Tại Hội thảo Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo với chủ đề “Giáo dục đại học với công nghệ số”, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đã chia sẻ về các vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), giải pháp thực hiện bình dân học vụ số và đề xuất mong muốn sớm ban hành khung năng lực số dành cho người học.
Thực hiện bình dân học vụ số cho thế hệ hiện tại và tương lai
Bạn đang xem: Nếu còn nhận văn bản dưới dạng PDF thì khi đó chuyển đổi số chưa thành công
Chia sẻ trong hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có thể kể đến một số lợi ích khi sử dụng AI như: cá nhân hóa học tập; Chatbots hỗ trợ học tập 24/7; đánh giá và quản lý học tập; cung cấp công cụ phản hồi và hỗ trợ đào tạo giáo viên; nâng cao hiệu quả giảng dạy.
AI tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục như tích hợp báo cáo hệ thống quản lý học tập (LMS) để cung cấp nền tảng học tập trực tuyến hiệu quả, linh hoạt và dễ dàng truy cập.
AI tạo nền tảng học trực tuyến chất lượng cao, cung cấp các khóa học đa dạng, hấp dẫn và phù hợp nhu cầu của người học; học mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, AI hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật, ví dụ như phần mềm đọc chữ, phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ trong hội thảo.
Bên cạnh những lợi ích, chỉ ra một số thách thức của AI tạo sinh – các mô hình AI có khả năng sáng tạo ra nội dung (như: văn bản, hình ảnh, video, âm thanh…), thầy Tùng cho rằng: “AI tạo sinh có thể tạo ra nội dung thiên vị và không chính xác do dữ liệu huấn luyện, lựa chọn tham số; thông tin sai lệch, giả mạo, hoặc các nội dung có hại; đặt ra vấn đề đạo đức như quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư; trách nhiệm với AI; để đánh giá được mức độ tin cậy và chính xác của AI tạo sinh còn phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm của người dùng”.
Cũng theo thầy Tùng, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, khi sinh viên trả bài các môn liên quan đến lập trình có kết quả rất tốt nhưng khi nhà trường không cho kết nối internet, có những sinh viên học tốt cũng trượt. Do đó, lạm dụng AI là một vấn đề, đòi hỏi các trường phải có giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thầy Tùng cho rằng, AI không phải là mối đe dọa mà nên được coi là công cụ để người lao động thế hệ mới nâng cao hiệu quả lao động, bỏ qua các nấc thang phía dưới trong quy trình công việc, dồn năng lượng cho những khâu mà AI còn cách xa mới có thể vươn tới.
Nếu người dùng tin hoàn toàn vào những dữ liệu, nội dung mà AI tạo ra thì sẽ dẫn đến vấn đề vì độ chính xác chưa cao. Tốt nhất, những người sử dụng AI đều phải có kiến thức chuyên môn và AI chỉ mang tính chất hỗ trợ; hạn chế cho học sinh phổ thông sử dụng vì các em vẫn chưa đủ khả năng phân biệt đâu là thông tin chưa đúng.
“Khi AI có khả năng sinh ra nội dung thì những người làm sáng tạo là người sẽ bị đe dọa. Theo nghiên cứu của Đại học Pennsylvania, các việc bị ảnh hưởng nhiều với AI bao gồm: kế toán và người khai thuế, trợ lý pháp lý, nhà phân tích tài chính, nhà báo, nhà thiết kế website, nhà toán học, thư ký tòa án, dịch giả và chuyên gia quan hệ công chúng…”, thầy Tùng cho biết.
Một trong những vấn đề đã được thế giới đề cập đến là chính sách thuế. Tại Mỹ, thuế áp lên các khoản đầu tư công nghệ thấp, nhưng lại đánh thuế lao động cao, điều này thúc đẩy tạo ra công nghệ thay thế con người; hoặc một lao động bị mất việc do AI thì doanh nghiệp phải đóng thuế để tạo ra chi phí đào tạo lại cho người lao động. Đã đến lúc, Việt Nam cần nghiên cứu vấn đề này.
Ngoài những chia sẻ liên quan đến ứng dụng AI trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực AI, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng còn tham luận về giải pháp thu hẹp khoảng cách số với từ khóa “bình dân học vụ số”.
“Ngành giáo dục nên quan tâm nhiều đến đào tạo chuyển đổi và xóa nhòa khoảng cách số. Bởi, chúng ta tưởng rằng việc đưa ứng dụng công nghệ có thể hỗ trợ cho người yếu thế nhưng nếu họ không được đào tạo tốt về kỹ năng số thì lại càng nới rộng khoảng cách số”, thầy Tùng chia sẻ.
Bình dân học vụ số nên được tập trung triển khai cho thế hệ hiện tại và tương lai. Cụ thể, đối với thế hệ công dân tương lai, ngay từ cấp phổ thông, chương trình đào tạo cần đưa vào và nâng cấp các môn học về STEM, bổ sung nội dung đào tạo về lập trình và AI; đưa các nội dung ứng dụng công nghệ số, AI vào trong chương trình đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời, cũng phải lưu ý đến các khuyến cáo để tránh lạm dụng AI.
Còn đối với thế hệ công dân hiện tại – những người đang thiếu nhiều kỹ năng số, thầy Tùng cho rằng, đào tạo chuyển đổi cũng là một cách để thực hiện bình dân học vụ số. Bên cạnh đó, đào tạo liên tục, đào tạo văn bằng 2 để cung cấp cơ hội học tập cho người có nhu cầu (hoặc bắt buộc) chuyển đổi nghề nghiệp trong chuyển đổi số.
Song, để thực hiện bình dân học vụ số, cần nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng số, phát triển nền tảng mở. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống chứng chỉ kỹ năng số là điều kiện cần để triển khai.
Xem thêm : Thi viết và bình chọn “Trường học hạnh phúc”
“Chúng ta có thể làm được bình dân học vụ số nếu như áp dụng và tận dụng sức mạnh của hạ tầng số và nền tảng giáo dục mở”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng bày tỏ.
Cùng bàn về bình dân học vụ số, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, trong lịch sử, nhận thức rõ những khó khăn, hiểm họa của nạn giặc dốt (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thành lập phong trào “Bình dân học vụ”. Từ thành công của phong trào này, chúng ta có thể rút ra 4 bài học để có thể triển khai giải pháp liên quan đến bình dân học vụ số hiện nay.
Cụ thể gồm: huy động sự tham gia của toàn dân; sách giáo khoa/học liệu số; phương pháp giáo dục thay đổi (cho sinh viên trải nghiệm, thực hành, thực tập nhiều hơn); có chính sách hỗ trợ triển khai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Hùng – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ tham luận trong hội thảo.
Để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thầy Hùng mong muốn sớm ban hành khung năng lực số dành cho người học.
Chia sẻ về khung năng lực số, theo thầy Hùng, hiện nay các công ty, doanh nghiệp yêu cầu rất rõ những ứng viên khi tuyển dụng cần có kỹ năng gì. Điều này có nghĩa là vị trí, bản chất công việc sẽ thay đổi nhiều trong thời gian tới nên cần thiết phải trang bị kỹ năng tốt cho người học, trong đó có năng lực số. Và khi khung năng lực số được công bố sẽ tác động nhiều đến người học.
“Khung năng lực số được xây dựng dựa trên 2 khung tham chiếu là Gen AI và DigComp 2.2. Khung năng lực số gồm có 06 miền năng lực (Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh).
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành khung năng lực số dành cho người học; các trường phải đưa ra khung đánh giá thế nào về năng lực số (không phát sinh chứng chỉ nào về năng lực số mà sẽ lồng ngay vào quá trình dạy và học)”, thầy Hùng chia sẻ.
Tạo bứt phá trong dạy và học
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung tham luận, báo cáo đến từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục đại học.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo.
“Các nội dung chia sẻ trong hội thảo đã được tiếp cận từ nhiều góc nhìn, phản ánh toàn diện chủ đề mà hội thảo hướng đến. Các báo cáo từ cơ quan nhà nước, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp đã đề cập về kết quả, kinh nghiệm, định hướng, kiến nghị.
Hội thảo đã tập trung thảo luận các nội dung từ góc nhìn về cả hệ thống giáo dục đại học, quản trị đại học; ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là AI trong giáo dục và đào tạo, nội dung về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; yêu cầu, đề xuất kiến nghị liên quan đến đào tạo nhân lực công nghệ thông tin; nâng cao năng lực số, công nghệ số cho nhiều người – bình dân học vụ số”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các tham luận đều đề cập đến sự cần thiết, cấp bách, yêu cầu, hiệu quả mang lại từ chuyển đổi số. Vậy, chuyển đổi số trong giáo dục có điểm gì đặc biệt?
Thứ nhất, việc đưa công nghệ số vào giáo dục sẽ giúp minh bạch từ người học, người thầy cho đến nhà quản lý giáo dục. Ví dụ, trong một cơ sở giáo dục đại học, những con số sẽ khiến cho cơ sở phải làm đúng và làm tốt hơn trong tuyển sinh, chấm điểm.
Thứ hai, giúp chuyển đổi và mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục, công việc mới cho người dân.
Xem thêm : Chương trình Học viện Công nghệ BKACAD và VDI ký thỏa thuận hợp tác chiến lược
Thứ ba, ứng dụng AI giúp tạo hiệu quả cao trong công tác giảng dạy, học tập và làm việc. AI giúp tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất, nhân lực, tạo bứt phá trong dạy và học, nâng cao năng suất lao động.
Đồng thời, chuyển đổi số tạo ra nhiều cách tiếp nhận thông tin, hệ thống thông minh giúp bài giảng biên soạn tốt hơn, tiếp cận thông tin đa dạng, trình bày đẹp và tương tác tốt hơn,… từ đó giúp minh bạch, hiệu quả, chất lượng.
Thứ tư, chuyển đổi số đặt ra vấn đề bảo đảm an toàn trên mọi khía cạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số giúp xóa bỏ khâu trung gian. Khi nào còn văn bản điện tử, nhận văn bản dưới dạng PDF thì khi đó chuyển đổi số chưa thành công, chưa phải là chuyển đổi số. Xóa bỏ trung gian nghĩa là thông tin từ người gửi và người nhận phải là một đường thẳng (bỏ qua các văn bản giấy, bản PDF, các cơ quan, con người để vừa tiết kiệm thời gian, công sức, vừa giảm sai sót, tiết kiệm chi phí), phải chuyển sang dữ liệu, số liệu, ứng dụng phần mềm.
Chuyển đổi số có tính hiệu quả cao bởi công nghệ số giúp chia sẻ, lan tỏa thông tin nhanh, rộng, không có biên giới. Thông tin tri thức trong ngành giáo dục là phi vật chất, càng được sử dụng và chia sẻ nhiều thì giá trị của thông tin tri thức càng tăng, càng tạo ra sự đột phá. Đồng thời, chuyển đổi số cũng mở ra khả năng tương tác để tạo nên cộng đồng học tập.
Một số việc cần làm ngay được Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặc biệt lưu ý là nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, thấy được nguy cơ tụt hậu nếu không thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, quyết liệt.
Mỗi trường phải cảm thấy sốt ruột khi các trường, các nước làm chuyển đổi số để ý thức được việc quyết liệt thực hiện chuyển đổi số.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trong thời gian tới, sẽ có chiến lược về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó nhấn mạnh đến chuyển đổi số. Do đó, chúng ta cần thay đổi, nâng cao nhận thức, tư duy trong quản lý, giáo dục và cuộc sống; quản trị, quản lý dựa trên dữ liệu, quản trị thông minh dựa trên AI.
Cần hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, cơ sở dữ liệu. Bởi, không thể chuyển đổi số, phát triển ứng dụng nếu không có cơ sở dữ liệu. Dựa trên cơ sở dữ liệu, hệ thống quản trị nhà trường, hệ thống dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được nâng cấp.
Theo Thứ trưởng, nhân lực trong thời đại số có 3 cấp độ. Cụ thể, cấp độ thứ nhất là nhân lực công nghệ số và nhân tài công nghệ số. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện tất cả các bước xây dựng Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó nhân lực công nghệ số là trọng điểm (AI, điện toán đám mây…).
Nhân lực thứ hai là cho số đông, trước mắt là cán bộ quản lý của Bộ, trường, giảng viên, người học. Sinh viên nào cũng phải có năng lực số, năng lực AI. Do đó, chương trình học phải đưa năng lực số, trí tuệ nhân tạo vào để đào tạo, tích hợp bằng cách học trải nghiệm, sử dụng. Học về công cụ AI không có cách học nào tốt hơn bằng cách dùng công cụ AI trong dạy và học, thí nghiệm, đọc tài liệu. Các trường cần đưa giáo dục STEM vào trong giảng dạy từ sớm.
Nhân lực thứ ba là cho toàn bộ người dân – bình dân học vụ số. Việc triển khai bình dân học vụ số có thể tạo ra cộng đồng số, người biết nhiều dạy cho người biết ít. Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có kế hoạch để triển khai phong trào bình dân học vụ số sao cho mọi người dân đều sử dụng thành thạo, biết được vì sao cần phải bảo vệ dữ liệu cá nhân, dữ liệu cho người thân và cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu về đổi mới sáng tạo. Các trường đại học không chỉ sử dụng công nghệ số mà còn phải gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số.
Chưa kể, các cơ sở giáo dục đại học cần bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở giáo dục đã làm tốt. Doanh nghiệp cần kết nối chặt chẽ với cơ sở giáo dục đại học để vừa có cung – cầu trong chuyển đổi số.
Trong cạnh tranh quốc tế, cốt lõi đối với Việt Nam là con người số; từ tiềm năng, tính cách của người Việt có thể tạo tính đột phá trong chuyển đổi số.
Ngọc Mai
https://giaoduc.net.vn/neu-con-nhan-van-ban-duoi-dang-pdf-thi-khi-do-chuyen-doi-so-chua-thanh-cong-post247657.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on Tháng mười hai 8, 2024 6:32 sáng
Giải đấu CrossFire Stars (CFS) 2024 – sân chơi đỉnh cao của cộng đồng Đột…
The Game Awards 2024 là sự kiện được mong chờ nhất trong năm nay của…
Honor mới đây đã chính thức giới thiệu Magic V3, smartphone màn hình gập đầu…
Các trường đại học ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở Giáo dục và…
Xuất hiện nốt ruồi bất thường Nốt ruồi là những đốm nhỏ trên da, được…
Người tiểu đường ăn đậu rồng có tốt không?Đậu rồng còn có tên gọi là…