Để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của những hoạt động tư vấn, đóng góp ý kiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã cho thành lập nhiều câu lạc bộ nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên có chung định hướng. Qua đó các cơ sở giáo dục đại học sẽ dễ dàng hỗ trợ và tìm ra những giải pháp giải quyết khó khăn mà các cơ sở giáo dục đang gặp phải.
Ngày 28/4/2021, Hiệp hội đã tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thông tin: “Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ có nhiệm vụ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách cho chủ trương tự chủ đại học triển khai thành công trên thực tế.
Bạn đang xem: Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ ra đời “đánh trúng” nhu cầu thực tiễn
Thành viên của Câu lạc bộ không chỉ là những trường đại học đã tự chủ, đã có kinh nghiệm thực tiễn mà còn có sự tham gia của các đơn vị chưa tự chủ nhưng đang hướng tới tự chủ.
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy mong muốn của các cơ sở giáo dục đều hướng đến sự tự chủ. Bởi, chỉ khi có tự chủ thì giáo dục đại học mới thật sự trưởng thành và cất cánh”.
Theo đó, Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ là 1 trong 26 câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội, đánh dấu một bước tiến mới cũng như đóng góp hữu ích vào sự phát triển và gia tăng tự chủ cho các trường đại học Việt Nam.
Đại diện thành viên Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Nguồn ảnh: UEH)
Là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ, Học viện Ngân hàng đã chứng kiến quá trình phát triển và những đóng góp ý nghĩa của tổ chức trong thời gian vừa qua.
Theo đánh giá của Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, để Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ có thể phát triển, trở thành nơi giao lưu, học hỏi của các cơ sở giáo dục có chung mục đích hướng tới sự tự chủ, không thể không nhắc đến công lao của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Thầy Phương cho biết, trong những năm vừa qua, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò của mình cũng như hoàn thành sứ mệnh quan trọng trong việc liên kết và hỗ trợ các trường đại học trên cả nước.
Trên thực tế, Hiệp hội không chỉ tạo ra một môi trường học thuật cởi mở mà còn thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản lý và tự chủ tài chính giữa các trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Riêng Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ, thầy Phương dành nhiều lời ưu ái khi câu lạc bộ ra đời “đánh trúng” nhu cầu từ thực tiễn.
Không thể phủ nhận, việc thực hiện tự chủ giúp các cơ sở giáo dục tháo gỡ được nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình vận hành và hoạt động, tiến tới phát triển chất lượng đại học. Tuy nhiên, việc tiến tới tự chủ trên thực tế của các trường đại học sẽ không thuận lợi, dễ dàng nếu hành lang pháp lý vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, từ khi thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ hoạt động rất tích cực qua việc tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm mỗi năm; làm tốt vai trò nền tảng trong việc kết nối các trường thành viên cùng chia sẻ các chiến lược, giải pháp và kinh nghiệm thực tiễn về tự chủ đại học.
Điển hình như ngày đầu tiên ra mắt, Câu lạc bộ đã tổ chức Tọa đàm “Những thuận lợi và khó khăn vướng mắc của các trường đã tự chủ đại học”. Tại đây, các cơ sở giáo dục đại học bàn về các vấn đề vướng mắc trong quá trình tự chủ đại học vừa qua và những việc cần làm trong bối cảnh hiện nay.
Đây chính là cơ hội để các trường thành viên cùng trao đổi, cho ý kiến và cùng nhau xây dựng những giá trị thực sự. Những bất cập, khó khăn, hạn chế gây cản trở cho quá trình tiến tới tự chủ các trường hay sự thành công của những đơn vị đã tự chủ chính là bài học kinh nghiệm giàu tính thực tiễn có thể giải quyết, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về tự chủ mà các trường đại học đang phải đối mặt.
Bên cạnh đó, các trường cũng có cơ hội được đề xuất giải pháp, góp ý xây dựng cho nhiều chính sách hữu ích cho mô hình tự chủ trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay.
Theo thầy Phương, các hoạt động này không chỉ giúp các cơ sở giáo dục đại học cải thiện năng lực tự quản lý mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong và ngoài nước. Từ đó tạo nên sức mạnh cộng hưởng và phát huy tốt nhất tiềm năng của từng trường thành viên.
Với tư cách là thành viên của Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ, thầy Phương cho biết, Học viện Ngân hàng tham gia và hoạt động trên tinh thần đóng góp tích cực, không ngừng học hỏi cũng như không ngại chia sẻ kinh nghiệm thực tế của đơn vị.
“Trong suốt thời gian tham gia, nhà trường đã có nhiều đóng góp vào các giải pháp, sáng kiến cũng như nhiều chương trình hoạt động của Câu lạc bộ. Chúng tôi luôn tin rằng, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, của Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ sẽ không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho Học viện Ngân hàng nói riêng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của khối các trường tự chủ tại Việt Nam.
Từ đó sẽ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao từ xã hội và tiến trình hội nhập”, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng chia sẻ.
Nhà giáo ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng. Ảnh: NTCC
Nhiều thay đổi tích cực khi tham gia Câu lạc bộ
Tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Mục đích của việc tự chủ chính là nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đại học, đáp ứng tốt những yêu cầu của xã hội.
Theo đó, khi các cơ sở giáo dục đại học tiến tới tự chủ đại học sẽ có điều kiện thuận lợi, đủ khả năng thúc đẩy sáng tạo cũng như đầu tư xây dựng và sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động học thuật, đào tạo, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học chủ động, hiệu quả.
Thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quyết định về tự chủ đại học. Song, việc thực hiện cơ chế tự chủ đại học dù đã được triển khai thí điểm và có những kết quả ban đầu nhưng các trường vẫn gặp nhiều khó khăn.
Xem thêm : Phúc Thọ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục
Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Câu lạc bộ Khối trường đại học đã tự chủ chính là một sân chơi kết nối, trao đổi và chia sẻ cũng như hỗ trợ các trường đại học còn gặp khó khăn trong việc thực hiện tiến tới tự chủ.
Mục đích của việc tự chủ chính là nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đại học, đáp ứng tốt những yêu cầu của xã hội. Ảnh: NTCC
Đối với Học viện Ngân hàng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cho biết từ khi tham gia câu lạc bộ, nhà trường đã có nhiều thay đổi tích cực và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Theo đó, Học viện Ngân hàng đã thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm xã hội trong các lĩnh vực, hoạt động bằng việc ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với năng lực, điều kiện và hiệu quả hoạt động của từng đơn vị.
Mặt khác, trường vẫn đảm bảo sự chỉ đạo, điều phối, thống nhất và kiểm tra giám sát của Hội đồng Học viện Ngân hàng cũng như thúc đẩy liên thông, liên kết toàn diện giữa các đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung, tạo thêm giá trị gia tăng để nâng cao chất lượng, hiệu quả mọi hoạt động.
Cơ chế quản lý và điều hành đã được hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Cụ thể, các đơn vị của Học viện Ngân hàng đã phát huy được lợi thế chuyên môn hóa trong khuôn khổ quản lý và điều phối thống nhất của trường, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, phối hợp hiệu quả giữa các hoạt động song song.
Nhà trường đã chủ động tập trung các nguồn lực cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất liên quan đến chuyên ngành đào tạo, lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của mình.
Ngoài ra trường luôn tích cực tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học theo nhu cầu xã hội, hướng tới cộng đồng và đã triển khai nhiều hoạt động kết nối mạng lưới cộng đồng học thuật, doanh nghiệp cũng như các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực đào tạo của nhà trường.
Từ năm 2020 đến nay, Học viện Ngân hàng đã phối hợp với Câu lạc bộ Đào tạo và Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), Hiệp hội các Nhà khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Hiệp hội Quốc tế vì Sự tiến bộ của Kinh tế – Tài chính (ISAFE), Trường Kinh doanh EMLV (Pháp) và Đại học Massey (New Zealand) tổ chức thành công Hội thảo thường niên VSBF – một diễn đàn học thuật chuyên sâu về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng với mục đích tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế, mang lại những đóng góp thiết thực cho công tác điều hành của cơ quan quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng.
Để thích nghi với những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, hoạt động quản trị trong nhà trường được thực hiện theo cách tiếp cận quản lý sản phẩm đầu ra, thực hiện việc tăng quyền tự chủ gắn với việc nâng cao tự chịu trách nhiệm của các đơn vị.
Theo đó, chất lượng kết quả/sản phẩm được giám sát chặt chẽ dựa vào các tiêu chí định lượng. Học viện Ngân hàng đã tăng cường chất lượng các chương trình đào tạo cũng như cơ sở giáo dục cho người học và các đối tượng liên quan, gắn liền với các giá trị cốt lõi của Nhà trường.
Sau hơn 6 tháng tiếp cận và nỗ lực, trường vinh dự trở thành thành viên của AUN-QA. Đây là điều kiện cần thiết, đồng thời là bước đi quan trọng để Học viện Ngân hàng có thể tiến hành công tác đăng ký kiểm định và nâng cao chất lượng giáo dục của Nhà trường, qua đó góp phần khẳng định vị thế và thương hiệu của Học viện Ngân hàng vươn tầm quốc tế.
Vẫn còn nhiều bất cập cho các trường phấn đấu tiến tới tự chủ hoàn toàn
Tự chủ là nhu cầu không thể thiếu của các cơ sở giáo dục đại học, gắn liền với năng lực nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu đào tạo của các trường.
Trên thực tế, dù Nhà nước đã có chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, song với vấn đề tự chủ đại học vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.
Theo chia sẻ của thầy Phương, hiện nay, Luật số 34/2018/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học đã tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện tự chủ đại học.
Tuy nhiên, do Luật số 34/2018/QH14 đồng thời và trực tiếp điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến các lĩnh vực tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự… mà các quy định pháp luật chuyên ngành như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Viên chức… vẫn còn bất cập và thiếu đồng bộ nên đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc và làm giảm hiệu quả thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học.
Thứ hai là về vấn đề học phí. Mức học phí theo “Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo” chưa phản ánh đầy đủ các loại chi phí đào tạo cần thiết, đặc thù đào tạo của từng ngành, nghề và chưa gắn với chất lượng sản phẩm đầu ra, thương hiệu của cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, chính sách học phí và cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước chưa có sự gắn kết để thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng sinh viên diện chính sách, sinh viên theo cơ chế đặt hàng đào tạo ở các ngành ít hấp dẫn, không thu hút được người học nhưng cần thiết cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, các quy định về việc liên doanh, liên kết, hình thành doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cuối cùng chính là vấn đề về tài chính. Theo đó, thực tế nguồn thu sự nghiệp của các trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu học phí và chiếm tỷ lệ rất lớn, dao động từ 80-90%.
Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là một trong những hoạt động chính, quan trọng của các trường nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ.
Ngoài ra, do các trường bị ràng buộc pháp lý trong quyền sở hữu của Nhà nước nên việc sử dụng vốn, tài sản trở thành tài sản đảm bảo để tiếp cận vốn vay hoặc định giá góp vốn trong hoạt động liên doanh, liên kết mang lại nguồn thu còn hạn chế.
Do đó, thầy Phương cho rằng những cơ sở giáo dục đại học đang phấn đấu tiến tới tự chủ hoàn toàn trong tương lai cần đảm bảo các điều kiện, tiêu chí tiên quyết.
Thứ nhất là đã thành lập Hội đồng trường/Hội đồng đại học và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Xem thêm : Chú trọng việc phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh
Thứ hai, cơ sở giáo dục đại học đã ban hành và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Hội đồng trường hoặc Hội đồng đại học; quy chế phối hợp giữa Hội đồng trường hoặc Hội đồng đại học, Đảng ủy và nhà trường cũng như quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế dân chủ; quy chế quản lý đào tạo, khoa học công nghệ, học sinh sinh viên, tài chính tài sản và có chính sách bảo đảm chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định.
Thứ ba, phải thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong cơ sở giáo dục đại học. Xây dựng đề án tự chủ và thực hiện công khai đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, cần tính đủ chi phí tiền lương và chi phí hoạt động thường xuyên cũng như các chi phí khác liên quan đến hoạt động của nhà trường trên cơ sở khung giá do Nhà nước quy định. Đảm bảo nguyên tắc nguồn thu đủ bù đắp chi phí đào tạo, từ đó quy định mức học phí.
Các trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ chi tiết, đảm bảo tính công khai, dân chủ và công bằng. Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động của từng người lao động, trong đó chú trọng giải pháp chi trả thu nhập theo chất lượng và hiệu quả công việc nhằm khuyến khích, hấp dẫn, thu hút người có năng lực, có trình độ cống hiến nhiều nhất cho nhà trường.
Với vấn đề tự chủ đại học vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Ảnh: HAUI
Đánh giá cao vai trò, ảnh hưởng của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam đối với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương cho rằng Hiệp hội nói chung và các đơn vị là hội viên nói riêng cần đặc biệt chú trọng vào công tác tự chủ đại học.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần tự chủ về học thuật, về tổ chức để cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, cùng nhau khắc phục những điểm yếu, khiếm khuyết.
Mặt khác, các trường phải thực hiện nghiên cứu khoa học gắn chặt với uy tín nhà trường, với năng lực, chuyên môn đào tạo, gắn liền với năng lực sáng tạo khoa học, từ đó thu hút được các nhà khoa học có uy tín làm việc, giảng dạy.
Đây sẽ là cơ sở để các trường đại học ở Việt Nam chủ động thực hiện chuẩn hóa đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế và có bước đi tích cực tham gia vào xếp hạng các trường đại học quốc tế.
Tương tự, để phát triển Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ tại Việt Nam, các trường đại học là thành viên Câu lạc bộ có thể triển khai một số giải pháp như tăng cường hợp tác nội khối với các tổ chức giáo dục quốc tế, các trường đại học trên thế giới bằng cách tổ chức hội thảo, diễn đàn quốc tế và hợp tác nghiên cứu để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về quản trị đại học trong bối cảnh tự chủ đại học.
Các đơn vị thành viên trao đổi, chia sẻ và học hỏi tại các tọa đàm, hội thảo do câu lạc bộ tổ chức. Nguồn Ảnh: HAUI
Thứ hai, các trường cần cải thiện chất lượng quản trị việc tự chủ, trong đó chú trọng đào tạo đội ngũ lãnh đạo quản lý các trường một cách hiệu quả, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thúc đẩy chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý, đào tạo và nghiên cứu, từ đó tăng cường hiệu quả hoạt động của mỗi trường và của cả câu lạc bộ.
Thứ ba, cần phát triển mạng lưới hỗ trợ, xây dựng các mô hình chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm tự chủ giữa các trường thành viên để tạo sự hỗ trợ lẫn nhau. Các trường thành viên trong câu lạc bộ nên tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất cải thiện, sửa đổi các chính sách, quy định để phù hợp với yêu cầu và điều kiện tự chủ của các trường.
Các giải pháp này sẽ giúp Câu lạc bộ phát triển bền vững và hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu tại Việt Nam.
“Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học công lập tại Việt Nam đang chuyển dần từ mô hình nhà nước kiểm soát sang mô hình nhà nước giám sát với quyền tự chủ đại học ngày càng mở rộng, tôi tin rằng ở tương lai gần, quy mô hoạt của Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ sẽ càng phát triển, mở rộng hơn nữa.
Khi các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam đều tham gia, trở thành hội viên của Hiệp hội thì hệ thống giáo dục quốc dân sẽ có sự liên kết chặt chẽ và phát triển toàn diện.
Cùng với đó, quy mô của Hiệp hội và các câu lạc bộ trực thuộc có thể sẽ mở rộng theo hướng quốc tế khi có nhiều hội viên tham gia vào các chương trình hợp tác, liên kết quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Việc tổ chức các sự kiện học thuật, hội thảo, và tọa đàm khoa học quốc tế sẽ tạo điều kiện giao lưu kiến thức và nâng cao chuyên môn giữa các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam và các trường đại học tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các trường đại học danh tiếng.
Khi đó, Hiệp hội nói chung và Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ nói riêng không chỉ phát triển về quy mô mà còn về chất lượng, trở thành một nền tảng mạnh mẽ thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế”, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng bày tỏ.
Khi các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam đều tham gia, trở thành hội viên của Hiệp hội thì hệ thống giáo dục quốc dân sẽ có sự liên kết chặt chẽ và phát triển toàn diện.
Cùng với đó, quy mô của Hiệp hội và các câu lạc bộ trực thuộc có thể sẽ mở rộng theo hướng quốc tế khi có nhiều hội viên tham gia vào các chương trình hợp tác, liên kết quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Việc tổ chức các sự kiện học thuật, hội thảo, và tọa đàm khoa học quốc tế sẽ tạo điều kiện giao lưu kiến thức và nâng cao chuyên môn giữa các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam và các trường đại học tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các trường đại học danh tiếng.
Khi đó, Hiệp hội nói chung và Câu lạc bộ Khối các trường đại học đã tự chủ nói riêng không chỉ phát triển về quy mô mà còn về chất lượng, trở thành một nền tảng mạnh mẽ thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế”, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng bày tỏ.
ĐÀO HIỀN
https://giaoduc.net.vn/cau-lac-bo-khoi-truong-dai-hoc-da-tu-chu-ra-doi-danh-trung-nhu-cau-thuc-tien-post247177.gd
Nguồn: https://truonglehongphong.edu.vn
Danh mục: Giáo Dục
This post was last modified on Tháng mười hai 4, 2024 7:05 sáng
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, để có sự đồng bộ, liên thông từ giáo…
Tháng 11/2024, Trường Xanh tự hào nhìn lại chặng đường 10 năm hình thành và…
Ba mẫu iPhone từ năm ngoái đã trở thành điện thoại thông minh bán chạy…
Biên soạn SGK Ngữ văn không chỉ là một nhiệm vụ khoa học mà còn…
Trầm cảm khác với tâm trạng bình thường và những thay đổi về cảm xúc…
Theo nhà phân tích màn hình Ross Young, Apple đang chuẩn bị ra mắt chiếc…