Trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu quan trọng như sau: có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á; Việt Nam nằm trong 4 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất khu vực Đông Nam Á và trong 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á.
Điều này đã đặt ra những thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò và vị thế ngày càng quan trọng trong lĩnh vực giáo dục toàn cầu.
Bạn đang xem: Muốn nâng thứ hạng, trường ĐH phải nâng cao chất lượng và phát triển nội lực
Xếp hạng quốc tế là tất yếu nhưng cốt lõi phải là chất lượng đào tạo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, hiện nay có nhiều bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học quốc tế với các tiêu chí đánh giá đa dạng như chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, mức độ quốc tế hóa và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững không nên chỉ dựa vào ngoại lực hay hợp tác quốc tế mà còn phải xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nội bộ vững mạnh.
“Một trường đại học sở hữu đội ngũ nhân lực mạnh mẽ không chỉ có khả năng đào tạo và bồi dưỡng mà còn tạo ra những sản phẩm nghiên cứu chất lượng, từ đó mở rộng hợp tác quốc tế một cách hiệu quả. Mặc dù sự phát triển nhanh chóng có thể giúp các cơ sở giáo dục đại học đạt được thứ hạng cao nhưng nếu không có nền tảng vững chắc từ nguồn nhân lực nội bộ, việc duy trì sự ổn định và bền vững lâu dài là điều rất khó khăn.
Tôi cho rằng yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của một cơ sở giáo dục đại học chính là đội ngũ nhân lực được đào tạo và phát triển ngay từ chính ngôi trường đó, thay vì chỉ dựa vào việc thu hút các tiến sĩ từ bên ngoài.
Những cơ sở giáo dục đại học chỉ dừng lại ở việc thu hút nguồn nhân lực từ bên ngoài mà thiếu chiến lược phát triển nội lực sẽ khó duy trì sự phát triển lâu dài và khó có thể tạo ra những đóng góp thực sự vào chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học của đất nước”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam nhận định.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam – nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: AN)
Bên cạnh đó, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, hiện nay, các trường đại học tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc gia tăng số lượng bài báo khoa học quốc tế được công bố trong danh mục ISI/Scopus.
Việc công bố các bài báo đòi hỏi không chỉ chất lượng nghiên cứu mà còn cả sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất cũng như chính sách khuyến khích phù hợp. Những hạn chế trong các khía cạnh này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của các trường đại học Việt Nam trên bản đồ quốc tế.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định rằng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt trên bảng xếp hạng quốc tế mang lại cả lợi ích lẫn thách thức.
Các bảng xếp hạng quốc tế giúp cơ sở giáo dục đại học định vị trong môi trường toàn cầu, đồng thời thúc đẩy nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, các tiêu chí xếp hạng hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập khi chưa thể phản ánh đầy đủ đặc thù về văn hóa và bối cảnh giáo dục của từng quốc gia.
“Thứ nhất, các tiêu chí xếp hạng không thể bao quát hết mọi khía cạnh của một cơ sở giáo dục, đặc biệt là những yếu tố đặc thù như bối cảnh văn hóa, xã hội và thể chế ở mỗi quốc gia.
Thứ hai, việc đầu tư tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và khả năng cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, yếu tố tự chủ đại học là một điểm nhấn trong chính sách giáo dục hiện nay cũng chịu nhiều sự tác động. Khi các trường chưa hoàn toàn tự chủ tài chính và học thuật thì việc cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng quốc tế cũng là một thách thức lớn.
Cuối cùng, tôi cho rằng số liệu phục vụ cho việc xếp hạng đôi khi chưa thực sự đầy đủ và đáng tin cậy. Chẳng hạn, một số tiêu chí quan trọng như tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp, chất lượng nghiên cứu khoa học hay mức độ hài lòng của sinh viên,… chưa được đo lường chính xác và cụ thể”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho hay.
Xếp hạng quốc tế tuy là xu hướng tất yếu nhưng cần được đánh giá một cách toàn diện, xem xét cả những lợi ích lẫn các hạn chế cần khắc phục. Thay vì chạy theo các chỉ số, các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam nên tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và quản trị để tạo nên những bước phát triển bền vững.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: PM)
Giải quyết “bài toán” về nghiên cứu khoa học
Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các đề tài nghiên cứu khoa học giữ vai trò then chốt trong việc nâng tầm vị thế của các trường đại học, đồng thời góp phần cải thiện thứ hạng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả của không ít đề tài vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, một số cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện tốt các nghiên cứu có giá trị thực tiễn nhưng không ít đề tài lại thiếu tính ứng dụng, dẫn đến khả năng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa vào thị trường rất thấp.
Để khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định rằng, Nhà nước cần xây dựng những dự án lớn mang tính chiến lược, nhằm tăng cường tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế của các nghiên cứu khoa học.
“Ngoài việc coi các công bố khoa học là một tiêu chí đánh giá, cần bổ sung các tiêu chí đo lường tác động của nghiên cứu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Điều này không chỉ giúp định hướng rõ ràng hơn cho các nhà nghiên cứu mà còn tối ưu hóa giá trị thực tiễn của các nguồn lực đầu tư.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần có thêm cơ chế khuyến khích và hỗ trợ các trường đại học trong việc phát triển hệ sinh thái chuyển giao công nghệ. Việc này bao gồm nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao và xây dựng mạng lưới hợp tác với doanh nghiệp. Đây là cách để tăng khả năng đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, tạo nguồn thu ổn định và tái đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ.
Việc đầu tư đúng hướng và hiệu quả sẽ không chỉ giúp các trường đại học nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Website Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội)
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam, để giải quyết những khó khăn về kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài có ảnh hưởng lớn đến thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học trên bảng xếp hạng quốc tế, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ.
Thứ nhất, Nhà nước nên tập trung đầu tư vào các đề tài mang tính thực chất, thông qua hội đồng thẩm định có chất lượng để lựa chọn các nhóm nghiên cứu mạnh. Việc này đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả và tạo ra những kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn.
Thứ hai, cần cải thiện cơ chế tiếp cận nguồn vốn cho các cơ sở giáo dục đại học và nhà nghiên cứu khoa học. Hiện nay, cơ hội tiếp cận nguồn kinh phí còn hạn chế và chưa lan tỏa rộng rãi. Do đó, cần mở rộng đối tượng được đầu tư, đảm bảo các nhóm nghiên cứu tiềm năng cũng có cơ hội tham gia vào các đề tài lớn.
Thứ ba, quy trình thanh/quyết toán cần được đơn giản hóa, minh bạch nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ. Hiện tại, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà và yêu cầu chứng từ quá khắt khe khiến nhiều nhà nghiên cứu khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ e ngại khi tham gia các đề tài nghiên cứu. Để giải quyết tình trạng này, cần áp dụng cơ chế khoán chi theo sản phẩm cuối cùng, kết hợp với quá trình nghiệm thu chất lượng để giảm tải gánh nặng hành chính nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam, những cải cách này sẽ giúp khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện để các nghiên cứu khoa học phát triển bền vững.
Kiến nghị giải pháp để giáo dục đại học Việt Nam tăng hạng
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, giáo dục đại học tại Việt Nam đang đứng trước áp lực không chỉ từ việc nâng cao chất lượng đào tạo mà còn từ sự cạnh tranh mạnh mẽ với các nền giáo dục hàng đầu thế giới.
Xem thêm : Ứng viên giáo sư duy nhất ngành Cơ học đã công bố 143 bài báo khoa học
Đặc biệt, để Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 500 trường đại học tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục đại học vào nhóm 200 trường đại học hàng đầu châu Á, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam cho rằng cần xây dựng 1 lộ trình cụ thể bắt đầu từ năm 2025.
“Trước tiên, cần cải thiện cơ chế quản lý khoa học, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong phân bổ kinh phí, đồng thời hỗ trợ các nhóm nghiên cứu bằng việc tạo quỹ khởi đầu và xây dựng nhóm nghiên cứu liên ngành tại các trường đại học trọng điểm. Việc hợp tác quốc tế cũng cần được thực hiện một cách sâu sắc, không chỉ cung cấp kinh phí mà còn phải đảm bảo sự tham gia thực chất của các nhà khoa học trong nước nhằm nâng cao năng lực nội tại.
Đến năm 2030, mục tiêu là có ít nhất một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam lọt vào top 100 thế giới, đồng thời cần phát triển bền vững nội lực với mạng lưới các nhóm nghiên cứu mạnh, có khả năng tự duy trì và thu hút các dự án quốc tế.
Để đạt được những mục tiêu này, tôi cho rằng việc đổi mới cơ chế quản lý khoa học, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đầu tư dài hạn vào giáo dục, nghiên cứu khoa học là những yếu tố tiên quyết. Với chiến lược đồng bộ và quyết tâm lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế trên bản đồ giáo dục toàn cầu”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam cho biết.
Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định rõ các mục tiêu chiến lược để không chỉ giữ vững vị thế trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.
Theo thầy Toàn, việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Nhìn nhận vào thực tế, sức hấp dẫn của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh để cạnh tranh với những nền giáo dục tiên tiến hàng đầu ở các quốc gia phát triển.
Điều này bắt nguồn từ việc chất lượng và uy tín đào tạo chưa được khẳng định rộng rãi trên quốc tế, bên cạnh đó là hạn chế trong việc cung cấp các chương trình học bổng phù hợp để thu hút sinh viên từ các nước đang phát triển.
Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ. (Ảnh: Mộc Trà)
Đồng thời, để đạt được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam cần xây dựng các bước đi cụ thể từ những năm 2027, năm 2028 để đảm bảo lộ trình. Việc tham gia vào các hệ thống kiểm định và xếp hạng quốc tế là yêu cầu tất yếu để khẳng định vị thế của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam trên bản đồ giáo dục toàn cầu.
“Để làm được điều này, trước tiên cần tập trung nâng cao nguồn lực giảng viên, cải thiện cơ sở vật chất và tăng cường nguồn tài chính nhằm thực hiện các đề tài nghiên cứu, qua đó công bố nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài quốc tế và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao được coi là chìa khóa quan trọng. Mời các nhà khoa học danh tiếng toàn cầu đến Việt Nam không chỉ nhằm mục đích giảng dạy, mà còn tạo điều kiện để họ phát huy tối đa tiềm năng, thực hiện những nghiên cứu có tầm vóc quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện đang gặp khó khăn trong việc đưa ra mức đãi ngộ cạnh tranh cho các chuyên gia hàng đầu, do những hạn chế về ngân sách và cơ chế tài chính chưa thực sự linh hoạt.
Đồng thời, cơ chế quản lý tài chính cũng cần được điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn của hoạt động nghiên cứu. Việc áp dụng cơ chế đặc thù hoặc xây dựng các chính sách linh hoạt, cởi mở hơn là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh nghiên cứu khoa học đang trở thành chìa khóa để giải quyết các thách thức kinh tế – xã hội lớn của đất nước.
Và các cơ sở giáo dục đại học cần đặt trọng tâm vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và thực hành, đảm bảo đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đây chính là nền tảng vững chắc để giáo dục đại học Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trong khu vực mà còn vươn tầm quốc tế.
Với tiềm năng sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra nhưng điều này đòi hỏi một quyết tâm mạnh mẽ cùng sự đồng bộ hóa chính sách trong mọi khía cạnh”, Giáo sư, Tiến sĩ Hà Thanh Toàn nêu quan điểm.
Thúy Hiền
https://giaoduc.net.vn/muon-nang-thu-hang-truong-dh-phai-nang-cao-chat-luong-va-phat-trien-noi-luc-post248312.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on Tháng Một 11, 2025 7:49 sáng
Rối loạn tiền đình ở người trẻ phải làm sao?Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh…
Giấm táo là loại nước lên men từ táo tươi, chứa một số vitamin, khoáng…
Nằm trong khuôn khổ Chương trình “Tặng quà Tết Kỷ Tý 2025 cho hộ nghèo…
Trải nghiệm chia tay là điều mà nhiều người đã từng trải qua. Những lúc…
Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Thách thức đổi mới sáng tạo xã hội…
Khi mùa đông sắp qua đi, đã đến lúc chào đón mùa xuân với nụ…