Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 26/4/1995 theo quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đi vào hoạt động theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo số 2128/QĐ-GDĐT.
Theo thông tin trường cập nhật trên website, với việc không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quản lý và giảng dạy, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có sứ mạng cung cấp cho người học môi trường giáo dục và nghiên cứu chuyên nghiệp, giúp phát triển tối đa năng lực tiếp thu kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Là nơi kết nối người học với cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, là nơi rèn luyện cho người học khả năng thích ứng cao trong mọi môi trường làm việc.
Bạn đang xem: Chỉ tiêu từ xa có ngành gấp 4 lần chính quy, HUTECH nói do thị trường cần nhiều
Trường có trụ sở tọa lạc tại đường Điện Biên Phủ (Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) và cơ sở đào tạo tại đường Ung Văn Khiêm (Phường 25, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh); cơ sở 276 – 282 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ sở 276 – 282 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh website nhà trường
Bên cạnh đó, trường còn thành lập Trung tâm Đào tạo Nhân lực chất lượng cao HUTECH và Viện Công nghệ Cao HUTECH tại Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng là Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc đang giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.
Một số ngành hệ đào tạo từ xa có chỉ tiêu cao hơn hệ chính quy
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, năm học 2024 – 2025, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ đào tạo từ xa với 11 ngành bao gồm: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Marketing, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Tâm lý học, Luật kinh tế, Quản lý xây dựng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn.
Theo đó, ở một số ngành học, chỉ tiêu hệ đào tạo từ xa cao hơn so với hệ chính quy. Cụ thể đối với ngành Tâm lý học, hệ chính quy có 150 chỉ tiêu trong khi hệ đào tạo từ xa là 600 chỉ tiêu (gấp 4 lần hệ chính quy); ngành Ngôn ngữ Anh có chỉ tiêu là 600 trong khi hệ chính quy là 500 chỉ tiêu.
Bảng so sánh chỉ tiêu 2 hệ đào tạo của trường. Thực hiện: Trâm Anh
Lý giải về sự chênh lệch chỉ tiêu tuyển sinh ở 2 hệ đào tạo, đại diện Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngoài căn cứ vào năng lực tuyển sinh của nhà trường còn căn cứ vào nhu cầu của thí sinh.
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giữa chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo từ xa so với hệ đại học chính quy là do nhu cầu thị trường lao động đối với một số ngành như ngành Ngôn ngữ Anh và Tâm lý học hiện đang rất được ưa chuộng.
Trên thực tế, cả hai ngành đều có tiềm năng phát triển, nhưng hệ đào tạo từ xa đang đáp ứng linh hoạt hơn nhu cầu của người học.
Thứ hai, hệ đào tạo từ xa thu hút những người đã đi làm, người có gia đình hoặc những người muốn học nâng cao nhưng không thể tham gia vào chương trình chính quy do thời gian hạn chế. Khi tham gia chương trình đào tạo từ xa, người học có thể học trực tuyến, linh hoạt về thời gian và địa điểm, cho phép sinh viên tự quản lý lịch học của mình.
Ngoài ra, xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ thông tin đã thúc đẩy việc học trực tuyến. Nhiều sinh viên lựa chọn học từ xa để tiết kiệm thời gian và chi phí. Trong khi đó, nếu tham gia chương trình đại học chính quy, sinh viên tham gia các lớp học trực tiếp tại trường, theo thời gian biểu cố định.
Cuối cùng là việc các chương trình đào tạo từ xa ngày càng được cải thiện về chất lượng đào tạo với sự tích hợp của công nghệ và phương pháp giảng dạy hiện đại. Điều này làm tăng sự tin tưởng của người học vào các chương trình từ xa”.
Với tổng quy mô 2.910 sinh viên hệ đào tạo từ xa, đại diện trường cho biết để có thể vận hành tốt, trường đã tổ chức, triển khai chương trình đào tạo từ xa với sự tham gia, vận hành của cả hệ thống như: Viện Hợp tác và Phát triển đào tạo, Ban Thanh tra, Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí, Trung tâm Dạy học số, Trung tâm Kiểm định và Đảm bảo chất lượng, các Khoa/Viện và phòng ban khác của trường.
Theo đó, Viện Hợp tác và Phát triển đào tạo là đầu mối, điều phối các hoạt động của chương trình đào tạo từ xa, trình độ đại học. Viện đã được nhà trường bố trí các cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực đào tạo, chăm sóc sinh viên, quản lý sinh viên.
Xem thêm : Hà Nội tập trung khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
Về phía giảng viên, tất cả giảng viên tham gia giảng dạy chương trình từ xa đều có kinh nghiệm và kiến thức phù hợp với các học phần trong chương trình đào tạo, được đào tạo về công nghệ giảng dạy từ xa, phương pháp giảng dạy trực tuyến mà trường đang vận hành.
Bên cạnh đó, trường còn có đội ngũ nhân viên hỗ trợ trực thuộc Viện Hợp tác và Phát triển đào tạo để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, tư vấn học tập và hướng dẫn về quy trình học.
Các hoạt động khác của chương trình đều có sự tham gia của đội ngũ nhân viên hỗ trợ của các đơn vị. Đội ngũ này sẽ phối hợp với Viện Hợp tác và Phát triển Đào tạo trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, giám sát quá trình học tập, giảng dạy của giảng viên và sinh viên, tổ chức các hoạt động, hội thảo, tập huấn cho sinh viên.
Chênh lệch điểm trúng tuyển do đầu vào đa dạng
Theo phóng viên tìm hiểu, đối với hệ đào tạo từ xa, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chỉ sử dụng phương thức xét tuyển mà không tổ chức thi tuyển.
Cụ thể, đối tượng được đăng ký xét tuyển vào chương trình đào tạo từ xa là những thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc tương đương), trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề, đại học.
Đối với thí sinh đã có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình tổ hợp 3 môn lớp 12. Tổng điểm trung bình lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 15 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) hoặc xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), tổng điểm trung bình 3 học kỳ đạt từ 15 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu điểm).
Với cách xét tuyển trên, có thể thấy thí sinh chỉ cần đạt 5 điểm/môn trở lên là đủ điều kiện xét tuyển.
Trong khi đó, ở hệ đại học chính quy cũng với phương thức xét học bạ, điểm chuẩn xét tuyển của các ngành là 18 điểm. Còn với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm trúng tuyển của các ngành dao động từ 16 – 21 điểm.
Bảng so sánh điểm chuẩn hệ chính quy và điểm xét tuyển hệ đào tạo từ xa năm 2024. Thực hiện: Trâm Anh
Trước thắc mắc của phóng viên về vấn đề chênh lệch điểm chuẩn, đại diện nhà trường cho hay, đối tượng sinh viên theo học hệ từ xa rất đa dạng ở nhiều độ tuổi, vùng miền, nhiều hoàn cảnh khác nhau nên tiêu chí điểm xét tuyển đầu vào đôi khi không thể hiện hết năng lực của từng thí sinh.
Hơn hết, mỗi loại hình đào tạo sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau của sinh viên, phù hợp với đối tượng sinh viên có những hoàn cảnh khác nhau, vị trí khác nhau. Như vậy, để hướng tới một xã hội học tập thì cần có những chương trình, những hình thức đào tạo phù hợp với sinh viên có nhu cầu khác nhau về ngành học, môn học.
Để duy trì tính cạnh tranh công bằng giữa sinh viên hệ đào tạo từ xa và hệ đại học chính quy, trường luôn có các tiêu chí xét tuyển rõ ràng và phù hợp. Đồng thời, việc tổ chức lớp học cũng linh hoạt và đa dạng, nhằm đảm bảo mọi sinh viên đều có cơ hội học tập và phát triển.
Qua thời gian tuyển sinh, thực tiễn cho thấy các sinh viên của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đều có những hoàn cảnh, những xuất thân khác nhau, nhưng có chung một mục tiêu đó là tiếp tục con đường học tập, các sinh viên này đa phần đã có kiến thức thực tiễn nên việc bắt nhịp học các môn khá nhanh chóng.
Vị này thông tin thêm, cũng giống như việc học sinh ở bậc trung học phổ thông có những lựa chọn trường chuyên, trường công lập, trường quốc tế, trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên. Trên thực tế mỗi trường đều có những ngưỡng đầu vào khác nhau nhưng mục tiêu chung là hướng tới xã hội học tập, để mọi người cùng có điều kiện hoàn thiện bản thân mình.
2 chương trình đào tạo có chung 1 “chuẩn”
Trước những lo ngại về chất lượng ở hệ đào tạo từ xa, đại diện trường cho biết hiện nay, các hoạt động giáo dục, kiểm tra, đánh giá đều căn cứ vào chuẩn đầu ra để triển khai.
Theo đó, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo hệ đào tạo từ xa và hệ chính quy là như nhau nên sẽ không có sự phân biệt trong việc đào tạo sinh viên ở mỗi hệ khác nhau.
Theo thông tin nhà trường cập nhật trên website, điều kiện chứng chỉ để xét tốt nghiệp đối với sinh viên chương trình đào tạo từ xa, trình độ đại học (áp dụng từ khóa 2022 trở về sau) bao gồm các điều kiện sau:
Xem thêm : USTH khai giảng năm học 2024-2025: GEN15 mang tên nhà khoa học Alexandre Yersin
Thứ nhất, sinh viên phải có chứng nhận trình độ Tiếng Anh tương đương chuẩn B1 theo Khung tham chiếu châu Âu CEFR, tương đương trình độ ngoại ngữ bậc 03 theo khung năng lực ngoại ngữ Quốc gia Việt Nam, do Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Mính sát hạch (Không áp dụng đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh). Chứng nhận do Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Mính sát hạch và cấp có giá trị để xét tốt nghiệp trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
Thứ hai, nếu sinh viên có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế (bao gồm: IELTS, TOEIC, TOEFL, UCLES trong thời hạn 02 năm kể từ ngày cấp) hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học ngành Tiếng Anh thì Hiệu trưởng sẽ xem xét phê duyệt từng trường hợp cụ thể.
Thứ ba, không áp dụng điều kiện chứng chỉ trên đối với sinh viên chương trình đào tạo từ xa, trình độ đại học đã tốt nghiệp 01 bằng đại học khác.
Khung chương trình đào tạo của ngành Quản trị kinh doanh ở cả 2 hệ là như nhau. Ảnh chụp màn hình
Vị này nhấn mạnh rằng, chất lượng học tập sẽ phụ thuộc vào năng lực của người học. Vậy nên, việc khó khăn hay thuận lợi không nằm ở sinh viên theo hệ nào mà tùy thuộc vào sự quyết tâm, cố gắng của mỗi sinh viên. Tuy nhiên, đối với sinh viên từ xa, tính tự giác trong việc học sẽ cần phải cao hơn để có thể hoàn thành chương trình học đúng thời hạn.
Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng xây dựng chuẩn đầu ra, coi đó là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển chương trình đào tạo.
Theo đó, chất lượng của chương trình đào tạo được thể hiện qua ma trận chuẩn đầu ra của từng học phần. Việc giảng dạy, kiểm tra, đánh giá từng học phần cũng phải đáp ứng chuẩn đầu ra của mỗi học phần và từ đó góp phần hình thành chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho sinh viên.
Đặc biệt, các chuẩn đầu ra được xây dựng dựa theo quy định chung và căn cứ trên một số tiêu chí như kết quả khảo sát các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng; ý kiến của cựu sinh viên, người học; mục tiêu, chiến lược của Nhà trường.
Bên cạnh đó, trường cũng tham khảo, vận dụng các chương trình của các trường đại học trong và ngoài nước để có thể xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chính quy và đào tạo từ xa là như nhau, không có sự khác biệt.
Chia sẻ về quá trình xây dựng, hoàn thiện và vận hành cả 2 loại hình đào tạo, đại diện trường cho biết việc đối mặt với các yếu tố tiêu cực là điều không thể tránh khỏi ở tất cả mọi loại hình đào tạo chứ không riêng gì hệ đào tạo từ xa.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, điều quan trọng nhất là phải xây dựng những giải pháp để phòng chống các nguy cơ dẫn đến tiêu cực.
Trong suốt thời gian vừa qua, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực.
Cụ thể như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc học. Theo đó, ngoài hệ thống LMS để sinh viên có thể tự học, tự nghiên cứu, các buổi học trực tuyến luôn có nhân viên của trường kiểm tra, điểm danh, có Ban Thanh tra giám sát việc dạy và học.
Các hoạt động tự học trên hệ thống LMS đều được giám sát, giảng viên tương tác, đưa ra các yêu cầu và sinh viên có trách nhiệm phải thực hiện.
Đối với hoạt động giảng dạy của giảng viên, nhà trường luôn có những quy định rất rõ ràng đối với cán bộ, giảng viên. Trong những vấn đề sai phạm, trường có những hình thức kỷ luật, xử lý tương ứng. Do đó, ghi nhận thực tế từ nhà trường trong nhiều năm qua, đội ngũ giảng viên luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, hạn chế tối đa các thiếu sót có thể gặp phải, qua đó ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực.
Bên cạnh đó, nhà trường rất chú trọng đến việc xây dựng đề thi dựa trên chuẩn đầu ra và đáp ứng chuẩn đầu ra của các học phần. Điều này buộc sinh viên phải nghiên cứu hết các nội dung của những học phần trong chương trình đào tạo, tránh được các hiện tượng tiêu cực trong học tập và thi cử.
Việc triển khai khi kết thúc học phần cũng được tiến hành nghiêm túc, tổ chức khách quan, công bằng và chặt chẽ. Quá trình xây dựng hệ thống bài giảng luôn được tiến hành bài bản, khoa học. Hệ thống học liệu được xây dựng cho cả sinh viên hệ chính quy và hệ từ xa cùng tự học, tự nghiên cứu. Theo đó, việc xây dựng, nghiệm thu được triển khai theo đúng quy trình ISO của Nhà trường.
TRÂM ANH
https://giaoduc.net.vn/chi-tieu-tu-xa-co-nganh-gap-4-lan-chinh-quy-hutech-noi-do-thi-truong-can-nhieu-post246445.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on %s = human-readable time difference 6:55 sáng
Trại sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Đại học Bách khoa…
Anh Tim cho biết, trước khi làm huấn luyện viên thể hình, anh từng làm…
Bệnh nhân tiểu đường có ăn được cá hồi không?Cá hồi, một loại thực phẩm…
Xiaomi đã âm thầm tung ra bản cập nhật HyperOS 2 mới nhất. Công ty…
Đau thắt ngực là tình trạng tương đối phổ biến, là tình trạng đau ngực…
Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng và chảy máu Nguyên nhân gây chảy máu…