Kể từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trải qua hơn 25 năm truyền thống (18/10/1999 – 18/10/2024) và hơn 20 năm thành lập (25/5/2004 – 25/5/2024).
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ về dấu ấn đổi mới sáng tạo của nhà trường và những vấn đề còn “đau đáu” trên chặng đường phát triển đột phá Trường Đại học Công nghệ trong thời gian tới.
Bạn đang xem: GS.Chử Đức Trình: Bồi dưỡng nhân tài là kim chỉ nam của Trường Đại học Công nghệ
Phóng viên: Nhìn lại 25 năm truyền thống và 20 năm thành lập Trường Đại học Công nghệ, với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường, Giáo sư có chia sẻ gì về chặng đường này?
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình: Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Công nghệ đã có những bước tiến chắc chắn, khẳng định vị thế hàng đầu của một cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, đào tạo nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Tôi bắt đầu công tác tại Khoa Công nghệ Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên từ tháng 9/1998. Ngày 18/10/1999, Khoa Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Khoa Công nghệ Thông tin và Khoa Công nghệ Điện tử – Viễn thông. Từ đó, ngày 18/10 trở thành Ngày truyền thống của nhà trường.
Ngày 25/5/2004, Trường Đại học Công nghệ được thành lập trên cơ sở Khoa Công nghệ và Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Cơ học. Tính đến nay, nhà trường đã có hơn 25 năm truyền thống (18/10/1999-18/10/2024) và hơn 20 năm thành lập (25/5/2004-25/5/2024).
Được tham gia công tác tại Khoa Công nghệ và hiện tại là Trường Đại học Công nghệ nên tôi có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, gắn bó với sự trưởng thành của nhà trường. Còn nhớ, năm 1999, trong bối cảnh thành lập Khoa Công nghệ, Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Hiệu – Hiệu trưởng sáng lập Trường Đại học Công nghệ chia sẻ về ước vọng xây dựng một trường đại học về công nghệ, kỹ thuật để đào tạo ra đội ngũ nhân lực công nghệ kỹ thuật dẫn dắt đất nước, dựa trên nền tảng sâu sắc của đào tạo cơ bản, hàn lâm.
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu luôn đau đáu trăn trở làm sao để đưa Khoa Công nghệ và sau là Trường Đại học Công nghệ hội nhập với Thế giới trong đào tạo về công nghệ kỹ thuật, từ hội nhập trong chương trình đào tạo cho đến nghiên cứu khoa học.
Ước mong của Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cũng là ước mơ của các thế hệ thầy cô và đã được đưa vào trong sứ mạng của Nhà trường là: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các lĩnh vực khoa học – công nghệ tiên tiến; tiên phong tiếp cận chuẩn mực giáo dục đại học khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế và xã hội tri thức của đất nước”; đào tạo chất lượng cao, đào tạo nhân tài cho đất nước luôn được coi là kim chỉ nam cho phát triển của Trường Đại học Công nghệ.
Trải qua từng giai đoạn phát triển đến nay, Trường Đại học Công nghệ đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu trên toàn quốc về công nghệ kỹ thuật. Trường Đại học Công nghệ ngày hôm nay đã phần nào thực hiện được ước mơ của các thầy cô sáng lập ra Trường Đại học Công nghệ vào thời điểm thành lập trường.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ. (Ảnh: website nhà trường)
Sau chặng đường 25 năm phát triển, cho đến nay hầu hết các thầy cô tham gia thành lập Trường những ngày đầu đã được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, số lượng thầy cô hiện nay còn đang tiếp tục công tác tại trường còn khá ít. Tôi may mắn khi được đồng hành và gắn bó với nhà trường từ những ngày đầu thành lập.
Còn nhớ, nhà trường trong lúc mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn về đào tạo, phát triển các nhóm nghiên cứu, cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất kể cả từ bàn ghế học tập, các thiết bị dạy học, thực hành, phòng thí nghiệm,… Nhiều bộ thiết bị thực hành được thiết kế và chế tạo thủ công, mạch điện thậm chí còn được gắn trên các khung nhôm xây dựng để phục vụ thực hành cho lớp sinh viên các khóa học đầu tiên. Rất may, cho đến nay, nhà trường vẫn còn giữ được một số hiện vật này để nhắc nhở, cũng như lưu giữ một “Ký ức vui vẻ” những năm đầu thập niên 2000, một thời đầy những khó khăn, vất vả nhưng đồng hành với rất nhiều ý chí và động lực vươn lên của thế hệ thầy cô, sinh viên của nhà trường.
20 năm thành lập và phát triển không phải là quãng thời gian quá dài đối với một trường đại học nhưng đủ để cán bộ giảng viên có trải nghiệm quý giá. Có một điều tôi luôn tự hào đó là các thầy cô cựu giáo chức đều thu xếp quay về trường để nghe chia sẻ các thành tựu mà thế hệ sau đang thực hiện và ôn lại kỷ niệm. Nhận thức được tình cảm từ thầy cô cựu giáo chức, chúng tôi luôn tự nhủ bản thân mỗi cán bộ của nhà trường phải là cầu nối giữa cán bộ giảng viên trẻ, sinh viên nhà trường hiện nay với thế hệ thầy cô cựu giáo chức. Để Trường Đại học Công nghệ (UET) phát triển được như ngày hôm nay, trước hết nhờ vào triết lý, định hướng, văn hóa làm việc UET, phong cách làm chủ tập thể của UET qua thế hệ thầy cô, cán bộ và sinh viên từ những ngày đầu thành lập trường, tạo nền tảng để nhà trường tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Phóng viên: Sau 25 năm truyền thống và 20 năm thành lập, phát triển, đến nay, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa Giáo sư? Trong đó, đâu được cho là kết quả thực sự làm nên dấu ấn thương hiệu của nhà trường?
Giáo sư Chử Đức Trình: Cho đến thời điểm này, nhà trường tự hào nhất khi xây dựng được một hệ thống các chương trình, quy trình giảng dạy, đào tạo chất lượng cao. Trong đó, nhà trường tự hào hơn cả là các chương trình đào tạo công nghệ kỹ thuật hoàn toàn có thể sánh vai được với các trường đại học thuộc top cao trên thế giới.
Tuy nhiên, sẽ là vô nghĩa nếu nhà trường chỉ dừng lại ở việc xây dựng chương trình đào tạo tốt. Sự phát triển của Trường Đại học Công nghệ luôn chú trọng đến chất lượng của “sản phẩm đầu ra”. Với triết lý giáo dục “Sáng tạo và vun đắp giá trị nhân văn của công nghệ”. Mục tiêu giáo dục của đại học định hướng nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ không chỉ để tiếp cận tri thức và công nghệ tiên tiến mà còn nâng cao năng lực sáng tạo tri thức và công nghệ mới, định hướng áp dụng công nghệ vị nhân sinh và phát triển bền vững; góp phần hình thành thế hệ công dân mới có năng lực và trách nhiệm phụng sự xã hội.
Trường Đại học Công nghệ đào tạo các thế hệ sinh viên thành những nhà khoa học giỏi, những nhà công nghệ, kỹ thuật giỏi, đồng hành với tinh thần làm việc, cống hiến hăng say, với thái độ nhân văn, từ đó tham gia xây dựng vì một tương lai tươi sáng của đất nước, của cộng đồng, mỗi doanh nghiệp, đơn vị và chính gia đình mình.
Đến nay, nhà trường luôn tự hào vì đào tạo được đội ngũ rất đông sinh viên tốt nghiệp đã và đang khẳng định vị thế của bản thân trong từng đơn vị công tác. Nhiều cựu sinh viên đã trở thành các giảng viên, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới, nhiều cựu sinh viên là những nhà lãnh đạo quan trọng trong nhiều tổ chức chính trị, tổ chức và doanh nghiệp lớn của đất nước, và đặc biệt nhiều cựu sinh viên của nhà trường đã khởi nghiệp thành công với các doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động.
Xem thêm : Tây Ninh trao gần 300 suất quà cho bà con ở Thái Nguyên bị ảnh hưởng lũ lụt
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình giới thiệu các kết quả nghiên cứu của nhà trường với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Triển lãm Công nghệ Chip bán dẫn Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau 25 năm phát triển, Trường Đại học Công nghệ từng bước khẳng định vị thế top đầu trong khối các trường đại học công nghệ, kỹ thuật của cả nước. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất nhanh và mạnh với thế giới, và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Trường Đại học Công nghệ nhận thấy còn rất nhiều việc mang tính hệ thống phải được đặt ra và giải quyết thấu đáo trong công tác tự chủ đại học, quản trị đại học hiện đại, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Những ngày đầu thành lập, nhà trường nêu bật yêu cầu đào tạo nhân tài về công nghệ kỹ thuật, về khoa học. Tuy vậy, đề đáp ứng yêu cầu đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, Trường Đại học Công nghệ còn cần phải quan tâm đào tạo các nhân tài trong lãnh đạo, quản trị, tài chính, khởi nghiệp bên cạnh yêu cầu về khoa học kỹ thuật và công nghệ. Sau 25 năm phát triển, nhà trường đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, gắn với sự trưởng thành, tinh thần trách nhiệm và trọng trách xã hội mới. Thành tựu này được đúc kết với 4 giá trị cốt lõi là: Đổi mới sáng tạo, Hợp tác, Chất lượng cao và Nhân văn.
Mục tiêu phát triển của Trường Đại học Công nghệ đến năm 2045 là “Duy trì vị thế một trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu trong nước, nằm trong nhóm các trường đại học tiên tiến ở Châu Á; một trung tâm xuất sắc, đi đầu trong đào tạo tài năng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.”
Những giai đoạn trước, nhà trường có chiến lược để triển khai sứ mạng, mục tiêu nhưng nhà trường khẳng định ở số lượng sinh viên, xếp hạng theo ước lệ. Nhưng với Chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn 2045, nhà trường đã ra những chỉ số mà có thể là chỉ số mục tiêu khá thách thức, ví dụ như năm 2035, nhà trường quyết tâm trong thời gian tới có một số ngành đào tạo vào top 300 trường thế giới; năm 2045 nhà trường phấn đấu có các ngành trong top 200 thế giới. Đặc biệt, nhà trường mong muốn sẽ nằm trong top 200 trường trên thế giới về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật,…
Từ những mục tiêu lớn, nhà trường đã vi phân ra các mục tiêu chỉ số đối với từng bộ phận liên quan để huy động sự đồng lòng, chung sức thực hiện vì mục tiêu chung. Thời gian từ nay đến năm 2035, 2045 tưởng chừng như rất xa nhưng nếu không có quyết tâm lớn ngay từ hôm nay thì sẽ không thực hiện được mục tiêu phát triển mà nhà trường đã đề ra trong Chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn 2045. Chiến lược đã xác định tham vọng Trường Đại học Công nghệ sẽ vươn lên thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo tiên tiến của châu Á.
Phóng viên: Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có một số đề án liên quan đến đào tạo nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao. Thưa Giáo sư, các đề án này sẽ tạo đà cho nhà trường trong thực hiện chiến lược phát triển Trường Đại học Công nghệ năm 2035, tầm nhìn 2045 ra sao? Giáo sư có kiến nghị đề xuất như thế nào?
Giáo sư Chử Đức Trình: Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến năm 2045 của Chính phủ đang được Bộ Giáo dục đào tạo soạn thảo có vai trò rất quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động của nước ta trong vài chục năm tới và xa hơn nữa.
Theo tôi, khi được ban hành, chương trình này sẽ là nền móng cho sự phát triển dài hạn và bền vững của Quốc gia. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa để đất nước hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao. Với sự phát triển của các trường đại học, cùng sự hỗ trợ từ các chính sách quốc gia và hợp tác quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước tiến mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới.
Nhân lực công nghệ cao, chất lượng cao là nền tảng của sự thành công trong việc “Chuyển đổi số – động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”; để “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số” [1], như nhấn mạnh trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp Quốc khánh 2/9/2024.
Với sứ mạng đào tạo chất lượng cao, đào tạo nhân tài cho cả nước, Trường Đại học Công nghệ của chúng tôi sẽ cập nhật và bổ sung chiến lược phát triển của nhà trường dựa trên các mục tiêu, các hoạt động của chương trình.
Dự thảo Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 là một công trình được xây dựng công phu, và toàn diện. Với góc nhìn từ một trường đại học công nghệ kỹ thuật, chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới, chúng ta sẽ hoàn thiện được các cơ chế, quy định để khẳng định vai trò của 3 nhà, bao gồm: Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp Việt Nam.
Phóng viên: Sau 25 năm truyền thống và 20 năm thành lập trường, Giáo sư chia sẻ kỳ vọng vào sự phát triển của nhà trường trong thời gian tới?
Giáo sư Chử Đức Trình: Nhà trường sẽ đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế tự chủ đại học đang được bắt đầu thực hiện trong vài năm vừa qua. Bên cạnh công tác nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhà trường tập trung đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đại học số. Công tác chuyển đổi số phải được áp dụng và quán triệt triển khai toàn diện trong tất cả các hoạt động của nhà trường từ: quản trị, tổ chức, hành chính, đến các công tác giảng dạy, đánh giá người học, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên, nâng cao hiệu quả hội nhập với thế giới, và đặc biệt từng bước hoàn thiện văn hóa học tập, văn hóa giảng dạy, văn hóa chất lượng cao, và trách nhiệm xã hội của cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, hạ tầng kỹ thuật của nhà trường ngày càng được nâng cấp hiện đại, đáp ứng yêu cầu mọi hoạt động, phục vụ tốt nhất cho người dạy và người học. (Ảnh: website nhà trường)
Bên cạnh đội ngũ cán bộ giảng viên giỏi, sinh viên giỏi, hệ thống các chương trình đào tạo khoa học, gắn với thực tiễn và hiện đại, một yêu cầu tiên quyết để đào tạo chất lượng cao là hệ thống cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm. Nguồn kinh phí này chỉ có thể giải quyết được nếu có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Từ ngày thành lập, cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu luôn mong muốn có một ngày xây dựng được cơ sở khang trang của Trường Đại học Công nghệ ở Hòa Lạc để làm nền tảng cho cán bộ, sinh viên yên tâm công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Chúng tôi rất mong muốn, thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư để hoàn thiện Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Khu vực nội thành hiện nay đã quá chật chội không đủ điều kiện để đáp ứng sự phát triển.
Phóng viên: Trải qua 25 năm truyền thống và 20 năm thành lập Trường Đại học Công nghệ, Giáo sư có tâm sự, gửi gắm như thế nào đến tập thể nhà trường?
Giáo sư Chử Đức Trình: Tôi rất tự hào và vinh dự là một thành viên của mái nhà Công nghệ ngay từ ngày đầu thành lập cho đến hôm nay. Tôi là một trong những cán bộ trẻ được thụ hưởng chính sách “cán bộ tạo nguồn” của Trường Đại học Công nghệ. Trong không khí hướng tới sự kiện Kỷ niệm 25 năm truyền thống và 20 năm thành lập Trường Đại học Công nghệ, chúng tôi lại dâng tràn cảm xúc khi nhớ về các thầy cô giáo thành lập Khoa Công nghệ và nay là Trường Đại học Công nghệ, nhớ đến sự quyết liệt của cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo – nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội với những uy tín trong khoa học và trong quản trị, với những quyết sách sáng tạo, quyết liệt và tầm nhìn xa.
Ngày 25/5/2004, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Công nghệ. Cố Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu với tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã gửi gắm vào sự ra đời của Trường Đại học Công nghệ, cụm từ “Bồi dưỡng nhân tài” được thể hiện trong Quyết định thành lập nhà trường. Kể từ đó, sứ mạng “Bồi dưỡng nhân tài” luôn được coi là niềm tự hào, là mệnh lệnh và là kim chỉ nam của biết bao thế hệ cán bộ, giảng viên nhà trường.
Chúng tôi mong rằng, toàn thể cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Công nghệ luôn thấm nhuần sứ mạng, mục tiêu, và chiến lược phát triển của nhà trường, từ đó xây dựng các kế hoạch chiến lược cụ thể cho từng đơn vị, biến thành hành động của mỗi thành viên nhà trường.
Xem thêm : Để hấp dẫn SV, hệ cao đẳng cần cấu trúc theo hướng mở và liên thông lên đại học
Toàn trường cùng quyết tâm và đồng lòng, đoàn kết vun đắp phát triển giá trị cốt lõi: “Đổi mới sáng tạo, Hợp tác, Chất lượng cao, Nhân văn”, để đưa “Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài của cả nước, khu vực và thế giới” gắn với “Phát triển bền vững”, thực hiện “Trách nhiệm xã hội” và “Trách nhiệm quốc gia”.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình!
Những thành tựu nổi bật trên chặng đường xây dựng và phát triển Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Về hoạt động đào tạo, hiện tại, nhà trường có 38 chương trình đào tạo. Riêng từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã đề xuất và triển khai mở mới 14 chương trình đào tạo đại học, trong đó có 05 chương trình đào tạo chất lượng cao (02 chương trình có tiền đề từ chương trình Nhiệm vụ chiến lược đạt trình độ quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tiên phong triển khai các chương trình thí điểm có tính liên ngành và nhu cầu xã hội cao như: Kỹ thuật robot, Kỹ thuật năng lượng; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển 02 lĩnh vực mới là ngành Công nghệ Hàng không vũ trụ và ngành Công nghệ Nông nghiệp.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau tốt nghiệp đạt kết quả cao, trung bình trên 97,5% và được thị trường lao động đánh giá cao về chất lượng. Ở bậc đào tạo sau đại học, 100% nghiên cứu sinh có công bố quốc tế khi tốt nghiệp.
Công tác tuyển sinh, điểm chuẩn tuyển sinh đại học của nhà trường luôn giữ ở mức cao và ổn định, nằm trong nhóm các trường dẫn đầu của cả nước, quy mô tuyển sinh đại học tăng đều.
Hoạt động kiểm định chất lượng, nhà trường đã thực hiện đánh giá kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đợt 1 năm 2007, đợt 2 năm 2012, đợt 3 năm 2016 và được cấp chứng nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2023, nhà trường tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong công tác kiểm định chất lượng với việc hoàn thành kiểm định cơ sở giáo dục chu kỳ 2. Đến nay, nhà trường đã có 05 chương trình đào tạo (Công nghệ thông tin, Điện tử Viễn thông, Khoa học Máy tính, Công nghệ Kỹ thuật – Cơ điện tử, Mạng máy tính và Truyền thông Dữ liệu) được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, năm 2022, nhà trường có 350 bài báo khoa học được xuất bản, trong đó số lượng bài ISI/Scopus đạt tỷ lệ 1,4 bài/giảng viên. Nhà trường đã thu hút được nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp với tổng kinh phí đạt 20 tỷ đồng. Ngoài ra, các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng, được chuyển giao cũng ngày càng nhiều (giai đoạn năm 2006-2010: 9 sản phẩm; từ năm 2010-2014: 14 sản phẩm; năm 2022: 16 hợp đồng ký kết và 02 sản phẩm đã chuyển giao).
Hoạt động sở hữu trí tuệ được quan tâm nhiều hơn với 11 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận, trong đó có 6 bằng phát minh sáng chế được công nhận, chuyển giao 2 sản phẩm khoa học công nghệ cho doanh nghiệp.
Đã có những công trình khoa học đăng trên các tạp chí uy tín (Nature Communications), có chỉ số trích dẫn lớn trong thời gian ngắn, nhiều cán bộ đã có báo cáo tại hội nghị có rank A. Bên cạnh đó, hàng năm, nhà trường cũng chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc gia, quốc tế, trong đó, nhà trường đang được giao chủ trì một chuyên san của Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Điện tử Viễn thông là đơn vị thường trực của Tạp chí REV JEC (Tạp chí REV Journal on Electronics and Communications của Hội Vô Tuyến – Điện Tử Việt Nam)
Từ năm 2017 đến thời điểm hiện tại, nhà trường có nhiều đơn vị mới được thành lập để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động nghiên cứu và đào tạo: Viện Hàng không vũ trụ, Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ; Viện Trí tuệ nhân tạo; Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông.
Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhà trường có khoảng 60 đối tác nước ngoài và 40 đối tác trong nước đang duy trì các hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, trong đó có những đối tác chiến lược.
Năm 2007, nhà trường hợp tác với Tập đoàn Toshiba thành lập phòng thí nghiệm phối thuộc Toshiba-UET đặt tại trường. Năm 2011, nhà trường đã hợp tác với IBM ra mắt Trung tâm Xuất sắc IBM đặt tại trường và là CoE đầu tiên của IBM ở khu vực ASEAN.
Công tác đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, từ năm 2004 đến nay, nhà trường chú trọng vào yếu tố đội ngũ cán bộ, thể hiện qua việc chất lượng – số lượng đội ngũ cán bộ phát triển qua từng giai đoạn.
Vị thế, thương hiệu nhà trường trên trường quốc tế, thương hiệu Trường Đại học Công nghệ đã được khẳng định trên trường quốc tế thông qua các kết quả đánh giá, xếp hạng cao từ các tổ chức xếp hạng đại học hàng đầu thế giới như Times Higher Education (THE), Quacquarelli Symonds (QS).
Được biết, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) được Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Cụ thể, năm 2004 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2009 nhận Huân chương Lao động hạng 3, năm 2020 nhận Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2022 nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.tapchicongsan.org.vn/media story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/chuyen-doi-so-dong-luc-quan-trong-phat-trien-luc-luong-san-xuat-hoan-thien-quan-he-san-xuat-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi
Ngọc Mai
https://giaoduc.net.vn/gschu-duc-trinh-boi-duong-nhan-tai-la-kim-chi-nam-cua-truong-dai-hoc-cong-nghe-post246706.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on %s = human-readable time difference 9:27 sáng
Các loại cá nước sâu như cá kiếm và cá ngừ sẽ có hàm lượng…
Ngày 5/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết,…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng…
OnePlus vừa ra mắt mẫu smartphone cao cấp OnePlus 13 với chipset mạnh mẽ và…
Học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT lần thứ nhất theo chương trình…
Học sinh Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên) hiểu thêm về các quy định…