viên nước ngoài về trường làm việc theo các dự án quốc tế thì không phải tất cả các trường đều có khả năng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các dự án quốc tế và thông thường những dự án này chỉ hỗ trợ trong một thời gian nhất định. Sau đó trường sẽ phải tự cân đối chi phí, khiến việc duy trì đội ngũ giảng viên nước ngoài trở nên khó khăn hơn.

“Một vấn đề khác khiến việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài gặp nhiều khó khăn là thủ tục hành chính và pháp lý liên quan đến việc cấp giấy phép lao động, xin visa và thực hiện các thủ tục nhập cảnh. Theo Điều 3, Nghị định 152/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 70/2023/NĐ-CP) quy định giảng viên người nước ngoài phải có ít nhất 3-5 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí giảng dạy mà họ đảm nhận tại Việt Nam để có thể xin visa và giấy phép lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều ngành học mới được mở ra, việc đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm có thể gây ra bất cập. Nhiều giảng viên nước ngoài dù có chuyên môn cao nhưng lại thiếu kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giảng dạy ở môi trường quốc tế nên không đáp ứng được yêu cầu này, gây khó khăn trong việc tuyển chọn nhân sự.

Thêm vào đó, thủ tục xin visa và giấy phép lao động hiện tại vẫn yêu cầu phải làm việc với Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Cả hai đơn vị này đều có trụ sở tại Hà Nội. Mặc dù đã có một số thủ tục có thể thực hiện online nhưng đối với những trường ở xa sẽ gặp khó khăn về thời gian di chuyển, phải chờ đợi gây tốn kém vì phát sinh thêm chi phí ăn ở, đi lại. Từ đó, các cơ sở giáo dục có thể bị ảnh hưởng đến tiến độ tuyển dụng, đặc biệt là trong những trường hợp cần mời giảng viên nước ngoài để giảng dạy trong thời gian ngắn hoặc theo dự án”, thầy Pháp nêu thực tế.

Khoản 14, Điều 7 Nghị định 152/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b, khoản 4, Điều 4 Nghị định 70/2023/NĐ-CP quy định về trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động khi: Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc sau:

– Giảng dạy, nghiên cứu;

– Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.

Mặc dù Nghị định đã có từ năm 2020, có hiệu lực từ 15/2/2021 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện khiến các trường đại học gặp khó khăn khi triển khai.

Thầy Pháp bày tỏ, nhà trường vẫn tuân thủ các quy định từ Cục Việc làm về việc cấp giấy phép lao động vì chưa có cơ chế rõ ràng về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể trực tiếp xác nhận thay cho Cục Việc làm trong trường hợp xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu. Điều này tạo ra sự chồng chéo về thủ tục và khiến nhà trường mất nhiều thời gian trong việc xử lý hồ sơ tuyển dụng.

“Mặc dù nhu cầu mời giảng viên nước ngoài ngày càng tăng cao, nhưng thực tế việc tìm kiếm và tuyển dụng giảng viên có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của nhà trường không hề đơn giản. Nhiều lĩnh vực giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam có những yêu cầu đặc thù riêng, việc tìm được giảng viên nước ngoài không chỉ có đủ chuyên môn mà còn phù hợp với văn hóa và môi trường làm việc tại Việt Nam là một thách thức lớn.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam mang lại nhiều lợi ích to lớn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường hội nhập quốc tế. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc tình trạng thủ tục hành chính rườm rà, tôi cho rằng nên phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp của giảng viên nước ngoài. Đồng thời, các trường cũng cần có những chiến lược hợp lý để cân đối tài chính và phát triển đội ngũ giảng viên quốc tế một cách bền vững”, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng bày tỏ.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng trong buổi tiếp đón và làm việc với đoàn công tác của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản nhằm trao đổi hợp tác đào tạo sau đại học. (Ảnh: Website nhà trường)

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, vấn đề lớn nhất mà các trường đại học Việt Nam đang gặp phải khi tuyển dụng giảng viên nước ngoài là thủ tục nhập cảnh và xin cấp giấy phép lao động.

Mặc dù theo quy định, giảng viên nước ngoài vào Việt Nam để giảng dạy và nghiên cứu được miễn giấy phép lao động nếu có sự xác nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng trên thực tế, việc triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, do chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết dẫn đến các trường đại học vẫn phải tuân theo quy trình phức tạp, bao gồm việc xin visa và giấy tờ từ Cục Việc làm và Cục Quản lý xuất nhập cảnh khiến cho thủ tục hành chính trở nên rườm rà và tốn nhiều chi phí. Thêm vào đó, các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ thường kéo dài thời gian, gây khó khăn cho cả cơ sở giáo dục lẫn giảng viên.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

“Chi phí tuyển dụng cũng là một yếu tố đáng quan ngại. Thông thường, chi phí để mời giảng viên nước ngoài, bao gồm chi phí đi lại, sinh hoạt và tiền lương thường sẽ cao hơn so với việc tuyển dụng giảng viên trong nước. Điều này có thể gây áp lực tài chính cho các trường đại học công lập có nguồn kinh phí hạn chế.

Ngoài ra, yêu cầu về kinh nghiệm giảng dạy từ 3 – 5 năm cũng là một rào cản đáng kể. Có thể, quy định này nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, tuy nhiên chưa thực sự phù hợp với những ngành học mới phát triển trong vài năm gần đây. Do đó, các trường đại học đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những giảng viên có đủ kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu này.

Vì vậy, để giải quyết vướng mắc cho các cơ sở giáo dục, Nhà nước nên có cơ chế điều chỉnh linh hoạt trong quy định về kinh nghiệm, phù hợp với đặc thù của từng ngành học mới. Ngoài ra, để tránh tình trạng tuyển dụng những giảng viên không đủ chất lượng hoặc không đáp ứng được kỳ vọng giảng dạy và nghiên cứu, các trường đại học cần có quy trình tuyển chọn và giám sát rõ ràng. Đơn vị mời giảng viên cần đứng ra đảm bảo về mặt pháp lý và chất lượng của giảng viên nước ngoài giúp quy trình tuyển dụng trở nên minh bạch và hiệu quả hơn”, thầy Hạ nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, thầy Hạ cho rằng, khi phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xác nhận bằng cấp và chất lượng giảng viên nước ngoài thì quy trình về mặt giấy tờ sẽ được rút gọn đáng kể, giúp giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho cả giảng viên lẫn các cơ sở giáo dục.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảng viên nước ngoài sẽ dễ dàng tiếp cận môi trường giáo dục tại Việt Nam hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Hơn nữa, việc tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên nước ngoài cũng thể hiện sự trọng dụng và khuyến khích của Việt Nam đối với nhân tài quốc tế.

“Việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại các trường đại học Việt Nam cần có sự cải thiện về cả quy trình hành chính, chính sách hỗ trợ và cơ chế quản lý. Chỉ khi các rào cản này được giải quyết, các trường mới có thể tận dụng hết tiềm năng của giảng viên nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.

Nhiều trường đại học mong muốn tuyển giảng viên nước ngoài nhưng còn gặp khó khăn về thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa: Báo điện tử Chính phủ)

Cần xây dựng văn hoá và cộng đồng nghiên cứu để thu hút giảng viên nước ngoài chất lượng cao

Còn theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài là xu hướng tất yếu trong xã hội phát triển. Với nhiều năm kinh nghiệm hợp tác với giảng viên nước ngoài, đặc biệt là với các đối tác Mỹ và Châu Âu, hiện nhà trường thường xuyên có từ 18-22 giảng viên nước ngoài.

Thầy Trung cho biết, nhà trường không gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm và chờ đợi giấy tờ theo quy định bởi khi ký kết hợp tác với cơ sở giáo dục nước ngoài, họ sẽ phân giảng viên phù hợp với tiêu chí đưa ra và giảng viên người nước ngoài phải tự chủ trong vấn đề hoàn thành giấy phép lao động, visa và các loại giấy tờ cần thiết khác.

Trong khi đó, nhiều trường đại học khác có thể gặp vướng mắc trong yêu cầu 3-5 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với ngành giảng dạy tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo thầy Trung nhà trường đã có nhiều năm hợp tác và duy trì mối quan hệ với các đối tác quốc tế uy tín, do đó, việc thu hút những giảng viên nước ngoài giàu kinh nghiệm không quá khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

“Để thu hút được nguồn nhân lực nước ngoài chất lượng cao, tôi cho rằng, các cơ sở giáo dục tại Việt Nam cần hiểu đúng về văn hoá của các nước. Bởi, giảng viên nước ngoài không chỉ tham gia giảng dạy nhằm mục đích kiếm tiền, điều quan trọng mà họ muốn tìm kiếm ở các trường đại học tại Việt Nam là môi trường làm việc hấp dẫn và có các hoạt động nghiên cứu, phát triển cộng đồng và xây dựng mối quan hệ quốc tế. Do đó, giảng viên nước ngoài không chỉ giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn tạo ra sự kết nối, hợp tác giữa các nền văn hóa và môi trường học thuật khác nhau.

Nhận thức được vấn đề này, việc của mỗi cơ sở đào tạo là không ngừng xây dựng và tạo ra văn hoá học tập, làm việc hiện đại, văn minh và gắn kết. Mặt khác, các thầy cô nước ngoài sẽ dễ bị thu hút bởi những trường đại học ở Việt Nam mà có những giảng viên nước ngoài uy tín từng làm việc. Bởi, tại các nước tiên tiến, họ xây dựng cộng đồng nghiên cứu rất tốt, nếu môi trường làm việc đủ sức hấp dẫn, họ sẵn sàng giới thiệu và chia sẻ cho những đồng nghiệp của mình.

Nhìn chung, việc tuyển dụng giảng viên nước ngoài tại các trường đại học ở Việt Nam diễn ra chưa rộng rãi, nhưng đây là xu hướng phát triển trong tương lai giúp nâng cao chất lượng giảng dạy đại học. Do vậy, nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường hấp dẫn và khẳng định vị thế uy tín tại Việt Nam. Từ đó giúp thu hút và duy trì đội ngũ giảng viên quốc tế chất lượng cao”, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.

Thu Thuỷ

https://giaoduc.net.vn/truong-dh-tha-thiet-muon-tuyen-giang-vien-nuoc-ngoai-nhung-gap-nhieu-vuong-mac-post245953.gd

This post was last modified on %s = human-readable time difference 6:37 sáng

Lê Hồng Phong

truonglehongphong.edu.vn là website chuyên về blog, tin tức, tại đây tổng hợp các thông tin hay mỗi ngày, cũng như những tin tức mới nhất, hay những thông tin, kinh nghiệm hay nhất

Published by

Bài đăng mới nhất

Phấn đấu 100% các trường học có phòng y tế riêng

Nhân viên y tế trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) khám sức khỏe…

5 phút ago

6 dấu hiệu bất thường khi mất nước và cách xử trí

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mất nước nghiêm trọng là tình trạng mất…

12 phút ago

Nữ bác sĩ thọ 103 tuổi tiết lộ bản thân sống lâu nhờ 4 điều: Bất kỳ ai cũng có thể thực hiện theo

Gladys McGarey sinh năm 1920 tại Fatehgarh, Ấn Độ. Cô là một bác sĩ, tiến…

24 phút ago

Chân xuất hiện 5 dấu hiệu bất thường này có thể thận đang

Màu da bất thường Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, thường là…

1 giờ ago

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy

Trại sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Đại học Bách khoa…

2 giờ ago

Cụ ông phá kỷ lục Guinness ở tuổi 82, có chế độ ăn uống tập luyện khiến ai cũng nể

Anh Tim cho biết, trước khi làm huấn luyện viên thể hình, anh từng làm…

3 giờ ago