Xã hội với tốc độ phát triển ngày càng tăng, con người cũng phải đối mặt với những áp lực tâm lý thường xuyên hơn. Không chỉ trong môi trường làm việc, mà ngay cả ở lứa tuổi học sinh cũng xuất hiện nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Điều này đòi hỏi ngành Tâm lý học giáo dục cần được quan tâm, chú trọng và nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Nhu cầu tư vấn tâm lý học đường được dự báo tăng mạnh trong những năm tới đây, mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục.
Bạn đang xem: Ngành Tâm lý học giáo dục có gì khác so với ngành Tâm lý học?
Phân biệt giữa ngành Tâm lý học và Tâm lý học giáo dục
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, khoảng 30 năm trước, tại nước ta, nhận thức của xã hội về ngành Tâm lý học còn rất hạn chế. Nhiều người thậm chí không biết tâm lý học là gì và vẫn thường nhầm lẫn với triết học.
Trong khi đó, tại các quốc gia và xã hội phát triển, ngành Tâm lý học đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ là một trong những lĩnh vực khoa học, tâm lý học còn là nền tảng thiết yếu cho việc bảo vệ sức khỏe tinh thần của con người. Con người có hai loại sức khỏe: sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Sức khỏe thể chất được chăm sóc bởi các bác sĩ, trong khi sức khỏe tâm thần được đảm nhận bởi các chuyên gia và bác sĩ tâm lý.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ của xã hội, đời sống kinh tế được nâng cao và nhận thức của người dân ngày càng mở rộng, ngành Tâm lý học nói chung và ngành Tâm lý học giáo dục nói riêng đang đóng vai trò quan trọng và có xu hướng phát triển mạnh mẽ.
Tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục.
Về điểm tương đồng, Tiến sĩ Hoàng Trung Học nhận định, cả ngành Tâm lý học và Tâm lý học giáo dục đều có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia nghiên cứu, can thiệp, đánh giá và chẩn đoán để hỗ trợ tâm lý cho con người, đảm bảo cuộc sống con người vui vẻ và hạnh phúc.
Về điểm khác biệt, ngành Tâm lý học cung cấp kiến thức tổng quát về tâm lý nhằm nghiên cứu và can thiệp cho cộng đồng nói chung. Trong khi đó, ngành Tâm lý học giáo dục không chỉ tập trung vào việc giảng dạy và nghiên cứu tâm lý, mà còn tập trung vào ứng dụng của nó trong môi trường học đường.
Mục tiêu chính của tâm lý học giáo dục là bảo vệ sức khỏe và tinh thần của đối tượng dưới 25 tuổi, bao gồm học sinh và sinh viên. Do đó, các chuyên gia tâm lý giáo dục thường làm việc tại các trường học, trung tâm can thiệp, trung tâm giáo dục đặc biệt và các trung tâm hỗ trợ kỹ năng sống cho thanh thiếu niên.
Cùng so sánh về hai ngành học, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang – Phụ trách bộ môn Tâm lý học giáo dục, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quy Nhơn chia sẻ, ngành Tâm lý học giáo dục nghiên cứu về tinh thần và hành vi của con người trong môi trường giáo dục. Nói một cách đơn giản, tâm lý học giáo dục cung cấp kiến thức chuyên sâu về tâm lý học và cách ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục.
“Tâm lý học giáo dục là một nhánh của tâm lý học. Trong khi tâm lý học nghiên cứu một cách rộng rãi về tâm lý, bao gồm nhiều lĩnh vực như tâm lý học quản trị, tâm lý học phát triển, thì tâm lý học giáo dục tập trung vào việc áp dụng tâm lý học trong giảng dạy, giáo dục và các môi trường học tập”, cô Trang cho hay.
Cơ hội việc làm rộng mở do nhu cầu hỗ trợ tâm lý ngày càng tăng
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, vấn đề khó khăn tâm lý mà học sinh gặp phải hiện đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ phía phụ huynh và xã hội. Do đó, nhu cầu hỗ trợ tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, đặc biệt là trẻ em khuyết tật cũng ngày càng gia tăng.
Xem thêm : Điểm chuẩn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, cao nhất 28,5 điểm
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác tâm lý và công tác xã hội trong trường học. Đặc biệt, Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh tại các trường phổ thông và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học đã được áp dụng trong 6-7 năm qua.
Những thông tư này đã thiết lập hành lang pháp lý cho hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội tại trường học, từ đó nâng cao hiệu quả trong việc tư vấn và hỗ trợ học sinh. Đồng thời, chúng cũng góp phần tạo ra một mạng lưới hỗ trợ học sinh trước những nguy cơ gặp phải khó khăn về tâm lý và xã hội trong học tập và cuộc sống.
Vì vậy, cô Trang khẳng định rằng cơ hội nghề nghiệp trong ngành Tâm lý học giáo dục sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng cho vị trí tư vấn tâm lý và can thiệp trẻ khuyết tật đang ở mức rất cao. Chỉ cần tìm kiếm trên Google, người học sẽ thấy nhiều thông tin tuyển dụng từ các trung tâm, doanh nghiệp tìm kiếm giáo viên can thiệp cho trẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang – Phụ trách bộ môn Tâm lý học giáo dục, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: NVCC.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang, khi tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục, sinh viên có thể làm việc ở một số vị trí như tư vấn tâm lý học đường, thực hiện công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chuyên viên đánh giá tâm lý và can thiệp một số rối loạn tâm lý, làm việc trong các trung tâm can thiệp tâm lý, bệnh viện, viện sức khỏe tâm thần.
Một số công việc khác sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận như cán bộ nghiên cứu tâm lý học tại các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội như ủy ban dân số, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, truyền thông; nhân viên các dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần, phát triển cộng đồng của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.
Không chỉ vậy, sinh viên tốt nghiệp còn có thể trở thành giảng viên dạy tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ thêm, trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục tại Trường Đại học Quy Nhơn có tỷ lệ việc làm khá cao, đặc biệt là trong lĩnh vực can thiệp trẻ em. Nhiều sinh viên đã chọn cách tự tạo cơ hội việc làm cho bản thân thay vì chờ được tuyển dụng vào các doanh nghiệp. Một sinh viên vừa tốt nghiệp lớp của cô Trang đã quyết định từ chối lời mời giảng dạy kỹ năng mềm tại một trường cao đẳng (sau khi vượt qua vòng phỏng vấn) để nhận công việc can thiệp trẻ tại nhà. Trung bình, sinh viên này thực hiện 3-4 ca mỗi ngày, với thu nhập từ 10-12 triệu đồng mỗi tháng.
“Mức lương sẽ phụ thuộc vào vị trí công việc, dao động từ 6-10 triệu đồng. Tuy nhiên, trong những năm đầu, ngoài việc hướng đến thu nhập, việc tích lũy kinh nghiệm và cơ hội phát triển bản thân cũng rất quan trọng. Do đó, vấn đề lương không nên được đặt nặng quá khi sinh viên còn trẻ và còn nhiều điều cần học hỏi”, giảng viên phụ trách bộ môn Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Quy Nhơn chia sẻ.
Sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục, Trường Đại học Quy Nhơn thực tập tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm. Ảnh: NTCC.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho biết, chuẩn đầu ra cho sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục nhằm phục vụ cho công tác tham vấn học đường tại các trường học. Vị trí này được mô tả rõ trong Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Hiện nay, đội ngũ chuyên gia tham vấn học đường đang thiếu hụt trầm trọng trong các trường học. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vai trò như đánh giá, phòng ngừa, hỗ trợ tâm lý, tư vấn hướng nghiệp và tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại trường học. Ngoài ra, các bạn có khả năng làm việc tại mọi trung tâm và trường học giáo dục đặc biệt, cũng như các trung tâm can thiệp cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt.
Bên cạnh đó, các trung tâm can thiệp trị liệu, các công ty giáo dục về giá trị sống, kỹ năng sống, hoặc các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động trải nghiệm giáo dục cho học sinh trong nhà trường cũng là nơi làm việc lý tưởng cho cử nhân ngành Tâm lý học giáo dục.
Tố chất, kỹ năng cần có để trở thành chuyên gia tâm lý học giáo dục
Xem thêm : Giáo dục Cao Bằng cần lấy nâng cao dân trí là mục tiêu thực tế, thực chất nhất
Tâm lý học giáo dục là ngành khá đặc thù, chuyên nghiên cứu về tinh thần và hành vi của con người trong môi trường giáo dục. Vì vậy, để trở thành một chuyên gia nghiên cứu tâm lý giỏi, đòi hỏi sinh viên cần trang bị cho bản thân những kỹ năng, phẩm chất phù hợp.
Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ, nếu sinh viên mong muốn làm việc tại các cơ sở y tế như bệnh viện hay trung tâm can thiệp trị liệu, thì khả năng đánh giá và chẩn đoán, phòng ngừa các vấn đề tâm lý cũng như khả năng tư vấn và điều trị tâm lý là rất cần thiết.
Nếu sinh viên hướng đến làm việc trong nhà trường, kỹ năng đánh giá, sàng lọc và lập kế hoạch phòng ngừa các vấn đề tâm lý, tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát triển giá trị sống và kỹ năng sống, cũng như năng lực tư vấn tâm lý và hướng nghiệp cần được chú trọng.
Nếu sinh viên muốn làm việc tại các trung tâm can thiệp trị liệu cho trẻ em, cần trang bị khả năng đánh giá, chẩn đoán, năng lực can thiệp, trị liệu tâm lý và giáo dục đặc biệt.
Nếu sinh viên tốt nghiệp công tác trong các tổ chức đoàn thể, thì năng lực đánh giá tâm lý, phòng ngừa tâm lý và thiết kế các chương trình kết nối nguồn lực để hỗ trợ tâm lý cho trẻ em và các đối tượng liên quan trong cộng đồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Theo Tiến sĩ Hoàng Trung Học, ngành Tâm lý học giáo dục tại Học viện Quản lý Giáo dục đào tạo bậc cử nhân đã trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản cần thiết. Sau khi ra trường, tùy thuộc vào đặc điểm công việc và vị trí nghề nghiệp của mình, các bạn có thể lựa chọn hướng đi phù hợp và hình thành năng lực chuyên sâu về lĩnh vực đó.
Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Trang nhấn mạnh rằng sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục nên tích lũy cho mình những kỹ năng và thái độ như: khả năng lắng nghe, cảm thông, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, sự kiên trì, tôn trọng và tinh thần cầu tiến trong học hỏi, cũng như tính kiên nhẫn, để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc thực tế.
Sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục thực hành môn học chuyên ngành. Ảnh: NTCC.
Là cựu sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục tại Trường Đại học Quy Nhơn, bạn Châu Bình Nhi, hiện đang làm công tác tham vấn tâm lý tại Trường Trung học phổ thông FPT Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ, ngoài việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, bạn còn phụ trách thêm các công tác liên quan đến dịch vụ học sinh, một lĩnh vực khá mới so với kiến thức đã học ở trường.
Bình Nhi cho biết, những kiến thức lý thuyết ở trường cung cấp nền tảng cho thực tiễn. Mặc dù sinh viên được thực hành để làm quen với phong cách của nhà tham vấn và áp dụng các kỹ năng trong quá trình tham vấn, nhưng trong thực tế, các trường hợp tiếp nhận không giống như tình huống đã thực tập ở trường. Bởi mỗi cá nhân là một câu chuyện riêng, với những nét đặc trưng khác nhau. Do đó, Bình Nhi càng phải nỗ lực học hỏi, rèn luyện mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Cùng với những thay đổi trong đời sống xã hội, tầm quan trọng của sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần ngày càng được chú trọng. Sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học giáo dục sẽ không quá khó khăn trong quá trình tìm việc làm. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo tại trường, sinh viên không chỉ học một lĩnh vực duy nhất mà còn được trang bị nhiều kỹ năng để đáp ứng yêu cầu từ nhà tuyển dụng.
“Đối với nghề tham vấn tâm lý, hạn chế lớn nhất với sinh viên mới ra trường là thiếu kinh nghiệm để đáp ứng nhu cầu của thân chủ. Tuy nhiên, điều này không phải khó khăn cản trở, mà là yêu cầu các bạn cần vượt qua để tích lũy thêm kinh nghiệm trong công việc”, nữ chuyên viên tâm lý tại Trường Trung học phổ thông FPT Quy Nhơn chia sẻ.
Theo Bình Nhi, sinh viên sắp tốt nghiệp nên chú trọng học tập tốt các kiến thức trên giảng đường và kỹ năng tin học văn phòng. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, các bạn cần trang bị thêm kiến thức thực tế. Nếu có thể, việc tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn liên quan đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai sẽ rất hữu ích.
Bích Ngọc
https://giaoduc.net.vn/nganh-tam-ly-hoc-giao-duc-co-gi-khac-so-voi-nganh-tam-ly-hoc-post245901.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on Tháng mười 9, 2024 9:43 sáng
Bạn đang tìm kiếm những mẫu Background đẹp, nhẹ nhàng để làm nền cho thiết…
Asta là một nhân vật hỗ trợ quan trọng trong Honkai Star Rail, nổi bật…
"Golden maknae" - Em út vàng Jeon Jungkook của nhóm nhạc BTS nhận được rất…
Samsung is a brand that has been established for many years and has built a…
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nơi phản ánh mọi cảm xúc từ vui…
Nhân Mã hay Cung thủ có tên tiếng Anh là Sagittarius với biểu tượng là…