Theo chia sẻ của lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên cơ hữu là người nước ngoài sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài do còn vướng mắc ở một số quy định.
Bạn đang xem: Quy định phức tạp, chưa có hướng dẫn khiến CSGDĐH không tuyển được GV nước ngoài
Đánh giá cao giảng viên nước ngoài nhưng trường muốn cũng không tuyển được
“Mặc dù nhà trường rất muốn và đã từng nỗ lực tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài nhưng cuối cùng không tuyển được” – đó là chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội khi được hỏi về công tác tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài.
Được biết, tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, hàng năm, nhà trường có các giảng viên ở một số quốc gia khác cùng tham gia thỉnh giảng. Trong đó, chỉ tính riêng nước Pháp, nhà trường đón khoảng 100 giảng viên quốc tịch Pháp về trường thỉnh giảng.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội xây dựng môi trường học tập đa văn hóa với sự tham gia giảng dạy của các giảng viên là giáo sư giàu kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển trên thế giới. (Ảnh: website nhà trường)
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội bày tỏ, sự tham gia của giảng viên người nước ngoài vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam có vai trò quan trọng, giúp sinh viên mở rộng kiến thức từ các nền văn hóa, khoa học, giáo dục khác nhau, từ đó, các em tìm hiểu, đánh giá và góp phần phát triển công tác đào tạo của nhà trường.
Cùng đánh giá về tầm quan trọng của việc có đội ngũ giảng viên cơ hữu người nước ngoài, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong xu hướng hội nhập quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay không ngừng tăng cường quốc tế hóa trong chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc tế nhằm hội nhập thị trường lao động với thế giới; đẩy mạnh công bố quốc tế; cải thiện thứ bậc xếp hạng trong khu vực và trên thế giới. Song, một trong những yếu tố có vai trò quan trọng để đạt những mục tiêu kể trên là cơ sở giáo dục đại học xây dựng được đội ngũ giảng viên cơ hữu là người nước ngoài.
“Những năm gần đây, đã có rất nhiều các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc thu hút nhà giáo nước ngoài có trình độ cao đến Việt Nam làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học. Việc cơ sở giáo dục đại học trong nước sử dụng giảng viên người nước ngoài, giáo sư, chuyên gia hàng đầu ở các trường uy tín trên thế giới sẽ là cơ hội giúp cho sinh viên tiếp cận kinh nghiệm, tri thức của thế giới và thực tiễn diễn ra trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, làm việc với giảng viên người nước ngoài, đội ngũ giảng viên trong nước cũng có cơ hội sinh hoạt học thuật chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm và thuận lợi tiếp cận phương pháp giảng dạy, kiến thức tiên tiến thế giới, tạo môi trường đa văn hóa trong cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, không chỉ có các trường đại học mang tính quốc tế, mà các trường đại học tư thục, công lập trong nước hiện nay cũng đang từng bước sử dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài và sẽ còn tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ này”, thầy Hà chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ, trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc cơ sở giáo dục đại học có được đội ngũ giảng viên cơ hữu người nước ngoài là hướng đi tất yếu đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung và nhà trường nói riêng.
Bởi, Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khi không ít tập đoàn lớn từ các quốc gia đầu tư vào Việt Nam,… Điều này đòi hỏi cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu, kỹ năng của đơn vị doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chính vì thế, khi cơ sở giáo dục đại học có được nguồn lực là đội ngũ giảng viên cơ hữu người nước ngoài với nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, đào tạo, hiểu rõ yêu cầu của các tập đoàn lớn sẽ góp phần trang bị cho sinh viên Việt Nam đạt được yêu cầu về kỹ năng trở thành công dân toàn cầu.
Quy định về tuyển dụng giảng viên người nước ngoài còn phức tạp
Thực tế hiện nay, công tác tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.
Xem thêm : Dự kiến chiều nay, 28-8, Hà Nội công bố đề minh họa kỳ thi vào lớp 10
Cụ thể, từ trước đến nay, nguyên nhân khiến Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chưa tuyển dụng được giảng viên cơ hữu là người nước ngoài do còn liên quan đến vấn đề tiền lương, chưa xây dựng được vị trí việc làm cho giảng viên người nước ngoài trong đề án vị trí việc làm, các quy định về việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài còn phức tạp.
“Nhà trường có chiến lược tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài trong thời gian tới. Điều này được cụ thể hóa bằng việc nhà trường đưa vị trí việc làm đối với giảng viên người nước ngoài vào đề án vị trí việc làm của nhà trường”, thầy Hiếu cho biết.
Chia sẻ thực tế tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Hà cho biết: “Ngay từ giai đoạn đầu thành lập trường, nhà trường có những chương trình liên kết đào tạo sau đại học. Qua đó đã giúp nhà trường có điều kiện làm việc với đội ngũ giảng viên người nước ngoài. Nhà trường rất quan tâm đến việc phát triển đội ngũ giảng viên người nước ngoài, cụ thể là đã từng có giai đoạn nhà trường đưa vào kế hoạch chiến lược phát triển chỉ tiêu tỷ lệ đội ngũ giảng viên cơ hữu là người nước ngoài. Tuy nhiên, nhà trường gặp một số rào cản, khó khăn trong thủ tục xin giấy phép lao động (thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài, việc hợp pháp hóa lãnh sự bằng cấp, giấy xác nhận kinh nghiệm,…)”.
Bên cạnh đó, theo thầy Hà, việc tuyển dụng giảng viên người nước ngoài còn bị “tắc nghẽn” vì quy định phải nằm trong đề án vị trí việc làm của nhà trường và nhà trường phải giải trình vì sao không sử dụng lao động là người Việt Nam thay cho việc tuyển dụng người nước ngoài cũng là câu chuyện khó đối với cơ sở đào tạo.
Cùng gặp khó khăn như Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trong tuyển dụng giảng viên người nước ngoài, thầy Đăng chia sẻ, hiện nhà trường chưa tuyển dụng được giảng viên cơ hữu là người nước ngoài, chủ yếu chỉ mời giảng viên người nước ngoài đến trường để thỉnh giảng.
“Để tuyển dụng giảng viên người nước ngoài, nhà trường phải có quy hoạch về vị trí việc làm cho giảng viên người nước ngoài. Ngoài ra, nhà trường cũng phải chứng minh vì sao vị trí việc làm này lại không tuyển dụng giảng viên Việt Nam mà cần phải tuyển dụng giảng viên người nước ngoài.
Chưa kể, đối với giảng viên cơ hữu là người nước ngoài, nhà trường không thể trả lương theo hệ thống thang bảng lương theo quy định chung như hiện nay mà phải có chế độ riêng. Để có được chế độ này thì phải xây dựng chính sách thu hút”, thầy Đăng cho hay.
Còn theo thầy Hiếu, xây dựng vị trí việc làm là yêu cầu bắt buộc để nhà trường có thể tuyển dụng và ký hợp đồng đối với giảng viên cơ hữu là người nước ngoài. Do đó, việc chưa xây dựng vị trí việc làm cho giảng viên người nước ngoài là một rào cản lớn để thực hiện việc tuyển dụng. Đây là cũng là yêu cầu bắt buộc khi các cơ sở giáo dục đại học xin giấy phép lao động cho giảng viên người nước ngoài.
“Hy vọng, trong thời gian tới, Luật Nhà giáo ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các cơ sở giáo dục đại học cụ thể hóa đề án vị trí việc làm”, thầy Hiếu bày tỏ.
Ngoài khó khăn trong xây dựng vị trí việc làm, thầy Hà cho biết thêm, Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, quy định: cá nhân ký kết hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.
Và Khoản 1, Điều 10, Nghị định 111/2022/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quyền, nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ có nêu: “Việc xếp lương tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Những quy định trên gây khó cho nhà trường khi ký kết hợp đồng lao động đối với giảng viên người nước ngoài như: Giảng viên người nước ngoài phải đảm bảo tiêu chuẩn của vị trí việc làm giảng viên cơ hữu của nhà trường. Vậy, những tiêu chuẩn điều kiện về các chứng chỉ bồi dưỡng hành nghề giảng viên có bắt buộc đối với giảng viên cơ hữu là người nước ngoài; việc trả lương phải tương ứng với vị trí việc làm của giảng viên cơ hữu sẽ khó cạnh tranh trong tuyển dụng; giảng viên người nước ngoài phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
Do phải đối mặt với những khó khăn trên nên hiện nay Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ dừng lại ở việc cộng tác với giảng viên người nước ngoài để thỉnh giảng, hoặc tham gia nghiên cứu khoa học chứ chưa ký kết hợp đồng lao động, tuyển dụng vào đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường.
Nguồn ảnh: website Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ, yêu cầu về kinh nghiệm làm việc của ứng viên người nước ngoài muốn giảng dạy tại trường đại học phải có từ 3-5 năm kinh nghiệm chuyên môn. Quy định này cũng đang gây khó cho các trường đại học.
Xem thêm : Trường phổ thông chỉ ra lý do học sinh thay đổi tổ hợp môn học và cách hạn chế
Thầy Hà cũng cho biết, thực tế là các trường luôn muốn tuyển dụng những giáo sư, chuyên gia nổi tiếng, có nhiều năm kinh nghiệm. Do đó, với những vị trí giảng viên nước ngoài muốn giảng dạy tại trường đại học không cần quy định về kinh nghiệm chuyên môn đối với giảng viên người nước ngoài, đặc biệt là các trường đại học tự chủ.
Trong khi đó, theo thầy Hiếu, việc yêu cầu ứng viên người nước ngoài muốn giảng dạy tại trường đại học phải có từ 3-5 năm kinh nghiệm chuyên môn nhằm đảm bảo các cơ sở giáo dục đại học tuyển dụng được giảng viên có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực, ngành nghề mà nhà trường đang đào tạo. Tuy nhiên, quy định này cũng sẽ bất cập đối với thực tế hiện nay, khi khoa học công nghệ đang phát triển từng ngày và đang tạo ra nhiều ngành học mới, dẫn đến khó khăn cho việc tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài.
Mặt khác, thầy Đăng cho biết, yêu cầu kinh nghiệm làm việc của giảng viên người nước ngoài phải có từ 3-5 năm kinh nghiệm chuyên môn cũng là khó khăn đối với nhà trường. Bởi, nhiều khi việc chứng minh thâm niên công tác, kinh nghiệm của giảng viên ở nước ngoài có phần đơn giản hơn, còn ở Việt Nam, những giấy tờ chứng minh đó chưa đủ, hoặc chưa hợp lệ, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ quan công quyền.
“Gần đây, nhà trường đã tiến hành làm các thủ tục để tuyển dụng 1 giảng viên người nước ngoài nhưng thực sự các quy định hiện nay quá rắc rối. Ví dụ như yêu cầu phải trình bày được đề án vị trí việc làm, trong đó miêu tả cụ thể vị trí đó như thế nào, cung cấp thông tin của giảng viên người nước ngoài, chứng minh ở Việt Nam chưa có giảng viên nào có thể đảm nhận vị trí việc làm đó nên mới tuyển dụng giảng viên người nước ngoài,…
Chưa kể, sau khi chứng minh được những yêu cầu trên, nhà trường còn phải làm rõ được việc giảng viên này có 3-5 năm kinh nghiệm giảng dạy. Tuy nhiên, trên thực tế, 1 giảng viên có thể chỉ cần 2-3 năm kinh nghiệm vẫn có thể giảng dạy tốt. Mặc dù nhà trường đã rất nỗ lực nhưng do thủ tục quá rườm rà nên cuối cùng không tuyển dụng được giảng viên cơ hữu là người nước ngoài”, thầy Đăng chia sẻ.
Kiến nghị có thông tư hướng dẫn, gỡ khó trong tuyển dụng giảng viên người nước ngoài
Theo Khoản 14, Điều 7, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP quy định, với trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm trường hợp được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc: giảng dạy, nghiên cứu; Làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.
Hiểu theo quy định trên, nếu giảng viên người nước ngoài vào Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận thì các cơ sở giáo dục đại học sẽ không gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính xin cấp giấy phép lao động, cũng như thủ tục nhập cảnh cho giảng viên người nước ngoài ở Việt Nam.
Theo chia sẻ của lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, quy định này sẽ “cởi trói” cho các trường trước những khó khăn trong tuyển dụng giảng viên người nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều đang lúng túng trong việc triển khai.
Thầy Hà chia sẻ: “Hy vọng sớm có hướng dẫn cụ thể về thực hiện Khoản 14, Điều 7, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP. Từ đó, giúp nhà trường tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng giảng viên cơ hữu là người nước ngoài”.
Cùng bàn về nội dung này, thầy Đăng cho rằng, đối với cơ sở giáo dục đại học, việc mời giảng viên người nước ngoài đến thỉnh giảng khá dễ dàng, nhưng để tuyển dụng giảng viên nước ngoài trở thành giảng viên cơ hữu của nhà trường thì phải tuân thủ các quy định pháp luật. Mong muốn của nhà trường là có thông tư hướng dẫn thực hiện Khoản 14, Điều 7, Nghị định số 152/2020/NĐ-CP và Nghị định số 70/2023/NĐ-CP để nhà trường có thể thu hút được giảng viên người nước ngoài có đủ năng lực, trình độ về trường công tác dài hạn, làm giảng viên cơ hữu.
“Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có các ngành đào tạo về khoa học, công nghệ. Do đó, việc học tập những nước có nền khoa học tiên tiến trong lĩnh vực khoa học, công nghệ là điều đương nhiên. Hơn nữa, nhà trường cũng có một số ngành đào tạo nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghệ cao,… trong đó có những ngành rất khó tìm được đội ngũ giảng viên giỏi ở Việt Nam tham gia vào công tác đào tạo, ví dụ như ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh (trình độ đào tạo từ đại học đến tiến sĩ),… Chính vì thế, việc hướng đến đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong tuyển dụng giảng viên cơ hữu người nước ngoài luôn là mong muốn của nhà trường”, Phó Hiệu trưởng bày tỏ.
Đồng tình với những ý kiến trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nêu quan điểm, theo quy định của nhà nước, để có thể ký hợp đồng với giảng viên là người nước ngoài (làm việc dài hạn, trên 3 tháng) thì người lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động để nộp đơn xin thị thực dài hạn.
Tuy nhiên, hiện nay việc xác nhận từ Bộ Giáo dục và Đào tạo còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hành lang pháp lý để thực hiện. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học tốn rất nhiều thời gian cũng như khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính để xin giấy phép lao động cho giảng viên người nước ngoài.
“Tôi nhận thấy, cần ban hành thông tư hướng dẫn, trong đó nêu rõ phân quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các công việc giảng dạy, nghiên cứu. Bởi, có hướng dẫn cụ thể thì đội ngũ giảng viên cơ hữu là người nước ngoài trong cơ sở giáo dục đại học sẽ tăng lên đáng kể so với hiện nay, từ đó cũng giúp nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế”, thầy Hiếu đề xuất.
Ngọc Mai
https://giaoduc.net.vn/quy-dinh-phuc-tap-chua-co-huong-dan-khien-csgddh-khong-tuyen-duoc-gv-nuoc-ngoai-post246467.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on %s = human-readable time difference 7:34 sáng
Trại sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Đại học Bách khoa…
Anh Tim cho biết, trước khi làm huấn luyện viên thể hình, anh từng làm…
Bệnh nhân tiểu đường có ăn được cá hồi không?Cá hồi, một loại thực phẩm…
Xiaomi đã âm thầm tung ra bản cập nhật HyperOS 2 mới nhất. Công ty…
Đau thắt ngực là tình trạng tương đối phổ biến, là tình trạng đau ngực…
Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng và chảy máu Nguyên nhân gây chảy máu…