Categories: Giáo Dục

Cần làm rõ trường hợp nào được và không được công khai vi phạm của nhà giáo

Published by

Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV gồm 9 chương, 50 điều. Trong đó, điểm b, Khoản 3, Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo nêu về một trong những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo: “Công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền hoặc lan truyền, phát tán thông tin không chính xác về nhà giáo”.

Đại diện Ban soạn thảo cho rằng, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay.

Góp phần bảo vệ sự tôn nghiêm và chuẩn mực của nhà giáo trong nhận thức của học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định, giáo viên đóng vai trò đặc biệt trong xã hội, không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là hình mẫu đạo đức để học sinh noi theo. Do đó, việc xử lý cẩn trọng các thông tin về vi phạm của nhà giáo trước khi có kết luận chính thức là một cách để bảo vệ danh dự cho những cá nhân đang công tác trong ngành giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Thuỳ Linh

Theo thầy Lâm, trong nhiều trường hợp, thông tin về sai phạm của giáo viên chưa được xác minh hoặc chưa đầy đủ bị phát tán rộng rãi, gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến cá nhân giáo viên mà còn tác động đến niềm tin của phụ huynh, học sinh đối với trường học và hệ thống giáo dục. Đồng thời, khi các thông tin chưa chính xác hoặc chưa có đầy đủ chứng cứ được lan truyền, rất dễ dẫn đến việc đánh giá sai lệch về nhân cách và năng lực của nhà giáo, từ đó làm tổn hại đến danh dự và sự nghiệp của giáo viên.

Thực tế cho thấy, khi có một vụ việc tiêu cực xảy ra liên quan đến giáo viên, các phương tiện truyền thông đại chúng thường đưa tin rộng rãi và thu hút lượng lớn người đọc. Tuy nhiên, đối với một số trang tin tức không chính thống hoặc mạng xã hội, việc đưa thông tin khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng sẽ có thể khiến thông tin thiếu khách quan và dẫn đến thiệt hại về danh dự, ảnh hưởng đến tâm lý của cá nhân giáo viên.

Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng việc không công khai thông tin về các vi phạm của giáo viên sẽ hạn chế quyền phản ánh thông tin của phụ huynh và xã hội trong việc giám sát chất lượng giáo dục.

Theo thầy Lâm, phụ huynh là những người trực tiếp gửi gắm con em cho nhà trường, có quyền được biết về các sai phạm nghiêm trọng của giáo viên, từ đó có thể đưa ra những quyết định phù hợp cho việc học tập của con em mình. Do đó, một số trường hợp sai phạm của giáo viên như bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nghề nghiệp cần được công khai để phụ huynh nắm được tình hình.

Cùng bàn về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, đề xuất quy định không công khai thông tin vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích bảo vệ danh dự và uy tín của nhà giáo trước những thông tin chưa được xác minh, đồng thời đảm bảo hình ảnh mẫu mực của ngành giáo dục.

Theo cô Lộc, điều khoản này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng nhanh chóng và khó kiểm soát. Nếu những thông tin chưa được xác minh liên quan đến vi phạm của nhà giáo bị lan truyền rộng rãi có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín cá nhân của nhà giáo và làm méo mó hình ảnh của toàn ngành giáo dục. Bởi nhà giáo trong vai trò là những người đào tạo thế hệ trẻ, cần được bảo vệ để duy trì sự mẫu mực và chuẩn mực trong mắt học sinh và xã hội. Việc công khai những thông tin khi chưa có kết luận chính thức có thể khiến dư luận đưa ra những đánh giá sai lệch, gây ra áp lực không đáng có lên nhà giáo và làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin tưởng của xã hội vào ngành giáo dục.

Tuy nhiên, việc bảo vệ danh dự nhà giáo không đồng nghĩa với việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Mục đích của điều khoản này không phải là cấm hoàn toàn việc công bố thông tin, mà là nhằm hạn chế việc công bố thông tin khi chưa có kết luận chính thức, để tránh tình trạng thông tin sai lệch hoặc chưa được xác thực gây tổn hại không đáng có. Nhà giáo không chỉ là những cá nhân với tư cách chuyên môn mà còn là hình mẫu về nhân cách và đạo đức. Một thông tin tiêu cực về nhà giáo, dù chưa được xác minh, cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chuẩn mực này và làm lung lay niềm tin của phụ huynh, học sinh cũng như cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần nhận thấy rằng quy định này sẽ giúp hạn chế tình trạng thông tin tiêu cực và không chính xác bị lợi dụng để chỉ trích, gây áp lực lên các cá nhân trong ngành giáo dục. Thực tế, khi chưa có kết luận từ các cơ quan chức năng, việc đưa những thông tin tiêu cực có thể khiến người ngoài cuộc có cái nhìn sai lệch về nhà giáo. Do đó, quy định này giúp góp phần bảo vệ sự tôn nghiêm của nghề giáo, giúp nhà giáo an tâm hơn trong quá trình giảng dạy và làm việc, tránh bị tổn hại bởi những thông tin không chính xác.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Website Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo cô Lộc, cá nhân, cơ quan phản ánh cần chịu trách nhiệm về độ chính xác của thông tin. Nếu phụ huynh bức xúc một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến con em mình và có thông tin chính xác muốn phản ánh thì liên hệ với cơ quan có trách nhiệm quản lý là nhà trường để báo cáo sự việc. Trong trường hợp, lãnh đạo nhà trường chưa có cách giải quyết thoả đáng thì phụ huynh hoàn toàn được gửi đơn đến các cấp quản lý cao hơn như phòng giáo dục và đào tạo địa phương để yêu cầu giải quyết. Điều này nhằm tránh lan truyền những thông tin chưa chính xác ra phạm vi diện rộng, tránh gây ảnh hưởng đến danh dự nhà giáo cũng như uy tín của nhà trường.

Cần quy định chi tiết trường hợp nào nên công khai, trường hợp nào cần bảo mật

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Trưởng khoa Nông Lâm – Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai, việc hạn chế công khai những thông tin khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền là cần thiết để tránh tình trạng lan truyền thông tin thiếu chính xác gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nhà giáo. Đặc biệt, với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng có thể dễ dàng bị phát tán rộng rãi, gây tổn hại đến cá nhân và uy tín của nhà giáo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến những cá nhân liên quan mà còn có thể làm suy giảm niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các cá nhân, tổ chức e ngại trong việc phản ánh sai phạm của nhà giáo (nếu có). Với những vấn đề nhỏ và mang tính chất nội bộ, các bên liên quan nên ưu tiên xử lý trong phạm vi ngành, trong trường hợp không thể đưa ra cách giải quyết thoả đáng thì mới phản ánh cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nhận định, việc công bố thông tin khi chưa có kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng có thể mang đến bất lợi, khiến nhà giáo chịu áp lực không đáng có từ dư luận. Do đó, khi muốn đưa thông tin công khai, các cá nhân, tổ chức nên tự đặt ra câu hỏi liệu dư luận xã hội sau khi tiếp nhận thông tin sẽ phản ứng theo chiều hướng nào và cần đảm bảo mục đích sau cùng là xây dựng, góp ý để ngành giáo dục ngày càng hoàn thiện, vững mạnh hơn.

Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, việc duy trì sự cân bằng của quy định này với các quy định hiện hành là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Quy định bảo vệ nhà giáo cần rõ ràng, nhưng cũng cần bảo đảm quyền phản ánh thông tin của các bên liên quan như phụ huynh, báo chí và xã hội. Các quy định về công khai thông tin không chỉ nhằm bảo vệ danh dự của nhà giáo, mà còn góp phần tạo dựng một môi trường giáo dục trong sạch, minh bạch. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ và báo chí tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Chỉ khi đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của nhà giáo và quyền phản ánh thông tin của xã hội, ngành giáo dục mới có thể tiến bộ và nhà giáo mới được bảo vệ đúng cách trong khi vẫn duy trì tính minh bạch cần thiết.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh – Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Trưởng khoa Nông Lâm – Xây dựng, Trường Cao đẳng Lào Cai. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, để cân bằng giữa nội dung mới của Dự thảo Luật Nhà giáo và các luật hiện có, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những quy định chi tiết hơn để xác định rõ các trường hợp nào nên công khai và những trường hợp nào có thể được bảo mật thông tin chờ kết luận của cơ quan chức năng. Điều này vừa giúp bảo vệ quyền lợi của giáo viên vừa đảm bảo nhu cầu minh bạch thông tin của xã hội.

“Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể xem xét, cân nhắc phân loại các vi phạm của giáo viên thành hai nhóm: nhóm vi phạm nghiêm trọng có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và nhóm vi phạm nhỏ mang tính cá nhân. Đối với các vi phạm nghiêm trọng như bạo hành học sinh, lạm dụng chức vụ hoặc vi phạm pháp luật, thông tin có thể được công khai sau khi có xác nhận chính thức từ cơ quan chức năng. Ngược lại, các sai phạm nhỏ như vi phạm quy tắc ứng xử hay thiếu kiềm chế trong quá trình giảng dạy có thể được xử lý nội bộ để cảnh cáo cá nhân trước.

Ngoài ra, các quy định về việc không công khai thông tin vi phạm của nhà giáo cần có cơ chế linh hoạt, cụ thể hơn để đảm bảo không vi phạm Luật báo chí cũng như quyền phản ánh thông tin của phụ huynh. Điều này không chỉ giúp bảo vệ danh dự của nhà giáo mà còn đảm bảo sự công bằng trong việc đưa tin và duy trì niềm tin của công chúng. Chỉ khi đạt được sự cân bằng giữa các yếu tố này, quy định về xử lý thông tin vi phạm của nhà giáo mới thực sự phát huy hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong việc giám sát chất lượng giáo dục”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho rằng, bên cạnh việc nên điều chỉnh điều khoản sao cho mềm mỏng hơn thì việc truyền tải thông tin một cách trung thực và khách quan cũng cần được chú trọng. Các phương tiện truyền thông và phụ huynh khi phản ánh những vấn đề liên quan đến nhà giáo, cần có trách nhiệm đối với thông tin mình cung cấp, đảm bảo rằng thông tin đó dựa trên các căn cứ đáng tin cậy và không nhằm mục đích bôi nhọ danh dự của nhà giáo. Việc phản ánh thông tin cần đặt lợi ích của cộng đồng và ngành giáo dục lên hàng đầu, không chỉ vì quyền lợi của một cá nhân mà còn vì sự phát triển bền vững của nền giáo dục.

Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng là công tác giáo dục truyền thông và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo. Thay vì chỉ tập trung vào việc ngăn chặn thông tin tiêu cực, cần tạo điều kiện để những câu chuyện tích cực về nhà giáo được lan tỏa, nhằm nâng cao hình ảnh của nghề giáo trong mắt xã hội. Đơn cử những tấm gương tiêu biểu trong ngành giáo dục cần được tôn vinh, tạo động lực cho nhà giáo và giúp công chúng hiểu rõ hơn về công việc của họ, từ đó xây dựng niềm tin vào giáo dục.

“Xét trên nhiều khía cạnh, tôi cho rằng, điều khoản không công khai thông tin vi phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ danh dự của nhà giáo, đồng thời đảm bảo hình ảnh chuẩn mực của ngành giáo dục. Tuy nhiên, cần có sự điều chỉnh linh hoạt, mềm mỏng hơn để tránh xung đột với quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin của công chúng.

Sự cân bằng giữa bảo vệ danh dự nhà giáo và đảm bảo quyền lợi tiếp cận thông tin của công chúng là mục tiêu cần hướng đến. Quy định này khi được triển khai một cách hợp lý, sẽ góp phần xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm cống hiến và đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà”, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Mỹ Lộc bày tỏ.

Thu Thuỷ

https://giaoduc.net.vn/can-lam-ro-truong-hop-nao-duoc-va-khong-duoc-cong-khai-vi-pham-cua-nha-giao-post246586.gd

This post was last modified on %s = human-readable time difference 7:31 sáng

Lê Hồng Phong

truonglehongphong.edu.vn là website chuyên về blog, tin tức, tại đây tổng hợp các thông tin hay mỗi ngày, cũng như những tin tức mới nhất, hay những thông tin, kinh nghiệm hay nhất

Published by

Bài đăng mới nhất

55+ Ảnh Arthur Liên Quân Đẹp (Hình Nền Chibi, Avatar Ngầu)

55+ Ảnh Arthur Liên Quân Đẹp, Hình Nền Chibi, Avatar Đẹp Nhất. Symbols.vn Mang Đến…

25 giây ago

40+ Vẽ tranh ngày Tết lễ hội và mùa xuân 2024

Không khí xuân tươi đẹp, Tết an lành đang chuẩn bị gõ cửa từng nhà.…

9 phút ago

79+ Ảnh Play Together Cute (Hình Nền Nam Nữ, Con Gái Ngầu)

Những bức ảnh cùng nhau chơi dễ thương thú vị nhất với hơn 79 hình…

12 phút ago

Người đàn ông 40 tuổi ở Quảng Ninh phải thay khớp háng thừa nhận một sai lầm nhiều người Việt mắc phải

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, mới đây các bác…

19 phút ago

45+ Ảnh Hoa Anh Đào Anime Buồn Cô Đơn (Hình Nền Đẹp Nhất)

45+ Ảnh Anime Hoa Anh Đào Buồn, Cô Đơn, Tâm Trạng Với Hình Nền 3D…

29 phút ago

Dự kiến thêm trường hợp học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10

Dự kiến ​​5 học sinh sẽ được nhận thẳng vào lớp 10. Ảnh: Cộng tác…

39 phút ago