Categories: Giáo Dục

CSGDĐH kiến nghị những nội dung cần có khi xây dựng đề án thu hút GV nước ngoài

Published by

Vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam.

Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh quốc tế hóa, tự chủ đại học hiện nay

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Tân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) bày tỏ, có thể nói, với việc xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia người nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nói chung và Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên trong bối cảnh tự chủ đại học, quốc tế hóa giáo dục đại học và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Theo thầy Tân, đề án này sẽ đáp ứng sự mong mỏi, trông chờ bấy lâu nay của các trường trong bối cảnh các trường đại học trên thế giới đang có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, trong khi Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn trong việc thu hút, sử dụng chuyên gia người nước ngoài.

Đồng thời, đề án sẽ tạo động lực mạnh mẽ, tạo điều kiện, cơ hội để các trường thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, đổi mới chương trình đào tạo cập nhật với xu thế thế giới, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của các trường đại học trong nước, đáp ứng yêu cầu đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội và toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên).

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến – nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (tỉnh Long An), cho biết, việc xây dựng một đề án về cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng chuyên gia người nước ngoài có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam nói chung và từng trường đại học cụ thể nói riêng nhằm:

Một là, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các chuyên gia giáo dục quốc tế thường mang đến những tri thức mới, kinh nghiệm thực tiễn từ các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, họ có thể góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo và thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Hai là, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế. Việc mời được chuyên gia nước ngoài thể hiện nỗ lực hội nhập với giáo dục toàn cầu, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam kết nối mạnh mẽ hơn với mạng lưới giáo dục và nghiên cứu quốc tế. Với trình độ chuyên môn và các mối quan hệ có sẵn của mình, các chuyên gia giáo dục quốc tế sẽ đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, kết nối cho các tài năng Việt Nam những cơ hội ra nước ngoài tu nghiệp. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới của nguồn nhân lực Việt Nam.

Ba là, giúp xây dựng đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu chất lượng cao. Các chuyên gia nước ngoài không chỉ trực tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu mà còn đóng vai trò cố vấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên trong nước. Họ cũng là cầu nối để các cơ sở giáo dục Việt Nam tăng cường hợp tác chuyển giao và nhận chuyển giao công nghệ, phương pháp và kỹ năng mới từ các cơ sở giáo dục chất lượng cao, uy tín ở nước ngoài.

Bốn là, tạo môi trường học thuật đa văn hóa. Sự hiện diện của giảng viên, chuyên gia quốc tế sẽ góp phần tạo ra môi trường học tập đa văn hóa, giúp sinh viên làm quen với các phong cách làm việc, tư duy và ngôn ngữ toàn cầu. Đây là cơ sở để các cơ sở giáo dục đào tạo ra được thế hệ trẻ có tri thức hiện đại, có năng lực ngoại ngữ đáp ứng được và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động quốc tế.

Năm là, thuận lợi hơn trong việc thu hút tài trợ và gia tăng uy tín quốc tế. Các trường đại học có chuyên gia quốc tế sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút các dự án tài trợ, hợp tác quốc tế và đầu tư từ các tổ chức nước ngoài. Khi uy tín của nhà trường được nâng cao thì tự khắc gia tăng được khả năng thu hút sinh viên tài năng trong và ngoài nước.

Đối với mỗi cơ sở giáo dục, việc thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài sẽ giúp nhà trường rút ngắn giai đoạn trong những dự án phát triển các ngành đào tạo tiên tiến trên thế giới nhưng còn mới tại Việt Nam, từ đó phát triển được những ngành đào tạo thế mạnh hoặc lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, việc sử dụng các chuyên gia sẽ giúp cơ sở giáo dục tạo dựng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và khẳng định thương hiệu của trường trong hệ thống giáo dục quốc gia và quốc tế.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Quách Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng được đề án cơ chế chính sách tốt để thu hút đội ngũ tri thức ở nước ngoài về sẽ mang lại nhiều thuận lợi.

Trước hết, thứ hạng của trường qua các đánh giá sẽ được tăng lên khi có thể tuyển dụng được những nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu.

Không những vậy, đội ngũ giảng viên, sinh viên sẽ có cơ hội được tiếp cận với những chuyên gia đầu ngành để nâng cao trình độ. Đặc biệt, người học còn được thực hiện những giao lưu học tập, rèn luyện, phát triển thêm ngoại ngữ,… để từ đó trở thành công dân toàn cầu. Nhờ văn hóa mà đội ngũ chuyên gia nước ngoài mang đến, sau khi tốt nghiệp, người học sẽ có sự tự tin, dễ dàng hội nhập, làm việc tại các công ty ở nước ngoài hoặc các công ty, tập đoàn đa quốc gia ở trong nước.

Bên cạnh đó, với sự tham gia tích cực của đội ngũ chuyên gia nước ngoài, chất lượng nghiên cứu khoa học sẽ tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu thực tế, yêu cầu đổi mới về công nghệ kỹ thuật trên thế giới.

Còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, tài chính

Thầy Tân thông tin thêm, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) trong gần 60 năm phát triển luôn chú trọng tới việc thu hút, sử dụng chuyên gia nước ngoài. Trường cũng đã phát triển các chương trình trao đổi giảng viên với các trường đại học ở Thái Lan, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Hiện nay, Đại học Thái Nguyên có khoảng 900 lưu học sinh đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Trường Đại học Sư phạm có 129 lưu học sinh. Thực tế này đã tạo ra môi trường đào tạo quốc tế rất tốt không chỉ với các lưu học sinh mà còn cả với sinh viên Việt Nam.

Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, việc thu hút, sử dụng chuyên gia người nước ngoài mới dừng ở những chương trình trao đổi ngắn hạn.

Không những vậy, hiện nay hầu hết các trường đều gặp phải một số khó khăn trong việc thu hút chuyên gia, giảng viên người nước ngoài như nguồn lực ở các trường, đặc biệt là ở các trường công lập, nguồn lực dành cho việc thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, về chính sách lương, thưởng và nguồn kinh phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ hoàn toàn còn thiếu tính cạnh tranh để có thể thu hút được chuyên gia, giảng viên nước ngoài giỏi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Tân Tạo.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính liên quan tới tiếp nhận chuyên gia, giảng viên nước ngoài từ nguồn hỗ trợ nước ngoài, cấp giấy phép lao động và xác nhận miễn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài còn phức tạp, phải qua nhiều bước và cần sự chấp thuận của nhiều đơn vị. Đây cũng là những rào cản, khiến các trường chưa thực sự tích cực trong việc thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài.

Thầy Luyến cũng cho rằng, Việt Nam đang gặp phải khó khăn trong việc thu hút chuyên gia và giảng viên người nước ngoài về cơ chế, chính sách.

Cụ thể, các chính sách lương, thưởng và phúc lợi dành cho chuyên gia nước ngoài chưa cạnh tranh được so với một số nước trong khu vực. Thêm vào đó, quy trình cấp visa, giấy phép lao động và các thủ tục pháp lý khác còn phức tạp, mất thời gian, làm khó cho các đơn vị sử dụng lao động và khiến nhiều chuyên gia nản lòng.

Một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều trường đại học ở Việt Nam chưa đáp ứng được môi trường học thuật năng động, đủ sức hấp dẫn chuyên gia nước ngoài. Điều này làm cho nhiều chuyên gia ngần ngại, không muốn đến Việt nam trao đổi giáo dục.

Hơn nữa, áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Malaysia – những quốc gia đã có chính sách thu hút nhân tài quốc tế rất cạnh tranh, bao gồm mức lương cao, môi trường làm việc hiện đại, và chế độ phúc lợi tốt.

Không những vậy, nhiều trường đại học, đặc biệt là trường đại học công lập, chưa có đủ ngân sách hoặc có ngân sách nhưng vướng mắc về cơ chế chi ngân sách để chi trả mức lương cạnh tranh và các chi phí khác liên quan đến việc thu hút chuyên gia quốc tế. Các dự án cải thiện điều kiện làm việc thường phụ thuộc vào ngân sách nhà nước hoặc các nguồn tài trợ không ổn định.

Ngoài ra, một số hạn chế khác có thể được nêu ra như rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, rào cản về chiến lược, phong cách làm việc,…

Còn theo thầy Hải, hiện nay công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giảng viên người nước ngoài đối với các trường đại học công lập của nước ta còn nhiều khó khăn, kể cả những trường đại học công lập đã tự chủ. Bởi, mặc dù tự chủ nhưng các trường vẫn phải tự chủ trong quy định của pháp luật. Đơn cử, muốn mời lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam còn phụ thuộc vào Luật lao động hiện hành nên còn nhiều vướng mắc.

Đề án cần có những nội dung nào để thu hút đội ngũ chuyên gia, giảng viên nước ngoài?

Để xây dựng đề án được thuận lợi, thầy Tân cho rằng, trong đề án này cần đặc biệt đưa những nội dung nhằm tạo hành lang thông thoáng trong việc thu hút chuyên gia người nước ngoài đến làm việc dài hạn tại các trường.

Thứ nhất, cần có những quy định, hướng dẫn phù hợp, thông thoáng hơn về tiêu chuẩn, số năm kinh nghiệm của chuyên gia, giảng viên nước ngoài mà các trường có thể tuyển dụng, sử dụng.

Thứ hai, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận chuyên gia, giảng viên nước ngoài, nhất là tình nguyện viên, giảng viên theo các chương trình hỗ trợ, hợp tác của đối tác nước ngoài, đặc biệt là thủ tục xin cấp hoặc xin miễn giấy phép lao động cho chuyên gia, giảng viên nước ngoài.

Thứ ba, cần có chính sách về tài chính để hỗ trợ, tạo động lực cho các trường thu hút chuyên gia nước ngoài vào nghiên cứu. Nên có sự đầu tư kinh phí và ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu khoa học có đồng chủ nhiệm là chuyên gia nước ngoài, có sản phẩm là các công bố chung trên các tạp chí uy tín.

Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh).

Thứ tư, cần tạo ra các cơ hội phát triển nghề nghiệp, định cư, nhập cư cho chuyên gia nước ngoài (nhà khoa học, nhà giáo dục xuất sắc), để họ không chỉ cống hiến cho công tác giảng dạy, nghiên cứu mà còn có cơ hội và điều kiện để phát triển sự nghiệp cá nhân tại các cơ sở giáo dục Việt Nam.

Thứ năm, cần có chính sách khuyến khích các trường đại học ở Việt Nam hợp tác chiến lược với các tổ chức giáo dục, các cơ sở nghiên cứu nước ngoài. Điều này sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội đưa chuyên gia, giảng viên nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam, tăng cường tính bền vững trong mạng lưới hợp tác học thuật, nghiên cứu quốc tế tại các trường đại học.

“Chúng tôi tin tưởng và kì vọng vào bước đột phá nếu có đề án thu hút, sử dụng chuyên gia người nước ngoài. Đề án sẽ tạo đà để nhà trường nỗ lực thực hiện được mục tiêu tới năm 2035 trở thành trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, ngang tầm với các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.

Việc có giảng viên, nhà khoa học nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại trường sẽ tạo môi trường, cơ hội tốt cho các bên liên quan, nhất là đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và người học của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam”, thầy Tân bày tỏ.

Còn theo quan điểm của thầy Hải, nếu đề án này được xây dựng, cần lưu ý đến một số khó khăn khi các trường thực hiện như vướng mắc trong sử dụng ngoại ngữ, nắm vững và chính xác được thông tin mà họ truyền đạt. Đồng thời, chi phí để chi trả cũng rất cần lưu tâm. Bởi, trên thực tế, việc chi trả kinh phí cho đội ngũ chuyên gia người nước ngoài này chưa diễn ra thường xuyên trong nhiều trường đại học của nước ta. Chính vì vậy, nên việc đưa ra con số cho vấn đề này trong quy chế chi tiêu nội bộ cần cân nhắc sao cho phù hợp, nếu chênh lệch quá nhiều có thể xảy ra bất bình trong nội bộ.

Như vậy, có thể thấy rằng, nếu có đề án cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đội ngũ chuyên gia người nước ngoài về làm việc tại cơ sở đào tạo của Việt Nam có nhiều ưu điểm nhưng thách thức cũng không ít.

Còn theo thầy Luyến, để xây dựng một đề án về cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng chuyên gia người nước ngoài hiệu quả, cần tập trung vào các nội dung cụ thể.

Theo đó, Nhà nước nên đưa ra chính sách đãi ngộ hấp dẫn, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục quyết định vấn đề này. Hơn nữa, cần cải thiện thủ tục hành chính. Trong đó đơn giản hóa quy trình cấp visa và giấy phép lao động, gia hạn thời gian làm việc linh hoạt. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống quản lý chuyên gia hiệu quả với việc lập cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia quốc tế để quản lý, đánh giá và kết nối với các chuyên gia quốc tế tiềm năng.

Tường San

https://giaoduc.net.vn/csgddh-kien-nghi-nhung-noi-dung-can-co-khi-xay-dung-de-an-thu-hut-gv-nuoc-ngoai-post247758.gd

This post was last modified on Tháng mười hai 12, 2024 7:41 sáng

Lê Hồng Phong

truonglehongphong.edu.vn là website chuyên về blog, tin tức, tại đây tổng hợp các thông tin hay mỗi ngày, cũng như những tin tức mới nhất, hay những thông tin, kinh nghiệm hay nhất

Published by

Bài đăng mới nhất

Hoạt động ngoại khóa tại Trường Mầm non VCN World giúp trẻ phát triển toàn diện

Có thể nói, thiên nhiên giống như một ngôi trường khổng lồ, sinh động giúp…

36 phút ago

Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ dịch bệnh ‘bí ẩn’ khiến nhiều người mắc, tử vong tại Congo

Tối 11/12, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế dẫn thông tin từ…

2 giờ ago

Apple công bố ứng dụng và trò chơi xuất sắc nhất App Store năm 2024

Vào ngày 11 tháng 12, Apple đã công bố những người chiến thắng Giải thưởng…

2 giờ ago

Ứng dụng AI trong giáo dục đại học, cao đẳng

Chiều ngày 11/12/2024, tại Đại học Hòa Bình (số 8 Bùi Xuân Phái, phường Mỹ…

2 giờ ago

Thanh niên 31 tuổi ở TP.HCM tìm thấy tinh hoàn ẩn trong ổ bụng từ dấu hiệu nhiều người Việt bỏ qua

Bệnh nhân là anh NHV (31 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) vào Bệnh viện Đa khoa…

2 giờ ago

Nhiều địa phương Sở GD&ĐT không ra đề kiểm tra cuối học kỳ như các năm trước

Nếu như những năm học trước, khi học chương trình năm 2006, hầu hết các…

3 giờ ago