Hiện nay, đối với các trường đào tạo Nghệ thuật, Kiến trúc, việc xét tuyển ngoài kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn kết hợp với kỳ thi năng khiếu như: kỹ thuật hội họa, âm nhạc,…
Nhiều ý kiến đề xuất các trường đại học đào tạo các ngành như Mỹ thuật, Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Thiết kế đồ họa, Thanh nhạc… có thể sử dụng điểm tổng kết của môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xét tuyển hoặc là một tiêu chí kết hợp với kỳ thi năng khiếu với mục đích giảm tải áp lực thi cử cho học sinh và lựa chọn được các thí sinh tiềm năng.
Bạn đang xem: Kết quả học tập môn Nghệ thuật chưa thể thay thế thi năng khiếu xét tuyển ĐH
Môn Nghệ thuật chưa thể thay thế kỳ thi năng khiếu tại các trường đại học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho rằng, đề xuất sử dụng điểm môn Nghệ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xét tuyển năng khiếu đầu vào trong bối cảnh hiện nay của các trường nghệ thuật là chưa phù hợp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hùng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. (Ảnh: Website nhà trường)
Theo thầy Cường, môn Nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm Âm nhạc và Mỹ thuật) đã có nhiều đổi mới so với chương trình cũ. Trong đó, phân môn Mỹ thuật được thiết kế chuyên sâu hơn, học sinh được hiểu biết rộng hơn về các loại hình mỹ thuật, thể loại và chất liệu mỹ thuật… Tuy nhiên, môn học này mới đáp ứng một phần so với yêu cầu tuyển sinh năng khiếu đầu vào của các trường nghệ thuật.
Mặc dù chương trình mới đã bổ sung nhiều bài thực hành, nhưng việc học môn Nghệ thuật mới mang tính chất tiếp cận cho học sinh hiểu biết về nghệ thuật để nâng cao năng lực thẩm mỹ, mở rộng tầm hiểu biết chứ chưa thể hiện được năng khiếu nghệ thuật của người học. Do đó, việc tổ chức thi tuyển năng khiếu đầu vào của các trường đào tạo về nghệ thuật là cần thiết.
“Năm 2025, nhà trường vẫn tiếp tục tổ chức thi tuyển năng khiếu và chỉ xét trúng tuyển các thí sinh tham gia thi năng khiếu tại trường. Đây là một bước nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, phù hợp với yêu cầu đặc thù của các ngành nghệ thuật. Ngoài ra, để đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, nhà trường cần phải có các bài thi hoặc kiểm tra bổ sung được thiết kế phù hợp với yêu cầu ngành nghề. Do đó, hiện nhà trường đã có kế hoạch thông báo và tư vấn tuyển sinh cho năm 2025, giúp thí sinh nắm rõ các thông tin cần thiết và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cơ sở đào tạo ngành nghệ thuật áp dụng phương thức xét tuyển dựa trên điểm môn văn hóa, không yêu cầu thi năng khiếu. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh đáng kể và thu hút được một số lượng người học nhất định. Dù vậy, các trường tổ chức thi năng khiếu đầu vào, đặc biệt là những trường uy tín vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều thí sinh đam mê nghệ thuật. Mặc dù được xem là khắt khe trong tuyển sinh, số lượng thí sinh dự thi tại trường vẫn tăng đều mỗi năm, khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo của những người yêu nghệ thuật.
Đến thời điểm này, nhà trường chưa có kế hoạch thực hiện các nghiên cứu hoặc khảo sát đánh giá về mức độ tương thích của điểm môn Nghệ thuật tại cấp phổ thông so với yêu cầu đầu vào của các ngành nghệ thuật.
Việc thay thế kỳ thi năng khiếu bằng điểm môn Nghệ thuật đòi hỏi phải được cân nhắc cẩn trọng, xem xét dựa trên nhiều yếu tố. Nếu lựa chọn thí sinh không phù hợp với yêu cầu, các cơ sở đào tạo nghệ thuật có thể gặp khó khăn trong quá trình đào tạo, đồng thời chất lượng đầu ra cũng khó đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp bày tỏ.
Là một trong những cơ sở giáo dục có đào tạo có tổ chức thi năng khiếu để xét tuyển một số ngành như Giáo dục Mầm non, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Văn Thống – Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp nhận định: Việc xem xét thay thế điểm thi năng khiếu của các trường đại học bằng điểm môn Nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang trở thành chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm từ phụ huynh và học sinh.
Đây là một đề xuất nhằm tận dụng kết quả học tập môn Nghệ thuật ở bậc phổ thông để giảm tải cho học sinh và cải thiện quy trình xét tuyển đại học. Tuy nhiên, các nội dung học trong môn Nghệ thuật vẫn mang tính phổ quát, phù hợp với đối tượng học sinh phổ thông nhưng chưa đạt mức chuyên sâu cần thiết để thay thế bài thi năng khiếu vào các trường đại học đào tạo chuyên về nghệ thuật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Văn Thống – Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp. (Ảnh: Website nhà trường)
Theo thầy Thống, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Nghệ thuật đã có nhiều cải tiến đáng kể so với trước đây. Chương trình tích hợp Âm nhạc và Mỹ thuật thành một môn học tổ hợp, chú trọng vào thực hành và giúp học sinh trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật nhiều hơn. Tuy nhiên, chương trình hiện tại chủ yếu cung cấp kiến thức cơ bản, chưa thể tạo ra nền tảng đánh giá năng lực chuyên môn của thí sinh ở cấp độ đại học. Đặc biệt, các kỹ năng nghệ thuật mang tính chuyên môn như kỹ thuật vẽ, trình diễn âm nhạc hoặc khả năng sáng tạo đòi hỏi phải có năng khiếu, sự hướng dẫn và rèn luyện chuyên sâu, điều mà chương trình giáo dục phổ thông mới khó đảm bảo trong thời gian học 3 năm.
“Năng khiếu nghệ thuật không chỉ là khả năng được rèn luyện mà còn mang tính bẩm sinh và thiên hướng cá nhân. Những kỹ năng này thường được các trường đại học chuyên ngành đánh giá qua các kỳ thi năng khiếu để đảm bảo chọn lọc được các thí sinh phù hợp.
Việc sử dụng điểm số môn Nghệ thuật thay thế bài thi năng khiếu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu công bằng và giảm tính chọn lọc. Bởi, những học sinh không có năng khiếu tự nhiên nhưng đạt điểm cao nhờ rèn luyện theo chuẩn phổ thông có thể được đánh giá cao hơn những học sinh có tiềm năng nhưng chưa được khai phá. Điều này làm mất đi ý nghĩa của việc tuyển sinh các ngành nghệ thuật vốn đòi hỏi tính sáng tạo và năng lực vượt trội.
Một điểm đáng lưu ý khác là giáo dục phổ thông hướng tới việc cung cấp kiến thức nền tảng và phát triển toàn diện cho học sinh, trong khi đào tạo đại học tập trung vào chuyên môn hóa. Điều này đòi hỏi các trường đại học cần có các phương pháp tuyển sinh riêng như bài thi năng khiếu để đánh giá chính xác tiềm năng của thí sinh trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ngoài ra, năng khiếu nghệ thuật không chỉ là điểm số mà còn bao gồm các yếu tố khác như khả năng biểu diễn, sáng tạo và tư duy nghệ thuật. Những yếu tố này cần được đánh giá thông qua các kỳ thi trực tiếp với sự tham gia của hội đồng chuyên môn, điều mà chương trình giáo dục phổ thông mới khó có thể thay thế”, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội nhận định, với sự ra đời của chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông đã có những thay đổi đáng kể, có sự tích hợp của 2 phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật với định hướng chuyên sâu về thực hành.
Tuy nhiên, thầy Thành cho rằng, môn Nghệ thuật chưa thể thay thế hoàn toàn kỳ thi năng khiếu tại các trường đại học do tính đặc thù của năng khiếu nghệ thuật. Các trường đại học đào tạo nghệ thuật thường đặt ra những tiêu chuẩn rất đặc thù, đòi hỏi thí sinh không chỉ sở hữu kỹ năng cơ bản mà còn phải thể hiện tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nghệ thuật cụ thể.
Những tiêu chuẩn này thường vượt xa nội dung giảng dạy ở bậc trung học phổ thông, nơi điểm môn Nghệ thuật hiện nay chỉ đánh giá các kỹ năng cơ bản và mức độ thực hành chung, chưa đủ chiều sâu để phân loại rõ ràng giữa học sinh có năng khiếu nổi trội và học sinh có khả năng trung bình.
Hơn nữa, mỗi chuyên ngành nghệ thuật, từ hội họa, âm nhạc, điện ảnh đến sân khấu đều có những yêu cầu rất khác biệt, đòi hỏi một phương thức tuyển chọn riêng để đảm bảo chọn đúng những sinh viên có khả năng đáp ứng yêu cầu đào tạo chuyên sâu. Vì vậy, kỳ thi năng khiếu ở đại học vẫn đóng vai trò quan trọng và khó có thể thay thế hoàn toàn trong thời điểm hiện tại.
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi môn năng khiếu. (Ảnh: Website Trường Đại học Đồng Tháp)
Điểm môn Nghệ thuật có thể kết hợp với kết quả kỳ thi năng khiếu hoặc là điểm cộng ưu tiên
Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội kiến nghị, để nâng cao chất lượng tuyển sinh và giảm tải áp lực thi cử trong các ngành nghệ thuật, việc tạo nguồn và đánh giá năng khiếu từ sớm là một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài.
Xem thêm : Xây dựng đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn THCS, THPT giáo viên cần lưu ý gì?
Các trường phổ thông nên xem xét xây dựng thêm các chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc chứng chỉ đánh giá kỹ năng phù hợp với từng ngành cụ thể, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào cho các trường đại học đào tạo nghệ thuật.
Đơn cử đối với ngành Âm nhạc, có thể xét kết hợp thêm chứng chỉ đánh giá kỹ năng thanh nhạc hoặc nhạc cụ, trong khi ngành Mỹ thuật cần chú trọng đến chứng chỉ hội họa, đồ họa hoặc điêu khắc. Với các ngành Điện ảnh và Sân khấu, các chương trình chứng nhận kỹ năng diễn xuất, viết kịch bản hoặc quay phim cơ bản sẽ giúp học sinh phát triển đúng hướng ngay từ giai đoạn sớm.
Ngoài ra, việc tổ chức các lớp đào tạo năng khiếu tại các cơ sở giáo dục nghệ thuật hoặc thông qua các chương trình liên kết với các trường trung học phổ thông sẽ góp phần phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có tiềm năng. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng đầu vào cho các trường đại học mà còn thúc đẩy sự phát triển văn hóa nghệ thuật tại địa phương.
Để môn Nghệ thuật ở trung học phổ thông thực sự trở thành cơ sở hỗ trợ đánh giá năng khiếu trong tuyển sinh, cần có những biện pháp cải thiện nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên và phương thức đánh giá. Trước hết, nội dung chương trình cần chuyên sâu hơn, tập trung vào thực hành và phân hóa theo năng lực cũng như sở thích của học sinh. Đội ngũ giáo viên môn Nghệ thuật cần được đào tạo bài bản và tiếp cận các phương pháp giảng dạy tiên tiến để đáp ứng yêu cầu giảng dạy thực hành chuyên môn. Bên cạnh đó, việc đánh giá cần đa dạng và khách quan hơn thông qua các hình thức như bài tập thực hành, biểu diễn hoặc dự án nghệ thuật, thay vì chỉ dựa vào kiểm tra lý thuyết.
“Tôi cho rằng, một giải pháp cân bằng khác là kết hợp điểm môn Nghệ thuật ở trung học phổ thông với kết quả kỳ thi năng khiếu trong xét tuyển đại học. Điểm môn Nghệ thuật có thể được sử dụng như yếu tố bổ sung thông qua hình thức cộng điểm ưu tiên hoặc kết hợp vào điểm xét tuyển tổng hợp cùng với kết quả kỳ thi năng khiếu.
Việc xây dựng chương trình đào tạo năng khiếu từ sớm, kết hợp với nâng cao chất lượng giảng dạy và đánh giá môn Nghệ thuật ở cấp trung học phổ thông sẽ là hướng đi phù hợp để vừa tạo nguồn nhân lực nghệ thuật chất lượng cao, vừa giảm tải áp lực thi cử cho học sinh”, thầy Thành bày tỏ.
Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp đề xuất một số giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh. Trong đó cần chú trọng cải thiện mối liên kết giữa giáo dục phổ thông và đào tạo đại học thay vì thay thế hoàn toàn kỳ thi năng khiếu bằng điểm số môn Nghệ thuật phổ thông.
Trước hết, trường phổ thông cần tăng cường nội dung chuyên sâu trong môn Nghệ thuật giúp học sinh có định hướng theo đuổi nghệ thuật được trau dồi kỹ năng và kiến thức thực hành chuyên sâu hơn.
Bên cạnh đó, các trường phổ thông nên xây dựng chương trình hợp tác với các trường đại học đào tạo nghệ thuật, tổ chức các kỳ thi thử sớm, tạo điều kiện cho học sinh làm quen với yêu cầu tuyển sinh. Đồng thời, việc duy trì kỳ thi năng khiếu là cần thiết, nhưng cần cải tiến quy trình tổ chức để giảm áp lực cho thí sinh và nâng cao tính công bằng trong đánh giá.
“Việc tận dụng điểm số môn Nghệ thuật phổ thông trong xét tuyển đại học vẫn chưa khả thi trong bối cảnh hiện tại. Giáo dục phổ thông và đại học có mục tiêu và yêu cầu khác nhau, đòi hỏi phải được phân định rõ ràng.
Nên tập trung vào cải tiến giáo dục phổ thông và giáo dục đại học để tạo sự hài hòa giữa mục tiêu giáo dục phổ thông và yêu cầu tuyển sinh đại học. Mọi sự thay đổi trong chính sách tuyển sinh cần được nghiên cứu và thử nghiệm kỹ lưỡng nhằm đảm bảo lợi ích tối ưu cho học sinh và sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Văn Thống nêu quan điểm.
Thu Thuỷ
https://giaoduc.net.vn/ket-qua-hoc-tap-mon-nghe-thuat-chua-the-thay-the-thi-nang-khieu-xet-tuyen-dh-post247350.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on Tháng mười hai 4, 2024 7:17 sáng
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để có sự đồng bộ, liên thông từ giáo…
Tháng 11/2024, Trường Xanh tự hào nhìn lại chặng đường 10 năm hình thành và…
Ba mẫu iPhone từ năm ngoái đã trở thành điện thoại thông minh bán chạy…
Biên soạn SGK Ngữ văn không chỉ là một nhiệm vụ khoa học mà còn…
Trầm cảm khác với tâm trạng bình thường và những thay đổi về cảm xúc…
Theo nhà phân tích màn hình Ross Young, Apple đang chuẩn bị ra mắt chiếc…