Theo chia sẻ từ một số đại diện khoa tại các trường đại học đào tạo ngành Kiến trúc, mặc dù đứng trước sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, thế nhưng, nhu cầu của người học và nhu cầu tuyển dụng của các nơi sử dụng lao động vẫn không có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Xã hội rất cần nguồn lực kiến trúc sư có chất lượng cao
Bạn đang xem: Ngành Kiến trúc thu nhập tốt nhưng khắc nghiệt, cần nhân lực chất lượng
Trao đổi về tầm quan trọng của việc đào tạo ngành Kiến trúc trong bối cảnh hiện nay với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tú – Thành viên hội đồng trường, Trưởng Bộ môn Kiến trúc – Quy hoạch (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) bày tỏ, dù ở bất kỳ quốc gia và thời đại nào, kiến trúc luôn là một ngành nghề hoạt động song hành với sự phát triển của con người. Bởi, nó không chỉ góp phần kiến tạo nên những không gian thoả mãn các hoạt động của con người mà còn góp phần định hướng và đưa ra đề xuất mới trong việc phát triển về các cách thức hoạt động và thẩm mỹ của con người.
Chính vì vậy, xã hội luôn có nhu cầu về nguồn nhân lực kiến trúc sư chuyên nghiệp có kiến thức và kinh nghiệm để phục vụ các mục đích này.
Sinh viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (Ảnh: NTCC).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Kiến trúc (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), ngành Kiến trúc cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu về xây dựng cho con người.
Trong bối cảnh dân số tăng, đô thị hóa nhanh chóng, và kinh tế liên tục tăng trưởng ở Việt Nam khiến nhu cầu nhân lực ngành Kiến trúc hiện nay đang rất nhân lực chất lượng cao.
Chính vì vậy, sứ mệnh của việc đào tạo kiến trúc sư lại càng trở nên quan trọng, nhằm đáp ứng đủ được yêu cầu xã hội cả về số lượng và chất lượng đội ngũ. Có thể nói rằng, ngành Kiến trúc vẫn luôn giữ được độ “hot” trong suy nghĩ và lựa chọn ngành nghề theo học của các bạn trẻ.
Cùng bàn về tầm quan trọng của ngành Kiến trúc hiện nay, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Vinh Quang, Giảng viên khoa Kiến trúc – Công trình (Trường Đại học Phương Đông) bày tỏ, các công trình kiến trúc đều là những hạt nhân không thể thiếu được trong mỗi đô thị, thậm chí có thể đại diện đánh dấu phong cách, hình thái đô thị trong mỗi giai đoạn lịch sử của xã hội. Hơn nữa, công trình kiến trúc nổi bật sẽ biểu hiện rõ nét tình hình kinh tế – xã hội, văn hóa và môi trường ở mỗi quốc gia.
Chính vì vậy, có thể nói rằng, ngành Kiến trúc luôn có tầm quan trọng đặc biệt trong mỗi giai đoạn phát triển của xã hội.
Làm sao để việc đào tạo kiến trúc sư thích ứng được với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, trong thời gian gần đây, việc áp dụng công nghệ AI và robot trong công việc đang thực sự trở thành trào lưu trên toàn cầu không chỉ riêng trong ngành thiết kế kiến trúc mà còn ở nhiều ngành khác.
Có thể thấy, công nghệ hiện đại đã đóng góp và hỗ trợ rất nhiều cho quá trình hành nghề kiến trúc hiện nay như giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, kinh tế; giúp hình thành thế hệ kiến trúc sư năng động và vẽ nên bức tranh đa dạng trong hoạt động kiến trúc. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ đã trở thành một điều kiện quan trọng cũng như nhu cầu cấp thiết mà mỗi người học kiến trúc cần phải được tạo điều kiện trang bị nhằm đáp ứng được xu thế của thời đại.
Sinh viên khoa Kiến trúc – Công trình, Trường Đại học Phương Đông (Ảnh: Website nhà trường).
Để đáp ứng sự phát triển và thay đổi này, Trường Đại học Phương Đông đã và đang đổi mới, xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, linh hoạt theo định hướng thực hành, đa dạng các phương pháp giảng dạy, …
Ngoài các kiến thức cơ bản về chính trị, khoa học tự nhiên, kinh tế, xã hội, phương pháp nghiên cứu,… chương trình đào tạo kiến trúc sư của trường luôn hướng tới mục tiêu đào tạo người học có kỹ năng cao về năng lực tự nghiên cứu, cập nhật, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn một cách hiệu quả nhất; Nội dung chương trình học cũng bao gồm nhiều môn học hiện đại đảm bảo các kiến thức bổ trợ quan trọng như ứng dụng công nghệ – kỹ thuật số trong kiến trúc, quản lý hệ thống thông tin công trình, quản lý hồ sơ số, ứng dụng công nghệ trong thiết kế kiến trúc.
Bên cạnh đó, khoa và nhà trường cũng luôn chú trọng tổ chức các chương trình Workshop, tọa đàm, hội thảo khoa học mang tính thực tế, giúp cho sinh viên được tiếp cận kiến thức thực hành hiệu quả, thúc đẩy vấn đề ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực phát triển kiến trúc đô thị, đảm bảo rằng mỗi kiến trúc sư do nhà trường đào tạo ra sẽ tự tin tham gia hiệu quả vào các dự án thực tế trong xã hội ngay sau khi tốt nghiệp.
Còn theo Tiến sĩ Phạm Anh Tú, sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của AI và robot hiện nay đang góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến hoá của loài người lên tầm cao mới. Trong môi trường học thuật về kiến trúc, việc sử dụng AI và robot vào trong nghiên cứu và học tập ngày càng nhiều.
Xem thêm : Tỷ lệ điểm học bạ xét tốt nghiệp nên dưới 50% để học sinh có động lực thi
Hơn nữa, hiện nay đã có rất nhiều công ty thiết kế kiến trúc đang ứng dụng AI và robot vào trong các hoạt động thiết kế của họ. Và việc ứng dụng các công nghệ này đã chứng minh rằng sẽ mang lại hiệu quả tích cực và to lớn cho các hoạt động kể trên.
Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra những thách thức đối với ngành Kiến trúc khi ứng dụng AI, robot vào các hoạt động học thuật và sản xuất và có những quan ngại về tình trạng AI và robot có thể thay thế các công việc của con người và dẫn đến tình trạng con người có thể sẽ thiếu việc làm trong tương lai. Ngoài ra, mức độ tin tưởng về các thông tin mà AI cung cấp hiện còn ở mức chưa cao. Vì vậy, cần có những nghiên cứu chuyên sâu nhằm đề xuất được những phương pháp tối ưu trong sử dụng công cụ trên.
Để đáp ứng sự phát triển, thay đổi của trí tuệ nhân tạo như vậy trong bối cảnh như hiện nay, Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã tổ chức những hội thảo nhằm lấy ý kiến của các giảng viên về ứng dụng AI trong công tác giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên tại Khoa.
Kết quả đạt được qua những hội thảo này cho thấy, đa phần các ý kiến đều ủng hộ việc ứng dụng AI vào công tác giảng dạy và học tập. Ngoài ra, các giảng viên cũng cho nhiều ý kiến đóng góp có giá trị cao trong những phương pháp ứng dụng để phát huy những điểm mạnh của AI và để khống chế những vấn đề tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình ứng dụng công cụ này.
Ngoài ra, khoa cũng đã triển khai các khoá “AI Training” cho các giảng viên để hiểu và có kỹ năng sâu hơn về việc ứng dụng AI trong giảng dạy và học tập. Kết quả, hầu hết các giảng viên đều đã có thể ứng dụng một cách hiệu quả công cụ này vào công tác dạy học và nghiên cứu của mình.
Không những vậy, có nhiều giảng viên của khoa còn có công ty kiến trúc và xây dựng riêng với việc ứng dụng AI trong các hoạt động thiết kế các công trình thực tế đang diễn ra rất hiệu quả; một số giảng viên đã trở thành chuyên gia trong vấn đề này, …
Còn theo Phó Giáo sư Nguyễn Anh Tuấn, trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện bất ngờ và mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trong thiết kế kiến trúc được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong công nghệ học máy, phân tích dữ liệu lớn và các công nghệ AI đang hiện hữu khác.
Sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (Ảnh: NTCC).
Trước sự phát triển nhanh chóng như vậy của công nghệ, yêu cầu về chất lượng của sản phẩm tư vấn kiến trúc tất yếu cũng đang tăng cao mạnh mẽ, đòi hỏi ở người kiến trúc sư ngày càng phải có nhiều kiến thức và kỹ năng đặc biệt mới như kỹ năng đồ họa, BIM, vận dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, AI… Điều này đã đặt ra các thách thức lớn cho việc đào tạo ngành Kiến trúc khi vừa phải đảm bảo kiến thức chuyên môn, vừa trang bị đủ kỹ năng cho kiến trúc sư khi ra trường.
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, việc đào tạo kiến trúc sư đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử: thay đổi như thế nào để đáp ứng các tiến bộ công nghệ mà vẫn giữ được sự sáng tạo và tính nghệ thuật của ngành? Điều này hiện nay còn quá mới mẻ và dường như chưa có một lối đi nào được coi là chắc chắn đúng, đặc biệt là khi AI có tiềm năng cách mạng hóa quy trình thiết kế kiến trúc nhưng có một số thách thức cần được giải quyết trước khi có thể tích hợp sâu hơn vào quy trình thiết kế.
Những thách thức này đã nêu bật nhu cầu tiếp tục nghiên cứu và phát triển AI cũng như sự hợp tác giữa các chuyên gia AI và kiến trúc sư cùng các đơn vị đào tạo.
Công tác tuyển sinh luôn thuận lợi, tỷ lệ sinh viên có việc làm tương đối cao
Theo chia sẻ từ thầy Phạm Anh Tú, những năm gần đây, công tác tuyển sinh ngành Kiến trúc của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng luôn ổn định và đạt mức xấp xỉ 100% chỉ tiêu tuyển sinh.
Hơn nữa, cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành học này của trường cũng tương đối cao với khoảng 90% sinh viên có việc làm sau 06 tháng tốt nghiệp (theo thống kê thực tế thường niên của nhà trường qua bảng thu thập ý kiến của cựu sinh viên).
Sinh viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (Ảnh: NTCC).
Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng hiện có 03 bộ môn Kiến trúc và Quy hoạch; Nội Thất; Đồ hoạ với số lượng hơn 2500 sinh viên. Trong đó, có rất nhiều sinh viên đang làm công việc bán thời gian tại các công ty thiết kế với mức thu nhập hơn 03 triệu đồng/tháng để đảm bảo các chi tiêu trong sinh hoạt của sinh viên. Thậm chí, có những sinh viên có mức thu nhập xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng.
Đối với những sinh viên đã tốt nghiệp, mức thu nhập trung bình ban đầu vào khoảng 07 – 10 triệu đồng/tháng và được tăng theo thời gian cống hiến. Đối với những sinh viên được các công ty của Nhật tuyển dụng để làm việc tại Nhật Bản có mức lương sau thuế là hơn $2.000/ tháng.
Thầy Tuấn thông tin, trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh ngành Kiến trúc của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng có nhiều thuận lợi bởi nhiều yếu tố cộng hưởng từ lịch sử, uy tín đào tạo đến thành tích của thầy và trò trong các sân chơi trong nước và quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, ngành Kiến trúc vẫn được dự báo là sẽ tiếp tục có những bước phát triển hơn trong thời gian tới do nhu cầu xã hội luôn ở mức cao hơn so với quy mô đào tạo của khoa.
“Theo khảo sát của chúng tôi nhiều năm liền, sinh viên ngành Kiến trúc của trường có tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt từ 96% đến 98%. Hầu hết sinh viên đã đi làm thêm từ năm thứ 4, năm thứ 5, sau đó tiếp tục công tác tại đơn vị mà sinh viên thực tập, làm thêm.
Xem thêm : Vụ việc tại trường Tiểu học Tây Mỗ: Phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm phản hồi gì?
Mức thu nhập khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp ngành học này khi mới ra trường ở khu vực Đà Nẵng thường dao động từ 8 – 12 triệu đồng/tháng, tuy nhiên mức này sẽ tăng rất cao sau vài năm nếu các em chứng minh được năng lực của mình’, thầy Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang, công tác tuyển sinh cho khối ngành Kiến trúc của Trường Đại học Phương Đông trong những năm vừa qua có giảm hơn so với các năm trước do sự thay đổi trong định hướng nghề nghiệp và nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, hiện tại đã và đang có dấu hiệu tích cực hơn khi nhu cầu về xây dựng và các tín hiệu phát triển đô thị đang lớn dần lên trong cả nước.
Khó khăn của nhà trường cũng là khó khăn chung mà nhiều trường đào tạo kiến trúc sư trên khắp cả nước hiện nay đang gặp phải như nhiệm vụ đào tạo trở nên khó khăn hơn khi xã hội đòi hỏi nhiều phương thức thiết kế kiến trúc đa dạng hơn; người hành nghề phải có đam mê, sự linh hoạt và tư duy tổng hợp, nhạy bén, …
Những điều này đã khiến số lượng người học lựa chọn ngành Kiến trúc bị giới hạn bởi tính chất đặc thù khiến nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng chọn các ngành học đòi hỏi ít các tiêu chí hơn so với ngành Kiến trúc.
Để đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Kiến trúc, thầy Quang cho biết, khoa và nhà trường thường chủ động liên hệ, tìm kiếm các cơ hội giúp sinh viên được tham gia “thực chiến” ngay từ năm thứ 2, năm thứ 3. Do vậy, tỷ lệ sinh viên ngành Kiến trúc của Trường Đại học Phương Đông sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm luôn ở mức rất cao.
Theo thực tế theo khảo sát cơ bản gần đây, các cựu sinh viên của ngành hiện đang công tác tại nhiều doanh nghiệp xây dựng, các văn phòng kiến trúc, các công ty hoạt động liên quan trong lĩnh vực đô thị, trong đó có nhiều bạn có những vị trí uy tín trong tổ chức. Không những vậy, có không ít các cựu sinh viên của trường đã thành lập doanh nghiệp, các văn phòng tư vấn kiến trúc đang hoạt động rất năng động và hiệu quả.
Đối với thu nhập sau khi tốt nghiệp, với năng lực chuyên môn, kỹ năng tốt, khả năng tiếp cận khoa học và công nghệ nhanh chóng, mức thu nhập trung bình của sinh viên trong khối ngành Kiến trúc của trường luôn được đảm bảo từ 12-15 triệu đồng /tháng và thậm chí còn cao hơn nhiều.
Cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo ngành Kiến trúc
Để công tác đào tạo ngành Kiến trúc ngày càng hướng đến mục tiêu chất lượng cao, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Quang cho hay, các đơn vị đào tạo lĩnh vực này cần không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, theo sát với sự phát triển chung của xã hội, nhất là sự phát triển công nghệ toàn cầu. Đặc biệt, trong giai đoạn đào tạo cho thế hệ “gen Z” hiện nay, càng phải luôn cập nhật các hình thức đào tạo mới, đảm bảo kiến thức giáo dục hiện đại, chuyên nghiệp, linh hoạt, phù hợp với thời đại.
Nhân Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, Phó Giáo sư Nguyễn Anh Tuấn cũng bày tỏ mong mỏi của mình từ lâu là việc đào tạo ngành Kiến trúc ở Việt Nam phải được chuẩn hóa, tránh để tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay. Vấn đề này có liên quan đến công tác quản lý giáo dục, đặc biệt là công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo kiến trúc sư.
Sinh viên khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trong Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư (Ảnh: NTCC).
“Tôi cũng đã có những lần kiến nghị với Hội Kiến trúc sư Việt Nam về việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo ngành Kiến trúc, như kiểu NAAB của Bắc Mỹ hay RIBA của Anh.
Ngành Kiến trúc tuy là một ngành hot nhưng rất khắc nghiệt do yêu cầu về chất lượng công việc rất cao và mức độ đào thải lớn. Mặc dù không có một con số chính thức, nhưng theo tôi, có không ít hơn một nửa số kiến trúc sư phải chuyển hướng công việc sau khi hành nghề được một thời gian do tính cạnh tranh, đào thải cao. Vậy nên, nếu nâng cao chất lượng đào tạo, cần thông qua việc chuẩn hóa chương trình và đội ngũ giảng viên mới mong ngành Kiến trúc đáp ứng tốt sứ mệnh xây dựng nước nhà trong giai đoạn hiện nay”, thầy Tuấn nói.
Tiến sĩ Phạm Anh Tú cũng hi vọng rằng, các cơ sở giáo dục đại học nên có các hoạt động nâng cao niềm tin, đam mê và ngọn lửa sáng tạo của sinh viên ngành Kiến trúc.
Và để đạt điều này, bản thân các trường cần có những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng hơn trong chương trình đào tạo và cơ sở vật chất thông qua thực tiễn hoạt động cũng như học hỏi các kiến thức và kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới.
Qua đó, giúp cho sinh viên có đam mê, kiến thức, kỹ năng và bản lĩnh để có thể hoạt động tốt và có nguồn thu nhập cao sau khi ra trường, đồng thời có cơ hội để phát triển bản thân tốt hơn trong tương lai của mình; và hơn hết, các kiến trúc sư của nước ta có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Tường San
https://giaoduc.net.vn/nganh-kien-truc-thu-nhap-tot-nhung-khac-nghiet-can-nhan-luc-chat-luong-post242400.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on %s = human-readable time difference 8:25 chiều
Trại sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Đại học Bách khoa…
Anh Tim cho biết, trước khi làm huấn luyện viên thể hình, anh từng làm…
Bệnh nhân tiểu đường có ăn được cá hồi không?Cá hồi, một loại thực phẩm…
Xiaomi đã âm thầm tung ra bản cập nhật HyperOS 2 mới nhất. Công ty…
Đau thắt ngực là tình trạng tương đối phổ biến, là tình trạng đau ngực…
Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng và chảy máu Nguyên nhân gây chảy máu…